Khả năng Nhật Bản sử dụng vũ lực ở một số khu vực tranh chấp tăng mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến thực hiện dã tâm bành trướng của Trung Quốc.
Đài truyền hình CCTV Trung Quốc ngày 22 tháng 9 đưa tin, ngày 19 tháng 9, Thượng viện Nhật Bản đã biểu quyết thông qua dự luật bảo đảm an ninh mới, đánh dấu Nhật Bản đã thực hiện sự chuyển ngoặt quan trọng nhất về chính sách bảo đảm an ninh kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay.
Từ đây, Nhật Bản sẽ từ bỏ hoàn toàn Hiến pháp hòa bình và quốc sách “chỉ phòng vệ”.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, tăng cường yếu tố quân sự của Nhật Bản sẽ có “ảnh hưởng tiêu cực” đối với tình hình an ninh khu vực, Trung Quốc cần “giữ cảnh giác cao”.
Đối với việc Nhật Bản thông qua luật an ninh mới, Chính phủ Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao của họ nói ra nói vào, cho rằng, đây là hành động “chưa từng có” trên lĩnh vực quân sự, an ninh của Nhật Bản sau Chiến tranh.
Cho rằng, gần đây, Nhật Bản gấp rút tăng cường sức mạnh quân sự, điều chỉnh lớn chính sách quân sự, an ninh, “không phù hợp” với trào lưu thời đại hòa bình, phát triển và hợp tác, đã gây “nghi ngờ” cho cộng đồng quốc tế (Trung Quốc) về việc Nhật Bản phải chăng muốn từ bỏ chính sách chỉ phòng vệ và con đường phát triển hòa bình sau Chiến tranh.
Tuy nhiên, dư luận quốc tế phổ biến cho rằng, chính chính sách bành trướng quân sự và bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc đang áp đặt là nguyên nhân quan trọng để Nhật Bản và các nước khác điều chỉnh chính sách an ninh, quốc phòng để thực hiện cân bằng – PV.
Tàu sân bay trực thăng Izumo Nhật Bản biên chế ngày 25 tháng 3 năm 2015 |
Theo bài báo, dự luật bảo đảm an ninh mới được Quốc hội Nhật Bản thông qua lần này có tên đầy đủ là “Dự luật chỉnh đốn pháp chế an ninh hòa bình”, được báo Trung Quốc bôi đen là “dự luật chiến tranh”.
Luật này là tên gọi chung của một nhóm dự luật quốc phòng, nội dung cốt lõi là thực hiện quyền tự vệ tập thể, sau khi dự luật này được thông qua, Nhật Bản sẽ có thể điều động lực lượng quân sự, trợ giúp Mỹ can thiệp nhiều hơn vào các vấn đề khu vực và thế giới, thể hiện thực lực của Nhật Bản.
Việc thông qua dự luật bảo đảm an ninh đánh dấu Nhật Bản đã thực hiện bước chuyển ngoặt quan trọng nhất trong chính sách bảo đảm an ninh kể từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc đến nay, từ đó, Nhật Bản sẽ từ bỏ triệt để Hiến pháp hòa bình và chính sách chỉ phòng vệ.
Dự luật này đã mở rộng nội dung và phạm vi hoạt động quân sự ở nước ngoài, tăng mạnh khả năng Nhật Bản bị kéo vào hoặc chủ động tham gia chiến tranh.
Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. |
Nói về những thách thức của việc Nhật Bản thông qua dự luật bảo đảm an ninh mới đối với “hoạt động bảo vệ chủ quyền” (bành trướng lãnh thổ) của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, Biển Đông và khu vực nhạy cảm, chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng:
Nhật Bản nếu dựa vào hình thái quân sự này để xây dựng năng lực quân sự, ở bất cứ khu vực tranh chấp nào, họ đều có khả năng áp dụng hành động tấn công trên thế mạnh. Trước đây, ở khu vực này, các loại trang bị lực lượng của họ lấy phòng thủ làm chính.
Sau khi thông qua dự luật này, Lực lượng Phòng vệ sẽ tiến hành chuyển đổi, trinh sát cảnh giới phạm vi lớn ở khu vực tranh chấp cùng với các hoạt động tấn công hoặc phòng thủ bình thường sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu.
Một khi xuất hiện tình hình này, cơ hội lựa chọn các biện pháp quân sự giải quyết các loại xung đột ở một số khu vực sẽ tăng mạnh. Đối với tình hình an ninh xung quanh, điều này tuyệt đối không phải là “việc tốt” – Đỗ Văn Long thể hiện thực sự “lo ngại” cho Trung Quốc.
Năm 2015, Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (ảnh tư liệu, nguồn mạng sina Trung Quốc) |
Đỗ Văn Long cho rằng, Trung Quốc cần tập trung theo dõi, xem Nhật Bản sẽ có những thay đổi gì về hình thái quân sự, ngoài ra, Trung Quốc cũng phải “chuẩn bị tốt”, tạo tiền đề cho các loại hành động quân sự của mình (tiếp tục bành trướng).
Báo Trung Quốc tuyên truyền kích động chia rẽ cho rằng, Nhật Bản không bị trói buộc bởi Hiến pháp hòa bình, phải chăng sẽ “cắn lại” Mỹ? Cao Hồng được cho là nhà nghiên cứu của Viện Nhật Bản, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng, khả năng này “không thể nói không có”.
Theo Cao Hồng thì Mỹ triển khai chiến lược rất thực dụng, căn cứ vào nhu cầu của mình, một mặt ủng hộ ông Shinzo Abe sửa đổi Hiến pháp hòa bình, tăng cường quan hệ quân sự chặt chẽ Mỹ-Nhật, để Nhật Bản thay thế Mỹ, đặc biệt là có thể làm tiên phong ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nhưng, muốn nói Mỹ không có chút lo ngại nào về việc mất kiểm soát Nhật Bản thì không phải. Đối với những yêu cầu của ông Shinzo Abe về an ninh-quốc phòng, Mỹ hoàn toàn không phải không cân nhắc đến an ninh, tất cả đều đồng ý, Mỹ có đề phòng và giám sát nhất định – báo Trung Quốc tuyên truyền.
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có thể điều tàu ngầm đến Biển Đông tuần tra |
Về ảnh hưởng của luật bảo đảm an ninh mới của Nhật Bản đối với an ninh khu vực Đông Á, Đỗ Văn Long cho rằng, tình hình an ninh khu vực này chắc chắn sẽ “có ảnh hưởng tiêu cực”.
Ngoài có “khu vực điểm nóng” với Trung Quốc, Nhật Bản cũng có rất nhiều tranh chấp với các nước khác. Chẳng hạn vấn đề đảo Dokdo (Nhật Bản gọi là Takeshima) có tranh chấp với Hàn Quốc, vấn đề quần đảo Nam Kuril có tranh chấp với Nga. Một khi muốn giải quyết những tranh chấp này bằng vũ lực, thì Nhật Bản hiện cần tiến hành chuẩn bị.
Chẳng hạn, để tiến hành tấn công, có thể sử dụng tàu tác chiến cỡ lớn, biên đội tác chiến mang tính tiến công; trên không sẽ có tên lửa mang tính tấn công tầm xa hoặc trang bị tác chiến trên không, năng lực bao quát và phạm vi tấn công sẽ tăng mạnh.
Nếu xuất hiện tình hình này, ở một số khu vực điểm nóng, thái độ của Nhật Bản có thể sẽ hoàn toàn khác trước đây, kiểm soát đối thủ, thông qua hành động tấn công trên phạm vi lớn để trói buộc đối thủ – những biện pháp này đều có thể là phương án lựa chọn.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-1 do Nhật Bản tự chế tạo, sẽ được dùng để thay thế máy bay P-3C mua của Mỹ |
Vì vậy, Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự sẽ “gây ảnh hưởng tiêu cực” đến tình hình an ninh khu vực Đông Á, Trung Quốc cần cảnh giác cao độ – bài báo kết luận.
Trên thực tế, Nhật Bản là một siêu cường kinh tế, có Lực lượng Phòng vệ mạnh, công nghiệp quốc phòng mạnh, muốn bảo vệ chủ quyền ở biển Hoa Đông, muốn bảo vệ tuyến đường hàng hải ở Biển Đông, đồng thời muốn phát huy vai trò quan trọng ở khu vực và trên thế giới. Nhưng, Nhật Bản đang ngày càng thấy Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của họ ở khu vực xung quanh.
Hơn nữa, Mỹ đang đẩy mạnh quay trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, muốn duy trì địa vị chủ đạo khu vực, kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc, trong đó coi Nhật Bản là một đồng minh rất quan trọng.
Chính vì vậy, việc Nhật Bản thực hiện chính sách an ninh, quân sự mới chính là một sự kiềm chế có hiệu quả đối với Trung Quốc ở biển Hoa Đông, Biển Đông và các khu vực khác.
Phó đô đốc Viên Dự Bách – Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc và Phó đô đốc Umio Otsuka – Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tại London, Anh ngày 13 tháng 9 năm 2015 |
Phát biểu của Phó đô đốc Umio Otsuka, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản ở Triển lãm quốc phòng quốc tế London, Anh, trước mặt Phó đô đốc Viên Dự Bách, Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc đã cho thấy điểm này – PV.