Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngViệt Nam hứng ô nhiễm từ TQ: Khó tránh

Việt Nam hứng ô nhiễm từ TQ: Khó tránh

Ô nhiễm không khí và nước xuất hiện từ Trung Quốc sang Việt Nam không còn là vấn đề mới song rất khó để đưa ra các biện pháp giải quyết.

Kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu vừa công bố cho thấy có sự ảnh hưởng ô nhiễm không khí xuyên biên giới từ Trung Quốc đến miền Bắc Việt Nam với mức độ rất đáng lo ngại.

“Vào mùa đông có sự lan truyền ô nhiễm không khí khá lớn từ Trung Quốc tới miền Bắc VN. Sự di chuyển này sang VN chủ yếu đi theo hướng đông bắc, hướng có sự hoạt động mạnh mẽ của gió mùa đông bắc. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy vào mùa đông, 40 – 50% nồng độ các chất ô nhiễm ở miền Bắc VN có nguồn gốc ngoài lãnh thổ từ phía bắc và phía đông bắc nước ta” – kết quả nghiên cứu nêu rõ.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu khẳng định vào mùa đông, ô nhiễm không khí từ Trung Quốc ảnh hưởng đến Việt Nam có thể tới 55% đối với SO2, 48% đối với NO2 và 30% đối với CO theo gió mùa Đông Bắc từ Trung Quốc thổi vào Việt Nam. Sự ảnh hưởng này chỉ có một chiều từ Trung Quốc sang Việt Nam mà không có chiều ngược lại.

Nồng độ CO, NO2 tại Quảng Ninh, Lạng Sơn chịu ảnh hưởng xấp xỉ 0,1 ppm và các tỉnh còn lại từ 0,25 – 0,75 ppm (đơn vị tính toán nồng độc chất độc); nồng độ SO2 tại Quảng Ninh, Lạng Sơn xấp xỉ 0,015 ppm và các tỉnh còn lại từ 0,0025 – 0,05 ppm.

Vào mùa hè, Việt Nam ít bị ảnh hưởng của gió mùa tây nam và đông nam đóng vai trò chủ đạo nên mức độ ảnh hưởng từ việc lan truyền xuyên biên giới giữa VN và Trung Quốc cũng có sự thay đổi đáng kể. Nồng độ các chất ô nhiễm không khí tại VN có nguồn gốc từ Trung Quốc chỉ chiếm 4% đối với SO2, 2% với CO và 1,5% đối với NO2.

Nghiên  cứu cho thấy VN còn hứng chịu cả những chất hữu cơ khó phân hủy với hàm lượng không thua kém SO2. Bước đầu, các nhà khoa học xác định nồng độ SO2 cao là yếu tố gây ra mưa axit, gây hại cho mùa màng, sản xuất nông nghiệp.

Bằng phương pháp quan trắc thực địa chất lượng không khí, phân tích ảnh viễn thám tại 9 tỉnh, thành miền Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Yên Bái, Hà Giang, Hà Nội) và ứng dụng mô hình toán.

Khó tránh

Theo PGS.TS Dương Hồng Sơn- Phó viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, kết quả trên của đề tài mới tập trung đánh giá chất SO2 trong không khí, bởi phía nam Trung Quốc tập trung nhiều nhà máy nhiệt điện dùng than.

Trong khi đó, vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới không còn là vấn đề mới. Nhưng để giải quyết vấn đề này hiện vẫn chưa có biện pháp dứt điểm.

“Cách giải quyết hiện nay có thể đưa ra là tăng cường, phối hợp nghiên cứu và quản lý ô nhiễm không khí giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới, nhất là Trung Quốc”, Phó Viện trưởng Sơn nói.

Mặc dù vậy, chính PGS.TS Dương Hồng Sơn cũng nhận định, giải pháp này là một khó khăn lớn bởi thứ nhất phía Trung Quốc ít có các nghiên cứu khoa học về vấn đề ô nhiễm môi trường tại quốc gia.

Thứ hai, qua thực tế, nếu có các nghiên cứu về ô nhiễm thì cũng nghiên cứu lĩnh vực này trên đất nước chứ không qua biên giới và ít có trao đổi thông tin nghiên cứu với Việt Nam.

Về vấn đề này, trao đổi với Đất Việt, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhận định, kết quả nghiên cứu đã công bố những con số đánh giá được phần nào tác động ô nhiễm môi trường xuyên biên giới ở Việt Nam.

Nghiên cứu trên là thêm một bằng chứng nữa về tác động ô nhiễm môi trường từ nước ngoài tràn vào Việt Nam. Trước đây, chúng ta đã từng phát hiện ô nhiễm thượng nguồn sông Hồng xuất phát căn nguyên từ phía bên kia biên giới.

Tuy vậy, những con số trong báo cáo ghi nhận vẫn chưa thể xác định được có gây ảnh hưởng đến sức khỏe lao động hay sức khỏe dân cư sinh sống quanh biên giới hay không.

Ngoài ra, TS. Sinh cũng nhận định, việc nghiên cứu đưa ra biện pháp xây dựng các phương án, kế hoạch ứng phó với ô nhiễm không khí bằng cách phối hợp nghiên cứu với nước bạn là vấn đề khó.

“Đây là vấn đề hết sức nan giải, phức tạp, liên quan đến các vấn đề pháp lý, quốc tế… nên khó có thể đưa ra biện pháp giải quyết cụ thể”, TS. Sinh nói.

Theo ý kiến của GS.TS Nguyễn Đức Ngữ, Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ khí tượng thủy văn – môi trường, trước mắt, Việt Nam có thể chủ động đối phó bằng cách bảo vệ, phát triển hệ thống rừng phòng hộ để ngăn chặn và hấp thụ bớt các chất độc hại.

RELATED ARTICLES

Tin mới