Wednesday, January 8, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiFREMM - Giải pháp tàu phòng không đa nhiệm cho Hải quân...

FREMM – Giải pháp tàu phòng không đa nhiệm cho Hải quân Việt Nam

Liệu đã đến lúc HQVN cần có lớp tàu mạnh về phòng không, chống ngầm, chống hạm để thực hiện nhiệm vụ chiếm lĩnh mặt nước dài ngày ở biển xa và đâu là ứng viên thích hợp?

Lượng và chất của HQNDVN đã tiến vượt bậc

Hiện nay, Hải Quân Nhân Dân Việt Nam (HQNDVN) đã có trong biên chế các loại tàu tên lửa tấn công nhanh chủ lực thuộc các dự án 1241.8 Molnya, tàu hộ vệ tên lửa 1166.1E Gepard 3.9 với số lượng không ngừng tăng lên.

Đã có thông tin Việt Nam đang đặt mua các tàu Sigma 9814 của Damen, Hà Lan, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có thêm thông tin nào khẳng định hợp đồng này đã được ký chính thức.

Đặc điểm chung dễ thấy là tất cả các loại tàu trên đều có năng lực phòng không rất hạn chế. Tất cả đội tàu này chỉ mới thực hiện chức năng tấn công, hộ tống chứ chưa thể thực hiện nhiệm vụ chiếm lĩnh, kiểm soát và bình định mặt nước.

Theo nguyên tắc, các lớp tàu tiếp theo HQNDVN biên chế phải có năng lực để thực hiện các nhiệm vụ còn khiếm khuyết nêu trên.

Kinh nghiệm của các quốc gia có lực lượng hải quân mạnh chỉ ra rằng lớp tàu tiếp theo phải có lượng choán nước trên 3.000 tấn, có hệ thống phòng không tầm trung có thể chặn kích từ xa và đánh trả các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình chống hạm của kẻ địch.

Đồng thời, chúng cũng đủ năng lực tạo thành ô phòng không “bao sân” cho đội tàu đang chiếm lĩnh mặt nước của quân nhà trước các cuộc tập kích đường không

Ngoài ra, lớp tàu này phải có năng lực hiệp đồng săn tìm, tấn công các tàu ngầm dưới mặt nước trong khu vực mà nó phụ trách chiếm lĩnh và bình định.

Truyền thống của Việt Nam luôn ưu tiên mua sắm các phương tiện chiến đấu từ Nga. Nhưng có xem xét đến các loại tiên tiến của phương Tây có thể thực hiện các nhiệm vụ tương tự. Tàu Gepard và Sigma cùng được lựa chọn là minh chứng cho luận điểm này.

Vậy đâu là lớp tàu phù hợp với nhu cầu một chiến hạm mạnh về phòng không, chống ngầm, chống hạm để thực hiện nhiệm vụ chiếm lĩnh mặt nước dài ngày ở biển xa?


Tàu thuộc dự án 1135.6 Talwa của Nga/Ấn Độ.

Tàu thuộc dự án 1135.6 Talwa của Nga/Ấn Độ.

Ứng viên từ các đối tác truyền thống

Hiện nay Nga có lớp tàu có thể thực hiện nhiệm vụ chiếm lĩnh mặt nước sẵn sàng xuất khẩu là tàu thuộc dự án 1135.6 Talwa với chiều dài 124,8 mét, chiều rộng 15,2 mét, mớn nước 4,2 mét, lượng choán nước đầy tải 4.035 tấn, thuỷ thủ đoàn 220 người.

Tàu trang bị hệ thống động lực sử dụng hoàn toàn turbin khí phối ghép COGAG và truyền động cơ khí đến chân vịt. Hệ thống động lực này cho phép tàu di chuyển với vận tốc tối đa 32 hải lý/giờ.

Tàu trang bị hệ thống phòng không Shtil-1, là phiên bản hải quân của hệ thống phòng không BuK với 24 đạn nạp sẵn, tầm bắn đến 50km. Ngoài ra, tàu còn có 2 hệ thống phòng không tầm cực gần Kashtan sử dụng cả pháo và tên lửa với tầm bắn không quá 10km.

Tàu được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm tuỳ chọn gồm Brahmos hoặc Klub với 8 bệ phóng thẳng đứng. Các tên lửa này đều có phiên bản tấn công các mục tiêu ven bờ, hải đảo.

Tàu trang bị hệ thống cảm biến sonar chủ động và thụ động chống ngầm cùng 2 cặp ống phóng ngư lôi 533mm.

Ngoài ra còn có hệ thống phòng rocket chống ngầm quen thuộc RBU-6000 và mang một máy bay trực thăng săn ngầm Kamov Ka-28 với nhà chứa máy bay cùng ê kíp bay và bảo đảm kỹ thuật.

Tàu có đơn giá 533 triệu USD vào năm 2006 khi Ấn Độ đặt mua với số lượng từng 3 chiếc theo đơn hàng. Ước tính, hiện nay tàu này có giá không dưới 695 triệu USD.

Hải quân Ấn Độ ngoài lớp tàu trên, họ còn duy trì hoạt động một lớp tàu rất mạnh về phòng không và chống hạm, chống ngầm là tàu thuộc lớp Shivalik, choán nước tiêu chuẩn 6200 tấn.

Tàu trang bị hệ thống động lực gồm 2 động cơ diesel và hai turbin khí phối ghép CODOG truyền động cơ khí đến chân vịt. Nó cho phép tàu di chuyển với vận tốc tối đa đến 32 hải lý/giờ.

Tàu trang bị hệ thống phòng không Barak-8 với tầm bắn đến 80km do Israel cùng Ấn Độ phát triển. Đây là hệ thống phòng không rất hiện đại có khả năng đánh chặn tất cả các loại mục tiêu bay, kể cả tên lửa đạn đạo cấp chiến dịch.

Tàu được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm tuỳ chọn gồm Brahmos hoặc Klub với 8 bệ phóng thẳng đứng tương tự như lớp Talwar. Tàu trang bị hệ thống cảm biến sonar chủ động và thụ động chống ngầm cùng 2 cặp ống phóng ngư lôi 533mm.

Ngoài ra còn có hệ thống phòng rocket chống ngầm quen thuộc RBU-6000 cùng 2 trực thăng Sea King với nhà chứa, ê kíp vận hành và bảo đảm kỹ thuật.

Tàu có đơn giá 650 triệu USD vào năm 1997 khi Ấn Độ đặt mua với số lượng 3 chiếc theo đơn hàng. Ước tính, hiện nay tàu này có giá không dưới 1,1 tỷ USD.


Tàu thuộc Lớp Zeven Provinciën của Damen (Hà Lan).

Tàu thuộc Lớp Zeven Provinciën của Damen (Hà Lan).

Ứng viên tới từ các nước Phương Tây, tại sao không?

Nhìn sang các nước phương Tây, chúng ta thấy các tàu có chức năng tương tự có

Lớp Zeven Provinciën của Damen (Hà Lan) dài 144,24 mét, rộng 18,8 mét, choán nước đầy tải 6.050 tấn. Thuỷ thủ đoàn 232 người. Đây là tàu có kiến trúc dạng modul hoá để tuỳ biến tính năng theo nhu cầu, một dạng thiết kế rất tiên tiến của phương Tây.

Điểm đặc biệt đáng chú ý của lớp tàu này là trang bị kỹ thuật và vũ khí đến từ rất nhiều nước khác nhau. Tàu có hệ thống động lực CODAG dùng vừa turbin khí, động cơ diesel và máy phát điện diesel để cung cấp động lực cho 2 chân vịt phía đuôi và chân vịt mũi.

Nhưng 2 chân vịt có điều khiển góc xén nước ở phía đuôi lại truyền động cơ khí. Và tổ hợp máy động lực này cũng đến từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm Wärtsilä, Phần Lan, Rolls Royce, Anh Quốc và Deutz AG, Đức.

Hệ thống động lực này cho phép tàu di chuyển với tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ.

Tàu trang bị hệ thống phòng không sử dụng tên lửa SM-2 tầm bắn đến 167km của Raytheon nhưng lại dùng radar của Thales, Pháp. Ngoài ra còn có hệ thống phòng không tầm trung hiện đại RIM-162 Evolved Sea Sparrow cũng của Raytheon, Mỹ.

Tàu trang bị tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon của Boeing, Mỹ với dự trữ 8 đạn. Tàu trang bị 2 cặp ống phóng ngư lôi MK-46 của Raytheon nhưng lại dùng hệ thống trắc lường thuỷ âm của Thales, Pháp – chi nhánh Hà Lan.

Tàu có giá hơn 800 triệu USD thời giá năm 2002. Tính trượt giá đến nay con tàu này có giá không dưới 1,17 tỷ USD.


Tàu thuộc lớp FREMM do DCNS (Pháp) và Fincantieri (Ý) đóng.

Tàu thuộc lớp FREMM do DCNS (Pháp) và Fincantieri (Ý) đóng.

Lớp FREMM do DCNS, Pháp và Fincantieri, Ý đóng. Đây là lớp tàu trong chương trình Frégate Européenne multi-mission của Hải quân Pháp và Ý.

Tàu thiết kế dạng modul với khả năng tuỳ biến cao tuỳ theo nhiệm vụ được chú trọng và tuỳ theo học thuyết hải quân, cách thức tổ chức tác chiến của từng nước. Chính vì yêu cầu cao như thế, đây là lớp tàu được thiết kế với khả năng tuỳ biến tối đa.

Không có trang bị kỹ thuật nào trên tàu là không thể thay thế và mọi hệ thống truyền tải động lực, năng lượng là truyền bằng dây dẫn. Có như thế mới có thể tuỳ biến bố trí các modul theo yêu cầu được.

Tàu có lượng choán nước 6.000 tấn với bản cho hải quân Pháp và 6.900 tấn với bản cho Hải quân Ý. Thuỷ thủ đoàn trực chiến đầy đủ chỉ 145 người với bản của Pháp và bản của Ý cũng chỉ đến 201 người với tàu chuyên chống ngầm.

Điều đó cho thấy đây là con tàu sử dụng rất nhiều trang bị tự động hoá để giảm thuỷ thủ đoàn xuống còn chỉ hơn một nửa so với các loại tàu chức năng tương đương khác.

Tàu trang bị hệ thống động lực dùng điện và turbin khí dạng CODLOG (Pháp) và CODLAG (Ý) bao gồm 4 máy phát điện và 2 turbin khí. Các máy phát điện diesel sẽ cung cấp điện cho các moteur kéo chân vịt khi tàu chạy tốc độ hành trình.

Khi tàu tăng tốc thì hoặc là các turbin khí kéo chân vịt (CODLOG) hay cả moteur và turbin cùng kéo chân vịt (CODLAG). Hệ thống động lực này cho phép tàu chạy tối đa từ 27-29 hải lý/giờ. Đây là hệ thống động lực rất tiên tiến.

Nó cho phép bố trí các động cơ diesel cách xa chân vịt để giảm bộc lộ thuỷ âm. Mặt khác, hệ thống động lực này cho phép thay đổi phương truyền lực của chân vịt giúp tàu cơ động mạnh dù là tàu lớn. Tàu trang bị hệ thống phòng không Aster-30 với 16 đạn dự trữ.

Hệ thống PK này có tầm bắn đến 100km đánh chặn mọi loại mục tiêu trên không, kể cả tên lửa đạn đạo chiến dịch. Tàu trang bị tên lửa chống hạm Exocet Block III (Pháp) hay Otomat Mk2 (Ý) với tầm bắn đến 180km có khả năng tấn công các mục tiêu ven bờ, hải đảo.

Tàu còn có thể trang bị modul tấn công đất liền với 16 tên lửa SCALP. Tàu trang bị 2 cặp ống phóng lôi MU-90 324mm hay các tên lửa chống ngầm Milas với bản chống ngầm của hải quân Ý.

Tàu có giá bán cho Marocco năm 2011 là 470 triệu Euro, tương đương 525 triệu USD. Tính đến nay, đơn giá này không thay đổi nhiều.

Các tàu phương Tây dùng kỹ thuật tiên tiến hơn rất nhiều so với các tàu Nga và Ấn Độ. Tuy cùng chức năng nhưng các tàu phương Tây lại có giá không hề cao hơn tàu Nga hay Ấn Độ nếu không muốn nói là rẻ hơn.

Tàu lớp Zeven Provinciën vừa đắt, vừa quá phức tạp về nguồn gốc trang bị kỹ thuật và vũ khí, là ứng viên nên loại bỏ. Như vậy, tàu lớp FREMM từ Pháp sẽ là lựa chọn kinh tế và phù hợp nhu cầu đặt ra.

Đây tuy là con tàu 6.000 tấn nhưng khả năng cơ động hơn cả tàu 4.000 tấn nhờ kỹ thuật tiên tiến. Tàu có khả năng tự vệ cao, thuỷ thủ đoàn gọn nhẹ, chi phí mua sắm và vận hành thấp.

Điểm yếu của con tàu này là nó có xuất xứ từ Pháp với hai tiền lệ Argentina (1982) và Nga (2014) khi Pháp không thể bảo đảm nguồn cung bất chấp các áp lực từ bên thứ ba.

Tuy nhiên, hiện quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đang ngày càng tốt đẹp qua việc Pháp đã bán pháp tự hành CEASAR, là vũ khí sát thương cho Việt Nam khi lệnh cấm vận của Mỹ mới chỉ được nới lỏng phần nào.

Chính vì thế, FREMM là con tàu phòng không đa năng mà HQNDVN nên cân nhắc khi tiến hành mua sắm thêm các lớp tàu thế hệ tiếp theo, có choán nước lớn hơn, để nâng cao năng lực tác chiến biển xa, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và hải đảo.

RELATED ARTICLES

Tin mới