Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy nói về việc Trung Quốc cho xây xong hai ngọn hải đăng ở Bãi Châu Viên và Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thời gian qua.
Ông Dương Danh Dy – nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Tổng lãnh sự quán tại Quảng Châu, Trung Quốc.
Trung Quốc đã hoàn thành và cho vào sử dụng hai ngọn hải đăng khổng lồ tại bãi Gạc Ma và Châu Viên trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà họ đã cưỡng chiếm bằng vũ lực và chiếm đóng từ năm 1988 đến nay.
Phóng viên Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu (NNC) Dương Danh Dy – Nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc để cung cấp đến độc giả thông tin đa chiều xoay quanh sự việc này.
Việc cho khởi công và khánh thành hai ngọn hải đăng ở Biển Đông mà Trung Quốc đơn phương tiến hành đã khiến cho dư luận khu vực và quốc tế lo ngại sâu sắc. Liệu rằng đây có phải là chiêu bài mới có phần “thâm hiểm” hơn để nước này hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền vô lý của họ ở Biển Đông?
Theo NNC Dương Danh Dy, đây đích thị là một hành động cho thấy rằng, Trung Quốc đang cố dần dần việc áp đặt chủ quyền phi lý của họ lên các bãi đã ngầm mà họ đã đơn phương cải tạo, bồi lấp thành các đảo nhân tạo như hiện nay.
“Bãi Châu Viên hay Gạc Ma và một số thực thể ngầm khác đã bị quân đội Trung Quốc chiếm đoạt của Việt Nam bằng vũ lực từ năm 1988 và đồn trú trái phép tại đó. Việc họ cho xây dựng hải đăng ở đó là một việc làm đã được lên kế hoạch trước đó từ lâu, nhằm hỗ trợ về mặt pháp lý và thực hiện phương thức “sự đã rồi’ của Trung Quốc tại đây”, ông Dy nói.
Mới đây truyền thông Mỹ đưa tin, Hải quân Mỹ đang có kế hoạch và sẽ sớm điều động tàu chiến vào Biển Đông tuần tra tại khu vực 12 hải lý quanh các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc cải tạo trái phép.
Một trong số những ngọn hải đăng phi pháp mà Trung Quốc xây dựng trong thời gian qua (Ảnh: Reuters). |
Vậy thì tàu chiến của Mỹ sẽ phải chọn cách “hành xử” thế nào trước sự hiện diện của hai ngọn hải đăng mà Trung Quốc vừa cho xây dựng tại bãi đá Châu Viên, Gạc Ma?
Về vấn đề này, ông Dương Danh Dy cho rằng, hành động Trung Quốc xây hải đăng thực sự khiến cho những quan ngại của cộng đồng quốc tế ngày càng tăng. Biển Đông là khu vực biển sôi động diễn ra bao chuyến đi lại của tàu thuyền cả thương mại và du lịch của các nước.
Việc xuất hiện những ngọn hải đăng vẫn giữ vai trò nhất định của nó trong việc định vị và xác định phương hướng của tàu bè nên nếu không khéo, chính các nước khác sẽ vô tình mà công nhận sự “hợp pháp” của chúng.
“Trên một số tàu chiến hiện đại của Mỹ vẫn có trang bị hệ thống định vị GPS để xác định phương hướng nhưng trong một số trường hợp nhất định, vẫn phải dựa vào hải đăng để có thể tìm ra phương hướng di chuyển trên biển. Vì thế, giới chức hải quân Mỹ sẽ phải cân nhắc thật khôn khéo khi đối diện với sự xuất hiện của những ngọn hải đăng phi pháp mà Trung Quốc xây dựng ở bãi Châu Viên và Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam”, vị cựu đại sứ tại Trung Quốc phân tích.
Cũng theo ông Dy, thiết bị điện tử cũng có thể bị hỏng hóc khi đang hoạt động. Khi tiến sát các đảo đá ngầm thì tàu bè của Mỹ hay phương Tây vẫn phải phụ thuộc vào hải đăng để xác định vị trí của mình. Và đương nhiên, những ngọn hải đăng phi pháp này cũng sẽ là một phần trong hải đồ hành trình của tàu thuyền các nước này.
Điều này sẽ vô tình “tiếp tay” cho cái gọi là “tính hợp pháp” của những công trình phi pháp mà Trung Quốc cố tình tạo dựng trên Biển Đông nhằm củng cố yêu sách chủ quyền tham lam của mình.
“Với tần suất xuất hiện ngày càng nhiều trên các hải trình quốc tế, những ngọn hải đăng này sẽ là công cụ vô cùng hữu hiệu để cho Trung Quốc ngày càng tiến xa hơn trong việc buộc quốc tế phải thừa nhận chủ quyền vô lý của họ ở Biển Đông. Đây là một bước đi dù nhỏ nhưng lại vô cùng nham hiểm của Bắc Kinh”, Nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu cho biết.
Đồng thời, NNC Dương Danh Dy nhấn mạnh, chính quyền Trung Quốc có tuyên bố rằng việc xây hải đăng trên Biển Đông chỉ nhằm mục đích hỗ trợ tàu bè của các nước đi lại trên biển được dễ dàng. Nhưng đối với Mỹ, họ vẫn có quan điểm rõ ràng và khá nhất quán về việc không công nhận thứ gọi là “chủ quyền” vô lý mà Trung Quốc cố công hiện thực hóa thông qua sự ra đời của những ngọn hải đăng này cũng như quá trình bồi lấp đảo nhân tạo.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, dù như vậy, những ngọn hải đăng phi pháp này vẫn không thể làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.
“Cá nhân tôi tin tưởng rằng, sắp tới Mỹ và cộng đồng quốc tế vẫn sẽ có động thái quyết liệt nhằm phản đối yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Dù sắp tới sẽ diễn ra chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam nhưng chắc chắn, những ngày còn lại của năm 2015 thì Biển Đông vẫn chưa thực sự được lặng sóng”, ông Dương Danh Dy nhận định.