Các chuyên gia nhận định Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng hiện diện quân sự ở khắp vùng Ấn Độ Dương trong khuôn khổ một chiến lược được gọi là “Chuỗi Ngọc Trai”.
Một tàu ngầm của Trung Quốc – Ảnh: Reuters
Các chuyên gia vẫn còn tranh cãi liệu Trung Quốc đã âm thầm bắt tay thực hiện chiến lược “Chuỗi Ngọc Trai” hay kế hoạch này vẫn còn trên giấy, theo chuyên san The Diplomat (trụ sở ở Nhật Bản).
Chiến lược Chuỗi Ngọc Trai là các tuyến giao thông hàng hải của Trung Quốc kéo dài đến Sudan, đi qua eo biển chiến lược Mandab, eo biển Malacca, eo biển Hormuz và eo biển Lombok. Trung Quốc muốn đặt nhiều căn cứ quân sự, cụ thể là căn cứ hải quân, tại nhiều nước khác nhau được xem là “Ngọc Trai” nằm trong “Chuỗi” trải dài từ phía nam Trung Quốc sang Ấn Độ Dương.
Năm 2015 được đánh giá là năm Bắc Kinh đẩy mạnh tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương. Ngoài ra, việc Bắc Kinh tăng cường hoạt động xây những đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông cũng là một phần trong chiến lược “Chuỗi Ngọc Trai”, theo một báo cáo của tổ chức tư vấn quốc phòng, tình báo Booz Allen Hamilton (Mỹ).
Tàu ngầm Trung Quốc đã xuất hiện nhiều lần ở Ấn Độ Dương kể từ cuối năm 2014. Tàu ngầm điện-diesel lớp Tống từng ghé cảng Colombo (thủ đô Colombo, Sri Lanka) để tiếp nhiên liệu, sau đó tham gia cuộc tập trận chống hải tặc ở vịnh Aden vào cuối năm 2014. Vài tuần sau đó, tàu ngầm hạt nhân lớp Hán tiếp tục xuất hiện ở Colombo, và lúc bấy giờ Hải quân Trung Quốc tuyên bố sẽ điều tàu ngầm tuần tra thường xuyên ở Ấn Độ Dương.
Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư và xây dựng ở cảng Hambantota của Sri Lanka. Tuy nhiên, ở vịnh Bengal, “Chuỗi” bị gián đoạn vì Trung Quốc phải đối đầu với Ấn Độ. Ngoài ra, Bắc Kinh vẫn chưa thể lôi kéo Myanmar vào “Chuỗi Ngọc Trai” sau vụ quân đội Myanmar ném bom nhầm vào lãnh thổ Trung Quốc hồi tháng 4.2015, khiến 4 người Trung Quốc thiệt mạng.
Dù vậy, quan hệ Trung Quốc-Pakistan đang ngày càng thắt chặt. Bắc Kinh dự kiến sẽ bán 8 tàu ngầm diesel lớp Nguyên cho Pakistan. Có lẽ không phải tình cờ mà một tàu ngầm lớp Nguyên của Trung Quốc gần đây đã đến thăm thành phố Karachi, Pakistan. Và đây là lần đầu tiên một tàu ngầm Trung Quốc đến Pakistan.
Thủ tướng Pakistan, Nawaz Sharif bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4.2015 – Ảnh: Reuters |
Pakistan cũng đã ký kết với Trung Quốc về thỏa thuận Vành đai Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, trong có hàng loạt dự án cơ sơ hạ tầng nhằm nối liền khu tự trị Tân Cương (phía tây Trung Quốc) với các cảng ở Gwadar và Karachi của Pakistan.
Ở phía tây của Ấn Độ Dương, Trung Quốc cũng gặp được nhiều “Ngọc Trai” tiềm năng, đó là đảo quốc Seychelles và Malpes. Hai đảo quốc này được xem là ứng cử viên xán lạn để quân đội Trung Quốc chọn đặt căn cứ hải quân. Ấn Độ vừa qua lên tiếng phản đối Malpes sửa hiến pháp cho phép Trung Quốc mua đảo, với lo ngại Bắc Kinh sẽ tiến hành bồi đắp, xây dựng nhưng hòn đảo thành các căn cứ quân sự, tựa như những gì nước này đang hành động phi pháp ở Biển Đông.
Ngoài Pakistan, một ứng cử viên “Ngọc Trai” sáng giá khác cho Trung Quốc là Djibouti, một quốc gia nhỏ ở châu Phi. Djibouti cân nhắc cho phép xây dựng căn cứ hải quân ở cảng Obock của nước này. Tàu chiến của hải quân Trung Quốc cũng thường ghé qua cảng Djibouti để tiếp nhiên liệu trong những sứ mạng ở vịnh Aden.
Điều đáng chú ý là những quốc gia khác, như Mỹ, Pháp và Anh, lại đang cắt giảm sự hiện diện (được thiết lập từ lâu) ở Djibouti, theo The Diplomat.
Mặc dù vẫn chưa rõ Trung Quốc có thật sự đang tiến hành chiến lược “Chuỗi Ngọc Trai” hay không, nhưng giáo sư James Holmes, cựu sĩ quan hải quân Mỹ, nhấn mạnh: “Trung Quốc chưa xây dựng căn cứ quân sự nào ở Ấn Độ Dương, nhưng không có nghĩa Bắc Kinh sẽ không làm điều này trong tương lai”.