Phi đội chiến đấu cơ hiện đại F-22 “Chim ăn thịt” của Mỹ không được đánh giá cao trong thực chiến bởi số lượng quá ít, không đảm bảo khả năng phối hợp tác chiến.
Chiến đấu cơ tàng hình F-22 của Mỹ. Ảnh: Wikipedia
Không quân Mỹ hiện sở hữu 186 máy bay tàng hình Lockheed Martin F-22 Raptor. Trong số này, 123 chiếc có thể sẵn sàng chiến đấu, 23 chiếc đóng vai trò là máy bay dự bị, còn lại 40 chiếc dùng cho các hoạt động thử nghiệm, huấn luyện, theo National Interest.
Nhưng có ít nhất hai trong số 186 chiếc của đội bay F-22 hiện không thể cất cánh. Một chiếc F-22 dùng cho công tác thử nghiệm, đóng tại căn cứ không quân Edward, California, thường xuyên phải “đắp chiếu” vì sở hữu hệ thống điện tử quá lạc hậu. Một chiếc khác với số hiệu 02-4037 thì bị hư hỏng nặng sau một lần hạ cánh bằng bụng và phải mất tới 4 năm cùng khoảng 98 triệu USD để khắc phục. Ngoài ra, không quân Mỹ hiện cũng gặp khó khăn trong việc duy tu, sửa chữa chiến đấu cơ F-22 do sự rối loạn trong khâu bảo quản, lưu trữ thiết bị.
Quan trọng hơn cả, không quân Mỹ đang không có đủ 381 chiếc Raptor cần thiết. Vì thế, dù F-22 được xem là chiến đấu cơ có sức mạnh vượt trội, nó lại không thể hiện diện ở khắp mọi nơi trong cùng một thời điểm. Washington hiện chỉ có 6 phi đội tác chiến F-22 Raptor, tất cả đều bị đánh giá là không đầy đủ bằng những phi đội chiến đấu cơ thông thường. Một đơn vị chiến đấu cơ F-15 hay F-16 thường biên chế khoảng 24 máy bay chính cùng hai máy bay dự bị. Theo giới quan chức không quân, đây là cách vận hành phi đội hiệu quả nhất.
Thế nhưng, 5 trong 6 phi đội Raptor của Mỹ hiện chỉ biên chế 21 máy bay chính cùng hai máy bay dự bị. Phi đội Raptor duy nhất của lực lượng Không quân Vệ binh Quốc gia đóng tại căn cứ Hickam, Hawaii, chỉ có 20 chiếc F-22, bao gồm cả máy bay dự bị.
Để duy trì những phi đội ít ỏi này, không quân Mỹ phải cắt giảm tối đa số lượng máy bay F-22 phục vụ huấn luyện và thử nghiệm, đến mức các học viên tại Trường Vũ khí Không quân ở căn cứ Nellis phải dùng chung 13 chiếc F-22 cùng các đơn vị khác.
Với việc ngân sách quốc phòng đều tập trung cho phát triển mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đắt giá F-35, công cuộc nâng cấp sức mạnh của F-22 Raptor cũng gặp không ít trở ngại. Phải đến cuối năm 2017, hơn một thập kỷ sau khi F-22 chính thức đi vào hoạt động, mẫu chiến đấu cơ này mới được trang bị đầy đủ các loại tên lửa không đối không hiện đại như AIM-9X Sidewinder hay AIM-120D AMRAAM.
Sớm nhất vào năm 2020, phi công lái máy bay Raptor mới có thể được trang bị hệ thống hỗ trợ gắn trên mũ, giúp họ phát huy tối đa mọi ưu thế của tên lửa AIM-9X. Theo kế hoạch, hệ thống hỗ trợ gắn ở mũ phi công phải xuất hiện trên những phi cơ F-22 Raptor từ những ngày đầu tiên, nhưng các trục trặc kỹ thuật và ngân sách eo hẹp khiến tiến trình bị đình trệ.
Ngay cả khi được nâng cấp, Raptor vẫn chưa thể trở thành một chiến đấu cơ đầy uy lực, có khả năng chiến đấu trên mọi mặt trận, theo National Interest. Mỹ hiện không có đủ số lượng F-22 và chúng cũng không trang bị đủ tên lửa. Theo phản ánh của các phi công điều khiển chiến đấu cơ F-15 và F-16, F-22 thực sự phát huy tác dụng trong việc tiêu diệt các mục tiêu khi tác chiến nhưng chúng hết tên lửa rất nhanh, nhất là khi đối phương được trang bị hệ thống gây nhiễu bộ nhớ tần số vô tuyến kỹ thuật số có thể vô hiệu hóa tên lửa AIM-120 của F-22 và cả hệ thống radar mảng pha điện tử chủ động trang bị trên chiếc chiến đấu cơ hiện đại này.
Giới chuyên gia đánh giá dù được đầu tư lớn nhưng các phi đội F-22 bé nhỏ cùng một số ít chiến đấu cơ F-15C cải tiến của Mỹ trong thực chiến rất có thể sẽ bị lấn át bởi số lượng áp đảo những chiếc máy bay giá rẻ, như chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc, cho dù chúng có ít tính năng hơn. Chiến đấu cơ Mỹ sẽ lâm vào thế khó khi bắn hết tên lửa mà vẫn chưa thể tiêu diệt được toàn bộ máy bay địch.