Thursday, January 2, 2025
Trang chủĐiểm tinQuốc hội Việt Nam đã dám nói thẳng

Quốc hội Việt Nam đã dám nói thẳng

Ngày 20/10, ngày khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII ghi nhận những cái nhìn thẳng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc ngày 20/10 tại Nhà Quốc hội. Ảnh: VNN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn nhìn nhận, năm 2015, tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn giảm, giá dầu giảm sâu; tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến nguy hiểm, khó lường… đã tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta.

“Tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cơ cấu ngân sách nhà nước thiếu bền vững, bội chi cao, nợ công tăng; nông nghiệp tăng trưởng thấp, xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn.

Nền kinh tế thị trường vận hành chưa thật thông suốt; thị trường vốn, thị trường khoa học-công nghệ phát triển chậm; thị trường lao động, thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn; năng suất lao động thấp. Tình hình trật tự, trị an, an toàn giao thông diễn biến phức tạp; nhiều biểu hiện xấu về văn hóa, đạo đức, lối sống gây bức xúc trong xã hội…”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Trong khi đó, trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra 9 hạn chế, yếu kém.

Cụ thể: Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, bội chi còn cao. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn nhiều khó khăn. Huy động nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước còn hạn chế.

Tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, nhất là nông sản còn nhiều khó khăn , liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp hiệu quả chưa cao. Dịch vụ tăng thấp hơn giai đoạn trước, du lịch chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thực hiện các đột phá chiến lược và tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn vướng mắc, chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế – xã hội; các loại thị trường phát triển còn chậm, hiệu quả chưa cao. Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển.

Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu. Hiệu quả đầu tư công chưa cao. Tái cơ cấu DNNN và sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra. Đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành có công nghệ cao, giá trị gia tăng cao còn chậm. Chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu .

Phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội nhiều mặt còn hạn chế, khắc phục còn chậm. Giải quyết việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Khoảng cách giàu nghèo còn lớn; tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao . Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân có mặt còn hạn chế. Việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém. Tệ nạn xã hội một số nơi còn diễn biến phức tạp. Nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong nhân dân.

Quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều yếu kém, hiệu quả chưa cao. Cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường còn chậm. Nguồn lực phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng ngập lụt ở một số thành phố lớn khắc phục còn chậm.

Cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực còn chậm, thủ tục còn phiền hà. Cơ cấu tổ chức, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ vẫn còn chồng chéo, chưa đủ cụ thể. Một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn; vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm. Năng lực, phẩm chất, đạo đức, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều hạn chế. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội hiệu quả chưa cao. Phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn còn hạn chế.

Bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông còn nhiều khó khăn, thách thức. An ninh trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn vẫn còn phức tạp; một số vụ án nghiêm trọng gây bức xúc xã hội; một số tổ chức nhen nhóm hình thành trái pháp luật. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng còn nhiều bất cập. Tai nạn giao thông vẫn còn nghiêm trọng; ùn tắc giao thông tại đô thị lớn khắc phục chậm.

Công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế có mặt chưa thật chủ động, hiệu quả chưa cao. Chưa phát huy hết các lợi thế và chuẩn bị tốt các điều kiện cho chủ động hội nhập. Sự gắn kết giữa hội nhập kinh tế quốc tế với quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, đối ngoại nhân dân có mặt còn hạn chế.

Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân

Cũng tại phiên họp đầu tiên của Kỳ họp thứ 10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri còn nhiều tâm tư trước tình hình kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra; chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động chưa cao; giá một số sản phẩm nông nghiệp giảm; ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết tốt.

Bên cạnh đó, người dân cũng bày tỏ sự lo lắng khi tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông vẫn diễn ra phức tạp; tình hình cháy, nổ xảy ra ở nhiều nơi gây thiệt hại lớn về người và tài sản; thiên tai, mưa lũ gây ngập lụt ở nhiều địa phương. Hiện tượng nước biển ngày càng dâng cao và xâm nhập sâu vào đất liền, nhất là các tỉnh ven biển khu vực Tây Nam Bộ đã ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi.

Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân cho hay, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị nhân sự của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, mong những người được bầu giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền có đủ đức, đủ tài để xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đồng thời cần kiên quyết loại trừ những trường hợp thoái hóa, biến chất, có biểu hiện tham nhũng, lợi ích nhóm tham gia vào bộ máy lãnh đạo các cấp.

RELATED ARTICLES

Tin mới