Một khi chúng ta nằm ở vùng đất cuối nguồn mà trên thượng nguồn là vô số các công trình, thì chuyện bị động đón lũ là điều tất yếu xảy ra.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), thành viên trong Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam bày tỏ quan điểm với Đất Việt trước việc mưa lũ đang xảy ra tại đoạn sông Hồng chảy qua tỉnh Lào Cai.
Phụ thuộc nguồn nước
PV:- Những ngày qua, việc Trung Quốc xả lũ khiến cho miền Bắc bị lũ. Ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng xảy ra tình trạng tương tự khi mùa nước của người dân phụ thuộc vào sự điều tiết của các hồ thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong. Ông có bất ngờ trước thực trạng này không? Việt Nam đã từng được cảnh báo về vấn đề này chưa, thưa ông?
PGS.TS Lê Anh Tuấn: – Tôi hoàn toàn không bất ngờ, vì đơn giản là tôi biết chuyện này chắc chắn thế nào cũng sẽ xảy ra, một khi chúng ta nằm ở vùng đất cuối nguồn mà trên thượng nguồn là vô số các công trình thủy điện, thì chuyện bị động đón lũ là điều tất yếu xảy ra.
Câu chuyện Việt Nam bị ngập lụt đã từng xảy ra ở miền Trung, Tây Nguyên, không riêng gì miền Bắc, ĐBSCL và tro
Thực ra, trong rất nhiều Hội thảo, các chuyên gia và tôi cũng đã từng cảnh báo về thực trạng này khá nhiều, có nhiều bài học kinh nghiệm, về các trận lũ lụt miền Trung, Tây Nguyên. Thế nhưng hình như phía miền Bắc người dân cũng không quan tâm quá nhiều đến thực trạng này, cho nên một khi thời tiết bất thường, diễn biến biến đổi khí hậu đột ngột xảy ra, thì việc ảnh hưởng, chịu thiệt hại do lũ càng nhiều.
Chỉ có những người làm về bên thủy lợi, nghiên cứu tài nguyên nước mới quan tâm đến sự nguy hại của nó, còn đa số người dân, chính quyền địa phương thờ ơ với thực trạng này.
Cho nên sự việc xảy ra vừa qua, mặc dù chúng ta vẫn được Trung Quốc thông báo xả lũ, nhưng ta vẫn phải chịu những thiệt hại không nhỏ, vì lượng nước xả lũ quá lớn. Đó cũng là lời cảnh báo cho vấn đề hợp tác sông Mê Kông ở phía Nam.
Bởi vì, hiện nay cơ chế hợp tác mới chỉ dừng ở việc thông báo trước xả lũ, thông tin về khí tượng thủy văn như tình hình mưa, tình hình xả lũ. Nếu mưa lớn mà xả lũ có thể dễ có những thông báo, thông tin đầy đủ, nhưng nếu việc xả lũ do hoạt động của các đập thủy lợi, thủy điện thì rất khó biết được các thông tin đầy đủ.
PV:- Những biểu hiện trên đây có đặt ra nguy cơ chúng ta sẽ bị phụ thuộc nguồn nước hay không? Nếu điều này xảy ra, hệ quả của nó sẽ thế nào?
PGS.TS Lê Anh Tuấn: – Việc Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nước là điều chắc chắn xảy ra, vì hiện nay tất cả nguồn sông chính đổ vào Việt Nam đều từ nước ngoài, nên họ dễ dàng khống chế tài nguyên nước của Việt Nam.
Khi xảy ra việc bị phụ thuộc thì chúng ta sẽ chịu nhiều thiệt hại, dù cho có được thông báo trước, bởi vì, rõ ràng ở đây, người dân hoàn toàn bị động, không thể dọn dẹp hoa màu hai bên bờ sông, không có cách thu hoạch kịp, hoặc đang đánh cá giữa sông, du lịch trên sông có thông báo cũng không thể trở kịp.
Cũng giống như việc Trung Quốc xả lũ, nếu từ thông báo của Trung Quốc, đi qua đường chính quyền, rồi địa phương đi thông báo đến người dân sẽ mất nhiều thời gian, trong khi lượng lũ rất nhanh.
Đôi khi gặp trời mưa lớn bất thường, lượng nước dồn vào hồ chứa thủy điện, khi đó người quản lý thủy điện nhằm tránh vỡ đập, sẽ mở các van xả nước, trong trường hợp đó dù có thông báo người dân vẫn thụ động gánh hậu quả.
Trong tương lai, ở khu vực ĐBSCL hàng loạt đập nước sẽ được xây dựng vận hành, nếu chúng ta không chủ động được nhân lực thời vụ, không biết xả lũ lúc nào, thì hệ quả là khó lường.
Cũng như hiện nay, bên phía đồng bằng sông Hồng, hợp tác của Trung Quốc rất mờ nhạt trong việc thông báo, cho nên dù cho họ có thông báo thì Việt Nam cũng không làm được gì.
Liên tưởng đến một hệ thống đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, đặc biệt là những đập ở gần Việt Nam tôi cảm thấy rất đáng lo. Khi có một đập nào đó xả lũ thì nó sẽ tạo nên một hiệu ứng domino cho cả hệ thống 12 đập và thiệt hại là vô cùng lớn. Hệ thống thủy điện đó đe dọa tương lai của ĐBSCL và của cả nước.