Buyan-M vẫn được coi là một ứng viên sáng giá cho vị trí tàu tên lửa 1.000 tấn của Hải quân Việt Nam, giờ đây cơ hội dành cho nó càng lớn hơn sau màn trình diễn ấn tượng.
Sự kiện quân sự nổi bất nhất tuần qua chắc chắn phải là việc các chiến hạm thuộc Hạm đội Caspian của Nga phóng tên lửa hành trình đối đất 3M-14T , tiêu diệt các mục tiêu của quân khủng bố IS nằm sâu trong lãnh thổ Syria.
Đáng chú ý là các tàu thực hiện đòn tấn công đều có lượng giãn nước nhỏ và trung bình, khác hẳn hạm đội hùng hậu với toàn những chiến hạm có lượng giãn nước xấp xỉ vạn tấn của Hải quân Mỹ.
Như vậy, các quốc gia không nhất thiết phải sở hữu tàu tuần dương hay tàu khu trục để có thể tung ra đòn tấn công chiến lược tầm xa.
Đặc biệt hơn, cả hai lớp chiến hạm trên của Hải quân Nga đều ít nhiều có liên hệ với Hải quân Việt Nam.
Trong khi cặp tàu Gepard thứ ba của Việt Nam được dự báo sẽ mang bệ phóng đa năng UKSK của tên lửa Klub, tương tự cấu hình của chiếc Dagestan thì Buyan-M đang là ứng viên sáng giá cho vị trí tàu tên lửa 1.000 tấn, sau khi chúng ta hoàn thành dự án đóng tàu Molniya 1241.8.
Tàu hộ vệ tên lửa Uglich thuộc lớp Buyan-M
Tàu hộ vệ tên lửa Buyan-M Dự án 21631 là biến thể của tàu pháo tuần tra Buyan Dự án 21630, chế tạo tại Nhà máy đóng tàu Almaz, St Petersburg. Tàu có kích thước nhỏ, thiết kế góc cạnh và được phủ một lớp sơn hấp thụ sóng radar đặc biệt cho khả năng tàng hình khá tốt.
Mặc dù lượng giãn nước đầy tải chỉ 949 tấn; dài 74,1 m; rộng 11 m, mớn nước 2,6 m nhưng Buyan-M cũng được trang bị bệ phóng đa năng UKSK với 8 tên lửa hành trình Klub, tương tự như chiếc Dagestan.
Tuy rằng tên lửa Klub phiên bản xuất khẩu bị giới hạn tầm bắn chỉ còn 300 km, nhưng có lẽ như vậy vẫn là quá đủ đối với một lực lượng hải quân được phát triển nhằm mục đích tác chiến trong khu vực biển Đông như Việt Nam.
Ngoài ra, Buyan-M còn có 1 pháo hạm A-190 cỡ 100 mm, 2 bệ phóng tên lửa phòng không tầm thấp 3M-47 Gibka với 8 đạn Igla-1M và 1 pháo phòng không cao tốc AK-630M2 Duet cỡ 30 mm.
Hệ thống điện tử của tàu gồm radar trinh sát MR-352 Pozitiv-M1.2, radar điều khiển hỏa lực MR-123 Vympel và radar hàng hải MR-231. Đặc biệt phiên bản xuất khẩu còn có thể trang bị thêm sonar Anapa-ME và tên lửa chống ngầm 91RTE2.
Với hỏa lực cực mạnh, thiết kế hiện đại và nhất là màn trình diễn vô cùng ấn tượng vừa qua, cơ hội để Buyan-M chiến thắng trong cuộc đua giành vị trí tàu tên lửa 1.000 tấn tương lai của Hải quân Việt Nam càng trở nên rõ ràng hơn.