Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngSự thật về mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc (kỳ...

Sự thật về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc (kỳ 8)

Năm 1969, cuộc “đại cách mạng văn hoá” ở Trung Quốc về cơ bản hoàn thành. Những người cầm quyền Bắc Kinh bên trong thì ra sức củng cố quyền lãnh đạo của chủ tịch Mao Trạch Đông, ổn định tình hình, đẩy mạnh sản xuất, bên ngoài thì thi hành mọi biện pháp để đẩy nhanh quá trình nhích lại gần đế quốc Mỹ nhằm ngoi lên địa vị một cường quốc lớn, bình thường hoá quan hệ Trung Mỹ và giải quyết vấn đề Đài Loan. Họ mưu toan dùng con bài Việt Nam để đạt mục tiêu đối ngoại đó.

Tổng thống Mỹ Níchxơn và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai năm 1972

Trung Quốc đàm phán với Mỹ trên lưng nhân dân Việt Nam

Năm 1969 là năm đầu của Níchxơn vào Nhà Trắng. Ông ta đưa ra cái gọi là “học thuyết Nichxơn” nhằm cứu vãn và khôi phục địa vị của đế quốc Mỹ trên thế giới đã bị suy yếu nghiêm trọng do hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam và bắt đầu thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá” chiến tranh nhằm rút được quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam mà vẫn giữ được chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu.

Thời kỳ 1969-1973 là thời kỳ nhân dân Việt Nam đẩy mạnh tiến công trên chiến trường cũng như tại Hội nghị bốn bên ở Pari, ngày càng giành thêm nhiều thắng lợi. Đây cũng là thời kỳ Bắc Kinh và Oasinhtơn tăng cường tiếp xúc, bắt tay công khai với nhau, bàn bạc không những các vấn đề tay đôi mà cả các vấn đề thuộc về chủ quyền của nhân dân Việt Nam và của nhân dân các nước ở Đông Dương.

          Âm mưu dùng Việt Nam làm lá bài với Mỹ trong vấn đề Đài Loan

Từ tháng 11 năm 1968, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố tỏ ý muốn nối lại các cuộc đàm phán Trung Mỹ ở Vácsava và cùng với Mỹ ký một thoả thuận cùng tồn tại hoà bình. Tiếp đó phía Trung Quốc đã tích cực đáp ứng những tín hiệu của phía Mỹ. Sau khi lên làm tổng thống, Níchxơn báo cho phía Trung Quốc là các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tiến hành ở Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã trả lời là “ bản thân Níchxơn có thể đến Bắc Kinh hoặc cử một phái viên đến để thảo luận về vấn đề Đài Loan” (Ét-ga Xnâu: Cuộc cách mạng lâu dài, Nhà xuất bản Hớt xin xơn, Lân đơn, 1973, tr. 11)

Tháng 6 năm 1970, Trung Quốc và Mỹ thoả thuận là đại sứ Trung Quốc Hoàng Chấn và Kitxinhgiơ sẽ tiến hành những cuộc đàm phán bí mật mỗi lần Kítxinhgiơ đến Pari đàm phán với phía Việt Nam” (V.A. Ôan-tơ: Những chuyến công du thầm lặng. Nhà xuất bản Đáp-bơn-đê, Niu Oóc, 1978, tr. 530-531)

Ngày 10 tháng 12 năm 1970, qua người bạn thân tín Étga Xnâu, chủ tịch Mao Trạch Đông đưa ra lời mời Tổng thống Níchxơn sang thăm Trung Quốc. :

“Ông ta chắc chắn sẽ được hoan nghênh vì hiện nay những vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ phải được giải quyết với Níchxơn” (Ét-ga Xnâu: Cuộc cách mạng lâu dài, Nhà xuất bản Hớt xin xơn, Lân đơn, 1973, tr. 172)

Lễ ký Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973

Đây là bước ngoặt của Bắc Kinh có ý nghĩa quyết định trong quan hệ Trung Mỹ, đồng thời là bước ngoặt công khai phản bội cách mạng Việt Nam và cách mạng Đông Dương, phản bội cách mạng thế giới. Bắc Kinh tăng cường các cuộc tiếp xúc công khai với Mỹ:

Tháng 3 năm 1971, Trung Quốc mời một đoàn bóng bàn Mỹ sang thăm Trung Quốc, mở đầu cái mà dư luận thế giới gọi là “ngoại giao bóng bàn”.

Tháng 7 năm 1971 và tháng 10 năm 1971 Kitxinhgiơ, đặc phái viên của Níchxơn sang Bắc Kinh.

Tháng 2 năm 1972, Níchxơn sang thăm Trung Quốc.

Thông báo cho phía Việt Nam biết cuộc đi thăm Bắc Kinh lần thứ nhất của Kítxinhgiơ, ngày 13 tháng 7 năm 1971 Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc đã nói:

“Vấn đề Đông Dương là quan trọng nhất trong cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi và Kítxinhgiơ. Kítxinhgiơ nói rằng Mỹ gắn việc giải quyết vấn đề Đông Dương với việc giải quyết vấn đề Đài Loan. Mỹ nói có rút được quân Mỹ ở Đông Dương thì mới rút quân Mỹ ở Đài Loan. Đối với Trung Quốc, vấn đề rút quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam là vấn đề số 1. Còn vấn đề Trung Quốc vào Liên hợp quốc là vấn đề số 2”

Khi Níchxơn kết thúc cuộc đi thăm Trung Quốc, hai bên đã ký Thông cáo Thượng Hải ghi nhận kết quả hội đàm giữa hai bên, trong đó có một đoạn như sau:

“Mỹ khẳng định mục tiêu cuối cùng là rút hết các lực lượng và cơ sở quân sự ra khỏi Đài Loan. Trong khi chờ đợi, tuỳ theo tình hình căng thẳng trong khu vực này giảm đi, Mỹ sẽ dần dần giảm lực lượng và cơ sở quân sự của Mỹ ở Đài Loan”

Đầu tháng 3 năm 1972, khi thông báo cho phía Việt Nam về cuộc hội đàm vơi Níchxơn, đại diện những người lãnh đạo Trung Quốc đã giải thích về đoạn thông cáo trên như sau:

“Muốn bình thường hoá quan hệ Trung Mỹ, muốn làm dịu tình hình ở Viễn Đông thì trước hết phải giải quyết vấn đề Việt Nam và Đông Dương. Chúng tôi không đòi giải quyết vấn đề Đài Loan trước. Vấn đề Đài Loan là bước sau”.

Thâm tâm của Bắc Kinh là lợi dụng vấn đề Việt Nam để  giải quyết trước vấn đề Đài Loan. Nhưng Việt Nam kiên quyết giữ vững đường lối độc lập tự chủ của mình. Do đó những người lãnh đạo Trung Quốc và Tổng thống Nichxơn mới thoả thuận: “Trong khi chờ đợi, tuỳ theo tình hình căng thẳng trong khu vực này giảm đi…”

Điều đó có nghĩa là nếu Bắc Kinh muốn thúc đẩy việc rút lực lượng và các cơ sở quân sự của Mỹ ra khỏi Đài Loan thì họ cần ép Hà Nội đi vào một giải pháp thoả hiệp với Mỹ.

Công khai phản bội Việt Nam

Phía Trung Quốc dùng “củ cà rốt” viện trợ: nếu năm 1968 vì phản đối Việt Nam đàm phán với Mỹ họ đã giảm kim ngạch viện trợ cho Việt Nam thì năm 1971 và năm 1972, để lôi kéo Việt Nam đi vào chiều hướng của Bắc Kinh thoả hiệp với Mỹ, họ đã dành cho Việt Nam viện trợ cao nhất của họ so với những năm trước đó. Đây cũng là thủ đoạn nhằm che đậy sự phản bội của họ nhằm xoa dịu sự công phẩn của nhân dân Việt Nam.

Đi đôi với tăng thêm viện trợ là sự thúc ép liên tục để Việt Nam chấp nhận giải pháp của Mỹ. Ngày 18 tháng 7 năm 1971, phía Trung Quốc thông báo cho phía Việt Nam phương án bốn điểm của Mỹ: rút quân và thả tù binh Mỹ trong 12 tháng kể từ ngày 1 tháng 8 năm 1971, ngừng bắn toàn Đông Dương và giải pháp theo kiểu Giơnevơ năm 1954. Về rút quân, “vì thể diện” Mỹ muốn để lại một số cố vấn kỹ thuật; về chính trị “Mỹ không muốn bỏ Nguyễn Văn Thiệu cũng như không muốn bỏ Xirích Matắc”

Trong cuộc hội đàm với phía Việt Nam tháng 11 năm 1971, họ nói:

“Việt Nam nên tranh thủ thời cơ giải quyết trước vấn đề rút quân Mỹ và quan tâm giải quyết vấn đề tù binh Mỹ, việc đánh đổ nguỵ quyền Sài Gòn là lâu dài”

Cũng trong dịp này, sau khi nhắc lại ý của phía Mỹ là “Mỹ có nhiều bạn cũ, Mỹ phải giữ” chủ tiach Mao Trạch Đông nói:

“Vấn đề Đài Loan là vấn đề trường kỳ. Có lẽ mấy năm không giải quyết xong. Nếu xét nhanh hay chậm thì tôi thiên về chậm hơn. Hiện nay Tưởng có 65 vạn quân, ở giữa lại có eo biển. Chúng tôi không sang được, nó vẫn cứ đóng ở đó, chổi không đến nơi thì bụi không đi”

Sau khi Níchxơn kết thúc chuyến đi thăm Trung Quốc, Kítxinhgiơ nói với các nhà báo ngày 1 tháng 3 năm 1972 rằng từ nay Níchxơn và bản thân y “chỉ còn việc nhìn về Mátxcơva và nghiền nát Việt Nam” (Me-vin và Béc -na Can-bê: Kít-xinh-giơ. Nhà xuất bản Lít-tơn Brao, Tô-rông-tô, 1974, tr.283)

Từ tháng 4 năm 1972, Mỹ ném bom lại và thả mìn phong toả các cảng miền bắc Việt Nam và đánh phá ác liệt miền Nam Việt Nam nhằm đối phó với cuộc tiến công chiến lược mùa xuân năm 1972 của nhân dân Việt Nam, cứu vãn sự sụp đổ của chế độ Nguyễn Văn Thiệu.
Bước phiêu lưu quân sự này chính là hậu quả rõ ràng của sự đồng loã giữa những người cầm quyền Trung Quốc và Níchxơn.

Việc Hiệp định Pari không được ký tắt vào cuối tháng 10 năm 1972, ai cũng rõ đó là do sự lật lọng của Níchxơn- Kítxinhgiơ. Nhưng những người cầm quyền Trung Quốc lại đứng trên quan điểm của Mỹ để gây sức ép với Việt Nam. Ngày 1 tháng 11 năm 1972, họ yêu cầu Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Việt Nam dân chủ cộng hoà báo   cáo với lãnh đạo Việt Nam: Việt Nam nên nhân nhượng về hai vấn đề rút quân miền bắc và miền bắc Việt Nam không nhận viện trợ quân sự để có thể ký kết được hiệp định.

Và ngày 5 tháng 12 năm 1972, đại sứ Trung Quốc Hoàng Chấn chuyển tới phía Việt Nam lời đe doạ của Kitxinhgiơ:

“Đàm phán đã đến lúc có hậu quả nghiêm trọng: Bắc Việt Nam đòi Mỹ hoặc trở lại hiệp định cũ, hoặc nhận một hiệp định xấu hơn: Mỹ không thể chấp nhận cả hai điều kiện đó. Nếu Việt Nam cứ giữ lập trường đó thì đàm phán đứt quãng và Mỹ sẽ có mọi hành động bảo vệ nguyên tắc của mình”

Đó chính là giọng lưỡi chuẩn bị cho cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 những ngày cuối năm 1972 nhằm huỷ diệt Hà Nội và Hải Phòng, hòng khuất phục nhân dân Việt Nam, buộc nhân dân Việt Nam chấp nhận giải pháp do đế quốc Mỹ áp đặt.

Trước sự câu kết của Bắc Kinh với Oasinhtơn phản bội nhân dân Việt Nam , nhân dân Việt Nam vẫn kiên cường đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ và tin tưởng vào thắng lợi của mình.

Khi phía Trung Quốc thông báo với phía Việt Nam rằng trong chuyến thăm Trung Quốc, Níchxơn cũng sẽ cùng những người lãnh đạo Trung Quốc bàn về vấn đề Việt Nam, những người lãnh đạo Việt Nam đã thẳng thắn nói:

“Việt Nam là của chúng tôi; các đồng chí không được bàn với Mỹ về vấn đề Việt Nam . Các đồng chí đã nhận sai lầm năm 1954 rồi, bây giờ không nên sai lầm một lần nữa”

Khi phía Trung Quốc thông báo chuyến đi thăm Trung Quốc của Níchxơn, những người lãnh đạo Việt Nam nói:

“Trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, nhân dân Việt Nam phải thắng. Tới đây, đế quốc Mỹ có thể đánh phá trở lại miền bắc ác liệt hơn nữa, nhưng nhân dân Việt Nam không sợ, nhân dân Việt Nam nhất định thắng”

Bất chấp mọi sức ép của Bắc Kinh và Oasinhtơn, nhân dân Việt Nam không những không nhân nhượng về những vấn đề có tính nguyên tắc, mà còn trừng trị đích đáng đế quốc Mỹ về những tội ác của chúng và cuối cùng buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về Việt Nam ngày 27 tháng 1 năm 1973.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới