Tại sao phải tự chủ vũ khí nói chung và tên lửa phòng không nói riêng để tránh bị vô hiệu hoá? Vì bất kỳ vũ khí nào cũng luôn tồn tại các điểm yếu để bị khai thác, khắc chế.
Vai trò của phòng không tầm trung trong các lớp phòng không
Trong phòng thủ không phận, các hệ thống phòng không tầm trung có tầm bắn tối đa đến 100km có vai trò hết sức quan trọng. Đây là tầm chủ yếu của các loại vũ khí đường không mà các tổ hợp hàng không mang theo khi công kích các mục tiêu mặt đất.
Sau khi vượt qua lưới lửa phòng không tầm xa, trung xa, khi địch đã vào đến tầm này, các tổ hợp phòng không phải đối kháng trực tiếp với các vũ khí đường không rất đa dạng về chủng loại cũng như phương thức đánh phá.
Khi các máy bay tấn công đã vào đến tầm này, nó không còn lựa chọn quay ra. Chỉ có một lựa chọn an toàn nhất cho chúng là tấn công vào lực lượng phòng không mặt đất và các mục tiêu khác mà chúng có kế hoạch từ trước.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU1 triển khai sẵn sàng chiến đấu.
Như vậy, ngoài nhiệm vụ phòng thủ làm thất bại các chiến dịch tập kích đường không địch, các hệ thống phòng không tầm trung còn phải đánh trả chế áp phòng không bằng vũ khí công nghệ cao để tự vệ của các máy bay.
Các hệ thống này phải đánh địch khi địch đã lâm vào thế cùng đường. Chính vì thế, áp lực chiến đấu mà nó phải hứng chịu rất lớn.
Do đó mà các hệ thống phòng không này cần hoả lực mạnh, có thể phục vụ đa dạng hoá cách đánh, dự trữ hoả lực cho mỗi tổ hợp phải đủ lớn và dễ dàng tiếp tế ngay trong lúc đánh.
Ngoài ra, các hệ thống này phải dễ dàng cơ động và nguỵ trang cả về bộc lộ điện tử và bộc lộ quang học.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam và thế giới. Trong các chiến dịch tập kích đường không, việc các hệ thống phòng không tầm trung có phát huy được hiệu quả hay không, có còn đủ dự trữ hoả lực hay không quyết định việc có chiến thắng hay thất bại.
Tại Miền Bắc Việt Nam, việc hệ thống S-75M phát huy hiệu quả chiến đấu và dự trữ hoả lực đầy đủ thì dù địch có huy động một lực lượng máy bay khổng lồ cũng không thể đạt mục đích chiến dịch của chúng.
Vì thế, từ sau Chiến tranh Việt Nam, các cường quốc khi hoạch định kế hoạch tập kích đường không trong chiến dịch nào cũng tập trung chủ yếu vào việc chế áp các hệ thống phòng không tầm trung.
Các quốc gia như Iraq, Nam Tư, Lybia, Gruzia… dễ dàng bị khuất phục khi các hệ thống như S-75, S-125, Kub, Buk… bị vô hiệu hoá.
Vậy tại sao các quốc gia như Iraq, Nam Tư lại bị vô hiệu hoá các hệ thống phòng không tầm trung mà họ biên chế?
Vì họ không tự chủ được công nghệ thiết kế chế tạo chúng và không có đầu mối tiếp tế, cải tiến, bảo đảm dự trữ hoả lực đạn chiến đấu từ nhà sản xuất do bị bao vây, phong toả và thoả hiệp.
Tại sao phải tự chủ vũ khí nói chung và tên lửa phòng không nói riêng để tránh bị vô hiệu hoá? Vì bất kỳ vũ khí nào cũng luôn tồn tại các điểm yếu để bị khai thác, khắc chế.
Nếu không làm chủ công nghệ chế tạo chúng, ta không thể khắc phục các điểm yếu kỹ thuật phát sinh trong chiến đấu cũng như cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Địch quân sau vài trận đánh sẽ rút kinh nghiệm mà khoét sâu vào các điểm yếu mà họ phát hiện được để vô hiệu hoá vũ khí trang bị của ta. Mặt khác, tự chủ sản xuất sẽ giúp ta bảo đảm dự trữ hoả lực chiến đấu khi bị bao vây, cấm vận, phong toả.
Như đã trình bày ở trên, các hệ thống phòng không tầm trung luôn cần dự trữ hoả lực lớn để đánh địch ở thế cùng đường và lại có dự trữ chiến đấu luôn tốt hơn chúng ta.
Thực tế tự chủ phòng không tầm trung từ các nước trên thế giới
Thực tế trên thế giới đã chỉ ra rằng hầu hết các nước luôn cố gắng tự chủ các hệ thống phòng không tầm trung dù khả năng mua sắm vũ khí nước ngoài của họ không hề bị cản trở như:
– Ấn Độ với hệ thống phòng không Akash đã xây dựng chương trình phát triển từ lâu. Gần đây họ cùng Israel phát triển tiếp các phiên bản hệ thống Barak-8.
– Trung Quốc với HQ-16 là kết quả của việc Almaz-Altey chuyển giao công nghệ và thiết kế lại từ nền tảng của hệ thống phòng không tầm trung lục quân Buk.
– Hàn Quốc với hệ thống KM-SAM được hình thành từ các mảnh ghép công nghệ khắp thế giới và trong nước.
– Na Uy với hệ thống NASAMS.
– Israel với hệ thống David’s Sling.
– Nhật Bản với hệ thống Type 3 Chu-SAM.
Đặc điểm chung của các hệ thống trên là nó hình thành từ các mảnh ghép công nghệ đến khắp nơi trên thế giới để từng bước vừa tự chủ vũ khí trang bị đồng hành với làm chủ công nghệ chế tạo theo con đường ngắn nhất, kinh tế nhất.
Hệ thống HQ-16 với đạn giống hệt 9M38M1 của Buk-M1chuyển giao từ Nga.
Bài học Ấn Độ học được khi cố gắng tự chủ hệ thống phòng không tầm trung như Akash là họ phải dò dẫm từ con số không nên tiến trình rất lâu. Thực tế họ mất ngót 20 năm để phát triển và thử nghiệm hệ thống.
Đến khi trang bị thì hệ thống này xem như đã lạc hậu từ tầm bắn, trang bị kỹ thuật điều khiển dẫn đường đến khả năng chống chế áp điện tử. Ngay sau đó họ quyết định cùng Israel phát triển Barak-8 thay vì tự lực.
Cũng tương tự như Ấn Độ, Trung Quốc tuy bắt đầu dò dẫm các bước đi sau, nhưng họ sớm nhận ra rằng để đi tắt đón đầu công nghệ hiện đại thì cần thương lượng chuyển giao công nghệ từ Nga, một bậc thầy trong thiết kế các hệ thống phòng không.
Biên chế một trung đoàn HQ-16 với dự trữ hoả lực 72 đạn.
Từ kinh nghiệm của Trung Quốc và Ấn Độ, Hàn Quốc đã hình thành hệ thống phòng không tầm trung tiên tiến KM-SAM từ công nghệ nhiều nguồn, trong đó có Nga. Họ tận dụng tối đa nền tảng trong nước với các yêu cầu khắt khe hơn.
Từ đó, họ có được hệ thống phòng không vượt mặt cả Chu-SAM của Nhật Bản, vốn là hệ thống phòng không Nhật tự chủ hoàn toàn.
Đâu là bài học cho Việt Nam trong việc từng bước làm chủ công nghệ phòng không tầm trung?
Thực tế:
Trung Quốc chỉ với kinh nghiệm sản xuất các radar mảng pha sao chép từ sản phẩm của Nga trên S-300PMU1, gầm bệ cơ động… vẫn có thể tiếp nhận công nghệ hệ thống HQ-16, thực ra là hệ thống Buk phiên bản phòng không không quân.
Nó vẫn đậm chất Nga với một đài kiểm soát hoả lực bên cạnh một đài cảnh báo sớm riêng biệt. Hàn Quốc có nền tảng công nghệ khác đi một chút vẫn tiếp nhận công nghệ đạn từ Fakel (Nga) và công nghệ điện tử quân sự từ Thales (Pháp).
Qua đó, họ đã chế tạo thành công hệ thống phòng không tiên tiến mang chất phương Tây từ công nghệ Nga, đó là KM-SAM.
Cơ hội:
Đặc điểm chung của cả hai hệ thống nêu trên là nó có xuất phát điểm là đạn của hệ thống Buk hoặc phiên bản của nó. Đây là loại đạn tên lửa phòng không dùng thế hệ nhiên liệu đã cũ mà Nga đang dần thay thế.
Việc chuyển giao dễ dàng công nghệ đạn cho Hàn Quốc, Trung Quốc hay cố tối ưu nâng cấp đến Buk-M3 để vét bán tháo từ công nghệ đến thành quả công nghệ cho thấy Nga đang loại dần nền tảng công nghệ này.
Tuy là cũ với Nga nhưng với Việt Nam hay Trung Quốc thì nó không hề cũ mà có thể nói là rất mới.
Vậy nên chăng chúng ta tìm cách tự chủ công nghệ đạn phòng không tầm trung để dự trữ năng lực phòng thủ quốc gia bằng cách mua chuyển giao công nghệ đạn từ Fakel (Nga) như Trung Quốc hay thậm chí cùng phát triển đạn với họ như Hàn Quốc.
Vẫn còn một lựa chọn khác là chúng ta vừa song song mua sắm, vừa mua lại công nghệ đạn từ Hàn Quốc để cùng với họ giảm khấu hao mua sắm công nghệ nhằm giảm giá thành và chi phí trang bị.
Niềm tin:
Về radar dẫn đường. Hai năm qua chúng ta chứng kiến những nước nhảy vọt của Viettel trong việc thiết kế chế tạo các radar hiện đại cũng như nhận chuyển giao công nghệ điện tử quốc phòng từ các đối tác.
Chúng ta có thể vững tin rằng đây là đơn vị quốc phòng có khả năng tiếp nhận công nghệ radar cũng như tích hợp hệ thống. Vấn đề là nguồn tiếp nhận…
Nga không dễ dàng chuyển giao công nghệ radar. Đó là một thực tế. Các đối tác còn lại rất khó khăn trong việc sản xuất các sản phẩm băng sóng chính xác cao như băng S, băng X vốn dùng trong các hệ thống phòng không hiện đại.
Chúng ta có thể học hỏi lối ra từ cả LiGnex1 trong việc phát triển đầu dò chủ động cho đạn phòng không từ nguồn Microware Aplication Group cũng như Aselsan, Thổ Nhĩ Kỳ trong việc phát triển đài radar đa năng Kalkan cũng từ nền tảng Microware Aplication Group.
Điều đó giúp chúng ta vững tin rằng chúng ta đang đi nhưng bước cần thiết theo điều kiện của mình để dần tự chủ công nghệ tên lửa phòng không tầm trung trong phòng thủ quốc gia.