Friday, December 20, 2024
Trang chủThâm cung bí sửSự thật về mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc (kỳ...

Sự thật về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc (kỳ 2)

Trong chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, nếu họ coi Liên Xô và Mỹ là những đối tượng chủ yếu cần phải chiến thắng, thì họ coi Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính để dễ bề đạt được lợi ích chiến lược của họ.

Lãnh tụ Mao Trạch Đông của Trung Quốc

Việt Nam trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc

Bước vào những năm 1950, khi bắt đầu công cuộc xây dựng lại hòng đưa nước Trung Hoa nhanh chóng trở thành cường quốc trên thế giới, những người lãnh đạo Trung Quốc phải đối phó với cuộc chiến tranh của Mỹ xâm lược Triều Tiên ở phía bắc và mối nguy cơ đe doạ an ninh của Trung Quốc ở  phía nam do cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam gây ra. Đồng thời đế quốc Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ và tên sen đầm quốc tế, thi hành một chính sách thù địch đối với Trung Quốc và đang ra sức tiến hành kế hoạch bao vây, cô lập Trung Quốc.

Cuộc kháng chiến thắng lợi của nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Campuchia chống thực dân Pháp đã đưa đến  Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương. Pháp lo sợ thắng lợi hoàn toàn của nhân dân Việt Nam sẽ dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Trung Quốc là nước cung cấp nhiều vũ khí nhất cho Việt Nam vào cuối cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp. Những người lãnh đạo Trung Quốc đã lợi dụng tình hình đó để đứng ra làm người thương lượng chủ yếu đối với đế quốc Pháp, câu kết với chúng và cùng nhau thoả hiệp về một giải pháp có lợi cho Trung Quốc và Pháp, không có lợi cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Campuchia. Họ đã hy sinh lợi ích của nhân dân ba nước ở Đông Dương để bảo đảm an ninh cho Trung Quốc ở phía nam, để thực hiện mưu đồ nắm Việt Nam và Đông Dương, đồng thời để có vai trò là một nước lớn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, trước hết là ở châu Á. Trong Hội nghị Giơnevơ năm 1954 mà phần đầu dành cho vấn đề Triều Tiên, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa lần đầu tiên xuất hiện ngang hàng với bốn cường quốc uỷ viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đó là một cơ hội tốt cho những người lãnh đạo Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực châu Á và châu Phi. Đồng thời, họ tìm cách bắt tay với đế quốc Mỹ qua các cuộc thương lượng trực tiếp bắt đầu  Giơnevơ, về sau chuyển sang Vacsava.

Từ sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, đế quốc Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào Việt Nam, nhằm biến miền Nam Việt Nam thành một thuộc địa kiểu mới và một căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Nam châu Á. Những người cầm quyền ở Bắc Kinh muốn duy trì lâu dài tình trạng Việt Nam bị chia cắt. Nhưng nhân dân Việt Nam đã anh dũng đứng lên chống Mỹ cứu nước và ngày càng giành được nhiều thắng lợi.

Cuối những năm 1960, đế quốc Mỹ bị sa lầy trong chiến tranh xâm lược chống Việt Nam, một cuộc chiến tranh đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về kinh tế, chính trị và xã hội của nước Mỹ, đồng thời làm suy yếu thêm vị trí của đế quốc Mỹ trên thế giới. Tình hình đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cách mạng trên thế giới phát triển mạnh mẽ và tạo cho các nước Tây Âu, Nhật Bản có cơ hội ngoi lên thành những lực lượng cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ. Trước tình thế ngày càng tuyệt vọng, tổng thống Nichxơn đã đề ra kế hoạch “Việt Nam hoá” chiến tranh và theo kinh nghiệm của đế quốc Pháp năm 1954, dùng Trung Quốc hòng giải quyết vấn đề Việt Nam với những điều kiện có lợi cho đế quốc Mỹ: rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam mà vẫn giữ được chế độ bù nhìn Nguyễn Văn Thiệu ở miền nam Việt Nam. Đồng thời, chính quyền Nichxơn chơi con bài Trung Quốc để gây sức ép đối với Liên Xô, chống phong trào cách mạng thế giới.

Lợi dụng sự suy yếu của đế quốc Mỹ và chiều hướng chính sách của chính quyền Nichxơn, những người lãnh đạo Trung Quốc tăng cường chống Liên Xô và thoả hiệp với Mỹ, giúp Mỹ giải quyết vấn đề Việt Nam để cố tạo nên thế ba nước lớn trên thế giới theo công thức của Kitxinhgơ về “thế giới nhiều cực”, trong đó một trong ba cực lớn là Trung Quốc, xoá bỏ “thế hai cực” Mỹ và Liên Xô đã hình thành sau chiến tranh thế giới thứ hai, đồng thời dùng vấn đề Việt Nam để đổi lấy việc Mỹ rút khỏi Đài Loan. Do đó, họ lật ngược chính sách liên minh, bắt đầu từ việc coi Liên Xô là kẻ thù chủ yếu, gây ra xung đột biên giới với Liên Xô tháng 3 năm 1969, đến việc phản bội Việt Nam lần thứ hai, buôn bán với Mỹ để ngăn cản thắng lợi hoàn toàn của nhân dân Việt Nam. Trong năm 1971, họ lần lượt tiến hành chính sách “ngoại giao bóng bàn”, đón tiếp Kitxinhgơ ở Bắc Kinh. Tiếp đó là việc khôi phục địa vị của Trung Quốc ở Liên hợp quốc và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trở thành một trong năm uỷ viên thường trực  của Hội đồng bảo an. Đỉnh cao là việc Trung Quốc tiếp tổng thống Mỹ Nichxơn và hai bên ra Thông cáo Thượng Hải tháng 2 năm 1972. Đối với những người cầm quyền Bắc Kinh, sự câu kết với đế quốc Mỹ là một bước có ý nghĩa quyết định đối với việc triển khai chiến lược toàn cầu của họ.

Cũng như sau Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương, những người lãnh đạo Trung Quốc sau Hiệp định Pari tháng 1 năm 1973 về Việt Nam, muốn duy trì nguyên trạng ở miền nam Việt Nam. “Cách mạng Trung Quốc và Đảng cộng sản Trung Quốc” của chủ tịch Mao Trạch Đông viết năm 1939 do hiệu sách Tân Hoa thư điếm (Dực Nam) tái bản tháng 6 năm 1949. Trong đó có đoạn viết:

“Sau khi dùng chiến tranh đánh bại Trung Quốc, các nước đế quốc đã cướp đi nhiều nước phụ thuộc và một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc: Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận. Anh chiếm Miến Điện, Butan, Nêpan và Hương Cảng. Pháp chiếm An Nam…”

Đường vẽ chấm là “biên giới” của Trung Quốc theo quan điểm bành trướng, những vùng đánh số là những lãnh thổ mà nhà cầm quyền Bắc Kinh cho là đã bị nước ngoài “chiếm mất” bao gồm: một phần lớn đất vùng Viễn Đông và Trung Á của Liên Xô (số 1, 17, 18), Át Xam (số 6), Xích Kim (số 4), Butan (số 5), Miến Điện (số 7), Nêpan (số 3), Thái Lan (số 10), Việt Nam (số 11), Lào, Campuchia…

Vì vậy thắng lợi của nhân dân Việt Nam năm 1975 đánh sụp hoàn toàn chính quyền tay sai của Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà không chỉ là một thất bại lớn của đế quốc Mỹ mà còn là một thất bại lớn của những người cầm quyền Bắc Kinh trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu và mưu đố bành trướng, bá quyền của họ. Từ đó, họ công khai thi hành chính sách thù địch chống Việt Nam, kể cả bằng biện pháp quân sự.

Như vậy, trong 30 năm qua, Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc. Vì Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong chiến lược của Pháp giữa những năm 1950 cũng như trong chiến lược của Mỹ đầu những năm 1970, những người lãnh đạo Trung Quốc đã dùng “con bài” Việt Nam để câu kết với bọn đế quốc, phục vụ cho ý đồ chiến lược bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của họ. Đồng thời họ mưu toan một mình nắm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, một vấn đề trung tâm của đời sống chính trị quốc tế lúc bấy giờ để giương cao chiêu bài “chống chủ nghĩa đế quốc” hòng nắm quyền “lãnh đạo cách mạng thế giới”, dìm ảnh hưởng của Liên Xô.

(còn tiếp)

 

RELATED ARTICLES

Tin mới