Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thứ trưởng Bộ Công Thương vừa trở về từ Atlanta (Mỹ). Chuyên mục Góc nhìn thẳng đã có cuộc trao đổi với ông ngay tại sân bay Nội Bài tối ngày 6/10 về những ngày đàm phán căng thẳng vừa qua.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, sáng 5/10, thông tin TPP có thể kết thúc đàm phán còn rất nhiều khó khăn. Đến phút chót, điều gì đã khiến các thành viên TPP có thể đạt được thoả thuận thống nhất?
Ông Trần Quốc Khánh: Lần này, các bộ trưởng gặp nhau ở Atlanta để xử lý những vấn đề còn lại sau hội nghị các bộ trưởng TPP ở Hawaii vào tháng 7. Đây là những vấn đề rất khó nên hội nghị tại Hawai đã đổ vỡ mà không kết thúc được. Đó là những vấn đề quy tắc xuất xứ của mặt hàng ô tô, và liên quan đến thời gian bảo hộ độc quyền dữ liệu thử nghiệm cho sinh dược, và đặc biệt là các đàm phán song phương, mở cửa thị trường như dệt may, giày dép, sữa. Đó là những vấn đề rất khó, khiến hội nghị Hawaii đổ vỡ.
Lần này, các bộ trưởng tập trung xử lý các vấn đề tồn tại này. Ban đầu, dự kiến là 3 ngày, nhưng đến mùng 2, có thông tin Nhật Bản, Mexico, Hoa Kỳ có thể đạt được thoả thuận với nhau về mặt hàng ô tô cho nên các bộ trưởng quyết định dời ngày về và kéo dài hội nghị bộ trưởng thêm 2 ngày nữa.
Đến ngày mùng 3, chúng ta nhận được thông tin các nước thoả thuận được với nhau về vấn đề ô tô. Lúc đó, chúng tôi hiểu rằng, hiệp định TPP đã rất gần rồi và không một ai muốn rời Atlanta mà không có hiệp định TPP cả.
Ngày 3/10, xuất hiện lời văn thoả hiệp về vấn đề bảo hộ dữ liệu cho sinh dược. Đến ngày 4, các nước thống nhất được với nhau về sinh dược. Tới lúc đó, không còn ai muốn rời Atlanta nữa. Các bộ trưởng quyết định gia hạn thêm và tích cực đàm phán, rất khẩn trương để có thể có được kết quả cuối cùng đàm phán về mở cửa thị trường.
Trong đêm đàm phán cuối cùng, chúng ta đã kết thúc được dệt may với Hoa Kỳ và Mexico, nửa đêm 4, rạng sáng 5. Sau đó, 3h30 chúng ta kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ về quyền sở hữu trí tuệ, đến 4h30 giờ Atlanta tức 3h20 giờ Hà Nội cuộc đàm phán song phương cuối cùng giữa Hoa kỳ và Nhật Bản kết thúc và TPP kết thúc toàn diện.
Nhà báo Phạm Huyền: TPP là hiệp định tiêu chuẩn rất cao, trong khi Việt Nam lại nước nghèo nhất trong các nước thành viên TPP và năng lực cạnh tranh thấp hơn rất nhiều. Vậy chúng ta có bất lợi trong TPP?
Ông Trần Quốc Khánh: Không ngại. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu như tính từ lần đầu tiên chúng ta tham gia vào ASEAN, trong hành trang của chúng ta đã có 20 năm hội nhập kinh tế quốc tế. Sau đó đến năm 2000, chúng ta ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ, đến năm 2006, gia nhập WTO. Và đến bây giờ, 2015,chúng ta ký hiệp định TPP. Chúng ta tự tin để bước vào hội nhập.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, vừa qua nhiều người nói rằng các doanh nghiệp vẫn còn lơ mơ về hội nhập trong khi đó, TPP lại là một thoả thuận bí mật. Chúng ta sẽ phải xử lý như thế nào trong thời gian tới?
Ông Trần Quốc Khánh: Thông tin về đàm phán TPP sở dĩ không được phổ biến là bởi theo thoả thuận giữa các nước TPP. Tuy nhiên trong quá trình, chúng tôi vẫn thường xuyên tham vấn ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, các bên liên quan bao gồm các uỷ ban của Quốc hội. Chính vì vậy, trong quá trình đàm phán, chúng tôi tự tin rằng, kết quả đàm phán sẽ thể hiện trong đó mong muốn của các doanh nghiệp, ưu tư của các doanh nghiệp, mong muốn của các vị đại biểu Quốc hội trong đó.
Nhiệm vụ của chúng tôi trong thời gian tới đây đã khẳng định nhanh chóng cùng các nước TPP rà soát hiệp định, sau đó, nhanh chóng công bố thông tin về hiệp định tới người dân và doanh nghiệp để người dân, doanh nghiệp có thể chuẩn bị trước những thách thức, yêu cầu của TPP.
Nhà báo Phạm Huyền:Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng cải cách thể chế mới là động lực quan trọng nhất. Ông cảm nhận thế nào sức ép từ TPP tới vấn đề này?
Ông Trần Quốc Khánh: Giống như chúng ta ra nhập WTO, TPP là hiệp định tiêu chuẩn cao, trong đó, đưa ra các tiêu chuẩn rất cao về minh bạch hóa, về chống tham nhũng, cũng như tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, cũng như thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Đó là sức ép rất lớn bắt buộc các quan chức quản lý Nhà nước phải thay đổi tư duy quản lý nhằm lấy lợi ích của người dân, lấy lợi ích của doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ. Đó là sức ép rất lớn đối với bộ máy quản lý hành chính phải vượt qua bằng được.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, vai trò của đoàn Việt Nam trong những ngày cuối cùng như thế nào để góp phần là nên sự thành công của việc kết thúc đàm phán TPP?
Ông Trần Quốc Khánh: Chúng ta đã nỗ lực cùng các nước làm nên kết quả các cuộc đàm phán, nỗ lực cùng tất cả các nước làm lên vấn đề đa phương. Đó là đóng góp to lớn của đoàn đàm phán Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Bộ trưởng lần này tham gia hội nghị Atlanta đã có cuộc gặp rất quan trọng với một số bộ trưởng, ví dụ như Bộ trưởng Mexico, Hoa Kỳ, Đại sứ Froman. Trong tất cả các cuộc gặp cấp bộ trưởng đó, Bộ trưởng Hoàng đã cùng các đối tác của mình xác định, thỏa thuận các nguyên tắc lớn. Dựa trên cơ sở các nguyên tắc lớn đó, chúng tôi mới có thể đàm phán ở phía dưới được.
Nhà báo Phạm Huyền: Các thành viên TPP kỳ vọng sẽ ký chính thức vào thời điểm nào, thưa ông?
Ông Trần Quốc Khánh: Chúng tôi kỳ vọng chính thức ký kết hiệp định vào khoảng cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1/2016.