Monday, January 6, 2025
Trang chủBiển nóng“Nhật Bản có thể chi viện cho quân đội các nước Việt...

“Nhật Bản có thể chi viện cho quân đội các nước Việt Nam, Philippines”

Nhật Bản sẽ mở rộng hợp tác quân sự với Mỹ, có thể chi viện cho quân đội các nước ven Biển Đông, có thể đưa ra yêu cầu mới với Nga, cân bằng sức mạnh khu vực.

Theo báo chí Trung Quốc, ngày 19 tháng 9, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự luật bảo đảm an ninh mới, giúp Nhật Bản trở thành “quốc gia bình thường”, “có thể phát động chiến tranh”.

Mở rộng hợp tác với Mỹ, có thể can thiệp Biển Đông

Tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản cho rằng, Luật bảo đảm an ninh mới được thông qua sẽ làm cho hợp tác ngoại giao và bảo đảm an ninh Nhật-Mỹ tiếp tục mở rộng.

Đối với việc Thượng viện Nhật Bản thông qua dự luật bảo đảm an ninh mới, ngày 17 tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Kirby cho biết, Mỹ hoan nghênh Nhật Bản phát huy vai trò tích cực hơn trong an ninh khu vực và quốc tế.

Chính phủ Mỹ cho rằng, sự thay đổi trong chính sách an ninh của Nhật Bản sẽ giúp cho hợp tác giữa Quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ được tăng cường, vì vậy có thái độ hoan nghênh.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức cũng cho rằng, cần hoan nghênh Nhật Bản phát huy vai trò lớn hơn trên các lĩnh vực như hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. Nhật Bản cần thiết duy trì đối thoại chặt chẽ với các nước láng giềng.

Tàu đệm khí LCAC Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia diễn tập quân sự liên hợp “Dawn Blitz-2015” tại Mỹ

Nhật Bản đưa ra luật lâu dài cho phép sử dụng quyền tự vệ tập thể và điều quân ra nước ngoài bất cứ lúc nào là yêu cầu từ lâu của Mỹ. Để ngăn chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, Mỹ tìm cách tăng cường hợp tác với các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương, hy vọng Nhật Bản phát huy vai trò lớn hơn.

Tháng 7, tại Washington Mỹ, Tham mưu trưởng liên quân Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản Kawano Katsutoshi cho biết, Quân đội Mỹ rất trông đợi vào pháp chế bảo đảm an ninh. Ông đã cảm ơn Mỹ có thái độ rất nghiêm túc trong vấn đề Biển Đông.

Đối với Trung Quốc – nước đang tìm mọi cách áp đặt yêu sách lãnh thổ phi pháp ở Biển Đông, Mỹ đã áp dụng các biện pháp như triển khai máy bay tuần tra săn ngầm mới P-8A Poseidon ở căn cứ Kadena, tỉnh Okinawa, đã tăng cường cơ chế giám sát.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng đang khẩn trương trang bị máy bay tuần tra tự chế tạo. Quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ hy vọng, sau khi thông qua dự luật bảo đảm an ninh mới, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ tiến hành hoạt động tuần tra trên Biển Đông.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Sáng ngày 19 tháng 9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố: Nền tảng pháp lý cần thiết đã được hoàn thiện. Sẽ thúc đẩy chủ nghĩa hòa bình tích cực, sẵn sàng cho mọi bất trắc.

Có nhiều quan điểm cho rằng, việc Quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới có nghĩa là chiến lược bảo đảm an ninh của Nhật Bản đã có sự thay đổi mang tính căn bản, Nhật Bản sẽ tích cực tham gia các hành động quân sự quốc tế.

Theo nhà nghiên cứu Lưu Giang Vĩnh, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, bước tiếp theo, nội các Shinzo Abe sẽ tập trung thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp hòa bình. Cuộc bầu cử Thượng viện vào năm 2016 rất quan trọng, sẽ quyết định Nhật Bản sẽ đi con đường nào trong tương lai, là cuộc bầu cử Thượng viện quan trọng nhất của Nhật Bản sau Chiến tranh.

Nếu Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đại thắng vào năm tới và liên minh với chính đảng đồng ý sửa đổi Hiến pháp khác, chiếm 2/3 số ghế ở Thượng viện, thì việc đảng cầm quyền Nhật Bản đưa ra dự thảo Hiến pháp mới, thông qua ở Quốc hội là việc đã định.

Theo Lưu Giang Vĩnh, nếu trong cuộc bầu cử Thượng viện vào năm 2016, số ghế đồng ý sửa đổi Hiến pháp không đạt 2/3 thì ông Shinzo Abe có thể tiếp tục nắm quyền, nhưng trước năm 2018, ông sẽ không có cơ hội sửa đổi Hiến pháp.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có chuyến thăm thành công tới Nhật Bản

Có thể chi viện cho quân đội các nước Việt Nam, Philippines

Tờ “Bành bái” Trung Quốc ngày 19 tháng 9 cho rằng, Luật bảo đảm an ninh mới của Nhật Bản làm cho việc điều động Lực lượng Phòng vệ ra nước ngoài có khả năng, cho phép Nhật Bản cung cấp chi viện phía sau cho quân đội nước khác ứng phó với xung đột quốc tế. Luật mới cho phép điều quân ra nước ngoài bất cứ lúc nào.

Luật an ninh mới trở thành căn cứ để Lực lượng Phòng vệ triển khai hành động trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay, luật mới của Nhật Bản cho phép, cho dù Nhật Bản không trực tiếp bị tấn công vũ lực, chỉ cần nước khác có quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản bị tấn công vũ lực, sự tồn vong của Nhật Bản bị đe dọa mà không có biện pháp ứng phó thích hợp khác, thì Lực lượng Phòng vệ có thể sử dụng vũ lực.

Luật mới sẽ mở rộng phạm vi hoạt động ra “ngoài hiện trường đang diễn ra hoạt động chiến đấu”, phạm vi chi viện bao gồm cung cấp vũ khí đạn dược, tiếp dầu cho máy bay chiến đấu.

Nhật Bản đã đưa ra “Luật tình trạng ảnh hưởng quan trọng” (sửa đổi từ Luật tình trạng xung quanh), đưa Biển Đông vào phạm vi áp dụng, có thể chi viện cho quân đội các nước ngoài Mỹ.

Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Nhật Bản sẽ nuốt Viễn Đông và Siberia của Nga?

Tờ tuần báo “Người đưa tin công nghiệp quân sự” Nga ngày 16 tháng 9 đăng bài viết “Dư âm của lịch sử” của tác giả Anatoly Ivanko.

Theo bài viết, “vùng lãnh thổ phía bắc” là trở ngại chính trong ký kết Hiệp ước hữu nghị láng giềng Nga-Nhật.

Những nỗ lực phân chia lãnh thổ tranh chấp giữa Nga-Nhật từ năm 1853 kéo dài đến năm 1956, trong thời gian đó không chỉ một lần sử dụng các biện pháp ngoại giao và quân sự, có khi còn kéo thêm cả lực lượng thứ ba.

Tình hình cũng từng có lúc lạc quan: hai bên dự định đưa ra nhượng bộ lẫn nhau trên cơ sở xem xét lợi ích kinh tế và chiến lược của nhau, chứ không phải là chiếm thế thượng phong.

Vào năm 1905, năm 1927, năm 1938 và năm 1939, Nhật Bản từng cố gắng tìm cách sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề, nhưng đã thất bại. Sau khi bại trận hoàn toàn vào năm 1945, Nhật Bản rơi vào cô lập về chính trị và kinh tế.

Quân đội Trung Quốc và Nga tổ chức diễn tập quân sự “Liên hợp trên biển-2015” ở vịnh Peter the Great, mũi Clerk và biển Nhật Bản, bị Mỹ và Nhật Bản giám sát chặt chẽ

Các nước thuộc đồng minh chống phát xít không chỉ cấm nước xâm lược bại trận có quân đội, mà cũng đã quy định giới tuyến của họ. Thông cáo Potsdam cũng lên án chính sách xâm lược do Nhật Bản tiến hành ở khu vực Viễn Đông và Thái Bình Dương.

Hoà ước San Francisco ký kết ngày 8 tháng 9 năm 1951 đã quy định cụ thể cục diện sau chiến tranh của Nhật Bản. Nhật Bản từ bỏ quyền sở hữu và yêu cầu lãnh thổ đối với quần đảo Nam Kuril và khu vực phía nam Sakhalin.

Nhưng, cho dù khi đó, Tokyo cũng đã bắt đầu đề xuất, coi vấn đề lãnh thổ trả lại quần đảo Nam Kuril là một trong những điều kiện cần thiết để ký Hiệp ước hòa bình Xô-Nhật.

Người Nhật có 2 cách hiểu về “Vùng lãnh thổ phía bắc”: nghĩa hẹp là chỉ quần đảo Nam Kuril, nghĩa rộng là chỉ quần đảo Nam Kuril và Sakhalin, bộ phận phái chủ chiến thậm chí cho rằng, đó là khu vực rộng lớn, gồm cả Viễn Đông, Siberia, cho đến Ural. Nếu Nga tiến hành nhượng bộ nhất định, Nhật Bản sẽ lại đưa ra yêu cầu mới.

Có chuyên gia cho rằng, thời gian tới, Nhật Bản có thể điều tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu đến Biển Đông tuần tra

Chính sách của Nhật Bản đối với Liên Xô (sau này là Nga) không ngừng thay đổi, lý do không khó giải thích. Trong ngày ký kết Hoà ước San Francisco, Nhật Bản với Mỹ ký kết Hiệp ước an ninh, Mỹ thiết lập căn cứ quân sự và lực lượng đồn trú ở Nhật Bản, bảo đảm an ninh của Nhật Bản.

Từ đó trở đi, Nhật Bản “nhắm mắt đi theo” chính sách của Washington, từng nhiều lần được gọi là “tàu sân bay không chìm” của Mỹ.

Có một số học giả lịch sử cho rằng, Nhật Bản hiện nay đã không còn là quốc gia chủ nghĩa quân phiệt, tranh chấp lãnh thổ phải giải quyết trên cơ sở của luật pháp quốc tế hiện nay. Nhưng điều cũng quan trọng là, thế giới thay đổi, vai trò quốc gia có lợi ích ở khu vực Viễn Đông cũng đã thay đổi.

Tình hình hiện nay đã hoàn toàn khác. Nga-Trung rõ ràng đã hình thành “đồng minh chính trị và kinh tế”, “đoàn kết” các nước láng giềng và các nước Mỹ Latinh.

Gần đây, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã điều máy bay tuần tra săn ngầm P-3C đến Biển Đông tham gia tập trận với Philippines

Nhật Bản cũng nổi lên, từng bị cô lập toàn diện do tiến hành chiến tranh và chủ nghĩa quân phiệt, đến nay đã là một quốc gia tự tin có khoa học công nghệ tiên tiến, mức sống của người dân rất cao.

Tất cả những thay đổi này đều tồn tại “mâu thuẫn” với chính sách thân Mỹ của nhà lãnh đạo hiện nay của Nhật Bản. Những thay đổi này có thể trở thành cơ sở hiện thực để Nhật Bản xây dựng quan hệ hoàn toàn mới với các nước láng giềng, trước hết là Nga.

Đến nay, căn cứ phân chia lãnh thổ không nên là nguyên tắc “phát hiện sớm nhất”, cũng không phải là chỉ trích lẫn nhau “ai mượn, ai không trả”, mà là cần dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, không cho phép bất cứ hành vi chuyên chế nào, cân nhắc tỉnh táo lợi ích kinh tế của nhau.

Nhưng Nhật Bản kiên quyết tranh thủ “khôi phục công bằng sau chiến tranh”, không loại trừ tìm cách áp dụng chấn hưng lại sức mạnh quân sự để làm đòn bẩy gây sức ép với các láng giềng.

Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật bảo đảm an ninh mới, cho phép sử dụng Lực lượng Phòng vệ giải quyết vấn đề lãnh thổ. Báo Trung Quốc cho rằng, cách làm này không có lợi cho đối thoại, cho thấy một bộ phận thế lực Nhật Bản tiếp tục thực hiện tư duy cũ “phục hồi chủ nghĩa quân phiệt”.

Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cũ cho Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam

Báo chí Nhật mô phỏng 3 cuộc chiến tranh ở xung quanh

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 21 tháng 9 đưa tin, sau khi Luật bảo đảm an ninh được thông qua, nội các Shinzo Abe lập tức nới lỏng tiêu chuẩn sử dụng vũ khí của Lực lượng Phòng vệ, đồng thời bắt đầu nghiên cứu phương án mở rộng điều quân ra nước ngoài của Lực lượng Phòng vệ.

Hãng tin Kyodo Nhật Bản mô phỏng 3 tình huống làm cho Nhật Bản bị lôi kéo vào chiến tranh, mục tiêu chỉ rõ nước A có tàu ngầm xuất hiện ở biển Nhật Bản, nước B (Trung Quốc) “lấn biển xây đảo nhân tạo” ở Biển Đông, và CHDCND Triều Tiên.

Nhà nghiên cứu Trương Quân Xã, Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc cho rằng, 3 loại tình huống can dự chiến tranh do báo chí Nhật đưa ra thực ra nhằm vào các nước láng giềng như Nga, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên,

cho thấy Luật bảo đảm an ninh mới của Nhật Bản “cực kỳ nguy hiểm”, lộ ra ý đồ thực sự đằng sau việc chính quyền Shinzo Abe sửa đổi Luật bảo đảm an ninh.

Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Ngày 19 tháng 9, Chính phủ Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao Hồng Lỗi cho rằng, Nhật Bản gấp rút tăng cường sức mạnh quân sự, điều chỉnh lớn chính sách quân sự-an ninh, không phù hợp với xu thế thời đại hòa bình, phát triển và hợp tác,

đã gây ra sự nghi ngờ cho cộng đồng quốc tế về việc Nhật Bản phải chăng muốn từ bỏ chính sách chuyên phòng vệ và con đường phát triển hòa bình sau chiến tranh.

Theo Hồng Lỗi: “Trung Quốc thúc giục Nhật Bản coi trọng mối quan tâm an ninh của các nước láng giềng châu Á, làm nhiều việc có lợi cho thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực này”.

Ngày 19 tháng 9, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ trích Nhật Bản, cho rằng:

“Quốc hội Nhật Bản bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, cố ý thông qua dự luật bảo đảm an ninh mới, làm cho chính sách quân sự, an ninh của Nhật Bản đã xuất hiện sự thay đổi chưa từng có, làm nổi bật tính hạn chế của Hiến pháp hòa bình Nhật Bản.

Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Nhật Bản đi ngược lại trào lưu thời đại hòa bình, phát triển và hợp tác, kiên trì tư duy Chiến tranh Lạnh, tăng cường đồng minh quân sự, có ý đồ gia tăng mức độ sử dụng quân đội ở nước ngoài, gây ra lo ngại cho người dân Nhật Bản, các nước láng giềng châu Á và cộng đồng quốc tế”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn thúc giục Nhật Bản “rút ra bài học lịch sử sâu sắc, coi trọng mối quan tâm an ninh của các nước láng giềng, kiên trì con đường phát triển hòa bình, làm nhiều việc có lợi cho hòa bình, ổn định của khu vực này”, đồng thời cho biết sẽ “theo dõi chặt chẽ” các động thái tiếp theo của Nhật Bản.

Với cách hành xử mang đậm màu sắc quân sự của Trung Quốc ở các vùng biển xung quanh gần đây, tuyên bố này của Trung Quốc phải dành cho cả bản thân Trung Quốc – PV.

Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc lại xông vào lãnh hải đảo Senkaku

Tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 20 tháng 9 dẫn Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc ngày 19 tháng 9 cho biết, cùng ngày, biên đội gồm các tàu cảnh biết Trung Quốc số hiệu 2305, 2151 và 2113 đã tiến hành “tuần tra trong lãnh hải” đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư).

Lực lượng tàu cảnh sát biển Trung Quốc đến vùng biển đảo Senkaku (ảnh tư liệu)

Theo bài báo, số liệu chính thức cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã 26 lần xông vào khu vực 12 hải lý của đảo Senkaku, lần trước là ngày 10 tháng 9; năm 2014 tổng cộng có 35 lần, năm 2013 tổng cộng có 50 lần xông vào lãnh hải đảo Senkaku.

“Báo cáo phát triển biển Trung Quốc” do Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc mới công bố đánh giá, tranh chấp phức tạp về chủ quyền đảo đá và quyền lợi biển là “nhân tố bất ổn lớn nhất” ảnh hưởng đến an ninh biển của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới