Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung ngày 25/9 đã có cuộc hội đàm tại Nhà Trắng trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ chính thức đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình.
“Chuyện này phải dừng lại”
Hãng tin Reuters cho biết, trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng sau hội đàm, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề cập nhiều đến vấn đề gai góc nhất trong quan hệ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay.
Đó là việc ngày càng có nhiều cáo buộc từ phía Mỹ cho rằng hacker Trung Quốc tấn công vào cơ sở dữ liệu của chính phủ và doanh nghiệp Mỹ, đồng thời Washington nghi ngờ Bắc Kinh đứng đằng sau những vụ tấn công này.
“Chuyện này phải dừng lại”, ông Obama nói khi đứng bên cạnh nhà lãnh đạo Trung Quốc trong cuộc họp báo.
Tổng thống Mỹ cho biết đã cùng với ông Tập đạt “bước tiến quan trọng” về an ninh mạng, nhưng nói thêm với vẻ lo ngại: “Nhưng vấn đề hiện nay là lời nói có được theo sau bởi hành động hay không?”
Có những hạn chế rõ ràng trong thỏa thuận đạt được giữa ông Obama và ông Tập Cận Bình ngày 25/9 về vấn đề an ninh mạng. Một tuyên bố của Nhà Trắng nói hai nhà lãnh đạo đã nhất trí không nước nào trong số hai nước hậu thuẫn một cách có chủ ý các hoạt động gián điệp mạng nhằm đánh cắp bí quyết doanh nghiệp hay thông tin kinh doanh.
Tuy vậy, hai bên không đưa ra bất kỳ lời hứa nào về kiềm chế hoạt động gián điệp mạng cấp chính phủ nhằm phục vụ cho các mục đích tình báo.
Một ví dụ cho hoạt động này là việc mạng máy tính văn phòng nhân sự của chính phủ liên bang Mỹ bị tấn công trong năm nay, dẫn tới dữ liệu của hơn 20 triệu người bị đánh cắp.
Mỹ vẫn nghi ngờ Trung Quốc thực hiện vụ tấn công này, nhưng không cáo buộc có bàn tay của Chính phủ Trung Quốc hay không.
Ông Tập Cận Bình phủ nhận Chính phủ Trung Quốc có bất kỳ vai trò nào trong việc đánh cắp các bí mật kinh doanh của Mỹ, và nói cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là thông qua hợp tác song phương và không “chính trị hóa vấn đề này”.
“Mâu thuẫn và đối đầu không phải là lựa chọn tốt nhất cho hai bên”, Chủ tịch Trung Quốc nói tại cuộc họp báo.
Tổng thống Mỹ nói rõ rằng lệnh trừng phạt nhằm vào hacker Trung Quốc vẫn là khả năng mà Mỹ để ngỏ. “Chúng tôi sẽ áp dụng những lệnh trừng phạt này và bất kỳ công cụ nào khác mà chúng tôi có để xử lý tội phạm mạng”, ông Obama tuyên bố.
Nhạt nhoà trên báo Mỹ
Ngoài vấn đề an ninh mạng, có nhiều vấn đề “nóng” khác trong cuộc gặp Obama – Tập Cận Bình, bao gồm chính sách kinh tế của Trung Quốc, tranh chấp trên biển Đông và chống biến đổi khí hậu.
Ông Tập Cận Bình cho biết, theo thỏa thuận đạt được, Trung Quốc – nước phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới – sẽ thiết lập một hệ thống hạn chế và trao đổi hạn ngạch phát thải trên toàn quốc vào năm 2017 để kiểm soát mức phát thải.
Hệ thống này đặt ra mức trần phát thải khí carbon và mở ra thị trường cho các công ty mua, bán quyền phát thải.
Mặc dù vậy, hai nhà lãnh đạo vẫn thể hiện sự bất đồng ở nhiều vấn đề.
Trong lễ đón diễn ra vào buổi sáng, ông Obama nói với ông Tập rằng Mỹ sẽ tiếp tục trao đối với Trung Quốc về các khác biệt giữa hai bên, nhưng nhấn mạnh Mỹ chào đón sự nổi lên của một Trung Quốc “ổn định, thịnh vượng và hòa bình”.
Trong khi đó, ông Tập kêu gọi sự “tôn trọng lẫn nhau” giữa hai cường quốc.
Ông Obama hối thúc ông Tập theo đuổi các cải cách kinh tế và không phân biệt đối xử với các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho rằng về vấn đề kinh tế, ông Obama có ưu thế hơn so với ông Tập trong thời điểm hiện nay do kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh.
Về vấn đề biển Đông, Tổng thống Mỹ cho biết đã trao đổi thẳng thắn với Chủ tịch Trung Quốc về các tranh chấp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc có “quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” và phủ nhận nước này đang quân sự hóa các đảo nhân tạo trên biển Đông.
Cũng tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí hoàn tất một kế hoạch nhằm giảm rủi do va chạm trên không giữa máy bay quân sự của hai bên trên biển Đông, thông qua việc áp dụng một bộ quy tắc hành xử chung.
Ngoài các nghi lễ đón tiếp trọng thể, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình không nhận được sự chú ý lớn của giới truyền thông Mỹ.
Báo chí Mỹ những ngày này chủ yếu dành trang đầu cho tin bài về chuyến thăm của Giáo hoàng Francis, người được dân chúng Mỹ dành cho sự mến mộ lớn.