Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngKinh tế Việt Nam: cạnh tranh Lào và Campuchia

Kinh tế Việt Nam: cạnh tranh Lào và Campuchia

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Bùi Quang Vinh cảnh báo nếu VN không tiếp tục đổi mới thì đối thủ cạnh tranh sắp tới có thể là Campuchia, Lào và Myanmar khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập cuối năm nay.

 

Ông Vinh đưa ra bình luận này tại phiên thảo luận chủ đề “Triển vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài” vào VN thuộc Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015 tổ chức tại Hà Nội.

Bộ trưởng Vinh lấy ví dụ VN đã khởi xướng ngành công nghiệp ôtô cách đây 20 năm cùng thời điểm với Thái Lan, nhưng rồi ngành công nghiệp phụ trợ của VN không phát triển để làm ra những linh kiện phục vụ cho sản xuất, trong khi các doanh nghiệp Thái Lan và Trung Quốc đã làm rất tốt ngành công nghiệp phụ trợ.

“Do đó cạnh tranh hay không cạnh tranh được là do sự tự vươn lên của VN”, ông nhấn mạnh.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du – giảng viên chương trình kinh tế Fulbright – đặt câu hỏi trong kỳ Đại hội Đảng sắp tới, Chính phủ VN có tiếp tục mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh hay đặt mục tiêu tăng trưởng cao.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vinh nói trong 30 năm đổi mới, VN có nhiều giai đoạn thăng trầm và mục tiêu tăng trưởng cao không chỉ là của VN mà còn của nhiều nước khác trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, theo ông, đạt mức tăng trưởng cao bằng cách nào mới là vấn đề quyết định.

Ông Vinh thẳng thắn thừa nhận trong thời gian qua tăng trưởng kinh tế cao của VN chủ yếu phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên nhưng đây là cách phát triển kinh tế không bền vững và gây hậu quả rất lớn.

Theo Bộ trưởng Vinh, qua bài học này Chính phủ VN đang tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng thông qua tăng năng suất lao động, cạnh tranh bằng công nghệ, chất lượng sản phẩm. 

Ông hi vọng nếu phát triển theo hướng này, VN có thể tăng trưởng kinh tế 8%. Trong 5 năm tới, VN đặt chỉ tiêu tăng trưởng bền vững 6,5-7% mỗi năm.  

Về cơ cấu đầu tư, Bộ trưởng Vinh cho biết hiện nay VN dựa quá nhiều vào ngân sách đầu tư nhà nước, cụ thể là trái phiếu chính phủ, ODA… Ông Vinh thừa nhận việc chưa mở cửa cho tư nhân đầu tư chính là điểm yếu nhất trong tái cấu trúc đầu tư công.

“Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là văn bản kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư trong nước có tiềm lực tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng, cần chuyển đầu tư từ ngân sách nhà nước sang đầu tư tư nhân, mở rộng trên tất cả lĩnh vực bệnh viện, trường học, hạ tầng giao thông… Việc này đang được triển khai và là tư tưởng lớn nhất của Chính phủ VN” – Bộ trưởng Vinh nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới