Đà Nẵng là đô thị có tốc độ phát triển nhanh vào bậc nhất trên cả nước. Khác với những đô thị phát triển nhanh, khi mà ở đó những người già cứ ngẩn ngơ, hoài niệm về sự bình yên ngày cũ; thì ở Đà Nẵng, sự bình yên vẫn còn vẹn nguyên, thông qua nhiều sự tử tế trên đường phố, nhất là những chính sách của thành phố.
Đà Nẵng được mệnh danh là “thành phố đáng sống”
Cư dân là cốt cách của một đô thị. Người Đà Nẵng sống phóng khoáng, thân thiện, thật thà và văn hóa; chính quyền thành phố luôn hướng đến người dân. Chính những điều đó đã tạo nên một Đà Nẵng đẹp, văn minh, tạo nên một đô thị với những điều tử tế.
Ở một nơi đề cao sự tử tế, văn minh thì lối sống tình người, cách cư xử văn hóa… đặc biệt được coi trọng. Đó có thể là những điều cụ thể như những bình trà đá miễn phí, những suất cơm chỉ có 1.000đ, hay lớn hơn là những chính sách thu hút nhân tài, đào tạo nhân tài….
Chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ” mà thành phố Đà Nẵng thực hiện suốt từ năm 1998 đến nay thông qua nhiều đề án là một chính sách tốt, tạo được hiệu ứng rất tích cực. Hiện nay có khoảng 20% công chức của thành phố này là từ chính sách thu hút nhân tài.
Theo đó, cứ 5 người được thu hút về theo diện này thì có 1 người được bổ nhiệm chức vụ từ phó phòng trở lên, thậm chí có những người được bổ nhiệm chức danh giám đốc, lãnh đạo các sở, ban ngành.
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng cũng được bổ nhiệm thông qua thi tuyển trước Hội đồng do Bí thư Thành ủy làm Chủ tịch. Khi trúng tuyển, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã nói rõ, tân Giám đốc Sở phải phấn đấu trong vòng 6 tháng sau khi bổ nhiệm chức vụ mới, tình hình của Sở Xây dựng phải có chuyển biến, vượt lên trở thành một sở điển hình của thành phố.
Nếu trong vòng một năm, tình hình không cải thiện hoặc đi thụt lùi thì nên từ chức hoặc sẽ bị miễn nhiệm. Tất cả đều rõ ràng, thẳng thắn và minh bạch.
Gần đây, dư luận đặc biệt chú ý đến việc Đà Nẵng khởi kiện 7 học viên theo diện bồi dưỡng đào tạo “nhân tài” được thành phố cấp kinh phí đi du học rồi về phục vụ thành phố.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, chuyện phải khởi kiện những người bội tín là câu chuyện “cực chẳng đã” khi tiền cho học viên đi học là tiền ngân sách, là tiền thuế của dân, nên bằng mọi cách phải thu hồi.
Trong những phản ứng của dư luận, phần đông ủng hộ quyết định của thành phố Đà Nẵng. Vì xét cho cùng, nếu không có những chính sách ưu đãi của thành phố Đà Nẵng, những “nhân tài” kia liệu có được những điều kiện học tập tốt như vậy không?
Những bạn trẻ khi mới tốt nghiệp phổ thông trung học, cái quan trọng nhất là khi đứng giữa những ngã rẽ cuộc đời, có một sự định hướng và tạo nền móng. Về việc này thì Đà Nẵng đã làm quá tốt cho những nhân tài trẻ của thành phố. Thành phố định hướng, lựa chọn những người này chu cấp tiền học, tiền sinh hoạt, tiền vé máy bay di chuyển… nhưng khi học xong lại không về làm việc cho thành phố như đã cam kết.
Đó là một sự bội tín? Bội tín khi có những cơ hội làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn khi có những cơ hội học tập tốt hơn… và đã không còn nhớ người định hướng và tạo nền móng cho mình. Việc đó chẳng khác gì uống nước mà không nhớ nguồn.
Hơn 10 năm thực hiện đề án, đã có hơn 630 lượt người được đào tạo và đã có 394 học viên tốt nghiệp và nhận công tác tại thành phố, có những người đã được đảm nhận chức danh Phó giám đốc sở.
Theo một khảo sát của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, thì 80% cơ quan sử dụng nhân lực từ đề án này hài lòng, đánh giá cao năng lực làm việc của các cán bộ này.
Lịch sử đã chứng minh, nhân tài quyết định sự hưng thịnh của một vùng đất, hay rộng hơn là cả một quốc gia. Bộ phận này chỉ chiếm một phần nhỏ trong xã hội, nhưng chính là những gì tinh túy, thúc đẩy sự phát triển nội tại.
Với những chính sách “chiêu hiền” và “đãi sĩ” của mình, Đà Nẵng đã thể hiện đây là một thành phố rất trọng người tài. Mà một thành phố trọng người tài, thì dứt khoát đô thị đó sẽ phát triển, sẽ văn minh.
Cuộc sống bình yên bên bờ Sông Hàn |
Trong cuộc họp về các đồ án kiến trúc, quy hoạch thành phố Đà Nẵng mới đây, lãnh đạo thành phố này đã có những quyết định rất hợp lòng dân.
Trong cuộc họp này, sau khi nghe báo cáo của các sở, ban, ngành về tình trạng các dự án resort ven biển làm rào chắn, thu hẹp không gian biển của người dân, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu Sở Xây dựng phải có phương án giải quyết ngay vấn đề này.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cho rằng, người dân sống gần biển mà không được hưởng lợi từ biển là điều vô lý: “Thành phố sẵn sàng trả tiền lại cho các dự án để “mua lại” những con đường thông xuống biển từ 15 đến 20m”.
Trước đó, trong kỳ họp thứ 14 HĐND TP Đà Nẵng khóa 8 diễn ra, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ cũng đã nêu quan điểm: “Biển Đà Nẵng thì người dân Đà Nẵng phải được quyền sử dụng”. Điều này chứng tỏ lãnh đạo Đà Nẵng luôn lắng nghe những ý kiến của người dân, làm những gì có lợi cho người dân, kể cả những chuyện nhỏ nhặt như chuyện bãi tắm cho dân.
Ở nhiều nơi, các thủ tục hành chính đích thực vẫn mang tính “hành là chính” với muôn vàn thứ nhiêu khê, phiền hà. Còn ở Đà Nẵng, sau nhiều năm triển khai công tác cải cách hành chính, tỷ lệ người dân hài lòng với hành chính công, tỉ lệ giải quyết đơn thư của người dân đều cao dần lên.
Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của công dân do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng thực hiện, đối với chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, đặc biệt thuộc lĩnh vực hộ khẩu, quản lý cư trú, có hơn 90% đánh giá là hài lòng với dịch vụ (tính từ mức trung bình trở lên); tỷ lệ đánh giá không hài lòng chỉ chiếm 1,3%.
Những con số biết nói này chứng tỏ cải cách hành chính ở thành phố này không chỉ mang tính lý thuyết, không chỉ nằm yên trên đề án và giấy tờ mà thực sự đi vào cuộc sống.
Để có được những con số mang tỉ lệ tích cực kia, là sự cố gắng của cả một hệ thống chính trị, từ lãnh đạo cho đến chính những người trực tiếp tiếp xúc với dân. Ở Đà Nẵng, người ta thường được nghe đến các khái niệm: Chính quyền điện tử, cán bộ điện tử và công dân điện tử.
Đây là những việc mà thành phố đang và sẽ triển khai để quản lý tốt hơn công tác hành chính. Hiện tại, 300 phần mềm phục vụ quản lý hành chính và 170 dịch vụ hành chính công trực tuyến. Những phần mềm này hiện đang giúp ích rất nhiều cho công tác quản lý hành chính của thành phố này.
Ngay từ năm 2001, Đà Nẵng đã thực hiện cơ chế “một cửa” để giải quyết các vấn đề hành chính. Đến cuối năm 2014, khi trung tâm hành chính thành phố được đưa vào sử dụng, tính ưu việt của chính sách này lại càng được thể hiện.
Nói một cách nôm na, “một cửa” là tất cả các hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân sẽ được nộp vào 32 quầy giao dịch, tư vấn; rồi từ đó sẽ phân bổ về các sở, ban, ngành cần giải quyết. Nói như một anh bạn tôi làm việc tại Sở Giao thông, làm công chức ở Đà Nẵng, trước hết phải biết làm người tử tế, công chức làm không tốt là người dân có thể phản ánh qua đường dây nóng, chấm điểm cán bộ qua Internet…
Chưa có một thống kê chính thức về việc này, nhưng qua đây cũng chứng tỏ, thành phố Đà Nẵng đã gần như làm mọi biện pháp để cải cách thủ tục hành chính sao cho gọn nhẹ, sao cho đỡ mất thời gian và phục vụ dân tốt hơn. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà trong nhiều năm liền, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính trong nhóm 63 tỉnh, thành phố.
Vùng đất góp phần quyết định tính cách của con người sinh ra ở đó. Và ngược lại, chính con người góp phần hình thành nên bản sắc vùng đất. Và nếu con người ở thành phố đó sống tử tế, những hành động nhỏ, tử tế sẽ cộng hưởng tạo nên một môi trường sống tốt, tạo nên một đô thị tử tế.
Ở Đà Nẵng bãi biển là của người dân |
Cách cư xử của người Đà Nẵng thật sự tử tế. Chúng tôi từng chứng kiến một câu chuyện như sau khi đứng rút tiền tại cây ATM của một ngân hàng trên đường Hùng Vương (Đà Nẵng) vào ngày Chủ nhật. Một du khách nữ bị máy nuốt mất thẻ ATM khi rút tiền, qua cuộc trao đổi điện thoại với người thân, tôi biết rằng chị ấy không còn đủ tiền mặt để thanh toán tiền khách sạn, để mua vé tàu về Hà Nội.
Sau đó chị gọi điện theo số điện thoại của bộ phận phụ trách ATM dán trên máy để trình bày sự việc. Khoảng 20 phút sau, một người đàn ông trung tuổi chạy xe đến mở máy lấy thẻ trả cho vị du khách kia. “Xin lỗi để chị chờ lâu vì tui đang đi đám cưới, chị rút thử tiền xem được chưa, tui đứng chờ”, người đàn ông này nói, giọng đặc sệt Đà Nẵng.
Khỏi phải nói, nữ du khách kia mừng vui ra sao, vì nếu không có sự tử tế của người đàn ông kia thì có lẽ chị phải lưu lại Đà Nẵng thêm một ngày, thay đổi hoàn toàn lịch trình. Đành rằng, người đàn ông kia là cán bộ ngân hàng, nhưng ngày Chủ nhật là ngày nghỉ của người ta và anh ấy bỏ ngang một đám cưới, chạy đến giúp chị…
Nếu không phải một người tốt, anh ấy có đến không khi hoàn toàn có thể nói với vị khách kia rằng ngày mai, thứ Hai đến ngân hàng làm việc theo quy định. Phải chăng, sống ở một môi trường tốt, sự tử tế được nhân lên, từ những điều nhỏ nhất?
Anh Trần Viết Hùng là một công dân Đà Nẵng, làm nghề sửa xe đạp. Hơn 10 năm làm nghề là hơn 10 năm anh luôn sửa xe miễn phí cho các em học sinh, trẻ nhỏ, người già, người tàn tật. Anh bảo, chẳng thể nhớ được là đã giúp đỡ bao nhiêu trường hợp bơm vá xe miễn phí, chỉ nhớ rằng, một tháng chắc cũng khoảng 500 lượt.
Tất nhiên, lòng tốt, sự tử tế không nên đo đếm bằng con số; nhưng nếu nhân con số 500 lượt một tháng với 10 năm thì số lượt thể hiện lòng tốt, sự tử tế của anh Hùng là hàng vạn. Anh Hùng không giàu có, thậm chí gia đình anh còn có tên trong danh sách hộ nghèo, tiền phụng dưỡng mẹ già trông phần nhiều vào gánh bún của vợ. Nghèo là thế nhưng anh suy nghĩ “mình cũng chẳng giàu hơn được bởi những đồng tiền bơm vá từ người nghèo và các em học sinh”.
Với tấm lòng như thế, 10 năm qua anh âm thầm giúp đỡ mọi người bằng công việc lặng lẽ này. Lại phải ngẫm, hóa ra sống ở một môi trường tốt, sự tử tế được nhân lên, từ những điều nhỏ nhất?
Nhiều người nói vui với nhau rằng, “ở Đà Nẵng, quán nhậu nhiều hơn cả”… trụ điện”. Không cổ súy cho rượu bia, nhưng là một thành phố du lịch, những ngành dịch vụ cần phải phát triển. Ở Đà Nẵng, nếu quá chén, sẽ có những dịch vụ đưa khách về nhà.
Sau 2 tháng triển khai thí điểm chương trình hỗ trợ đưa khách say về nhà, một nhà hàng trên đường Phan Chu Trinh của thành phố này đã hỗ trợ gần 1.000 thực khách “quá chén” về nhà, đồng thời giữ xe an toàn cho khách.
Đây là một chương trình do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát động và được triển khai thí điểm ở Đà Nẵng đầu tiên, vào tháng 7-2015. Có nhiều câu hỏi được đặt ra, tại sao không phải là thành phố khác, mà lại ở Đà Nẵng.
Phải chăng vì những điều tử tế đã trở thành thương hiệu, phải chăng một môi trường du lịch an toàn của Đà Nẵng nên những người thực hiện chương trình này đã chọn nơi đây thí điểm. Để khi thành công, sẽ tạo được sự cộng hưởng tích cực với những địa phương khác.
Trong quá trình phát triển, mỗi thành phố sẽ có ít nhiều sự xáo trộn do sự vận động của xã hội, yếu tố lịch sử, đứt gãy văn hóa… để lại. Nếu như Hà Nội đã lâm cảnh “hương đồng gió nội bay đi rất nhiều” mất nhiều bản sắc khi phát triển quá nhanh mà thiếu các giải pháp giữ gìn lại văn hóa truyền thống. Cũng là do sức ép của phát triển.
Người tứ xứ đổ về chốn kinh kỳ; Hà Nội đã không còn giữ được nét thanh lịch vốn có, “những dáng kiều thơm” như trong văn chương mà bây giờ có tìm mỏi mắt cũng khó ra. Thế nên, bây giờ bảo đi tìm sự đặc trưng cho một nét tính cách đô thị của Hà Nội là rất khó. Phải chăng là kẹt xe, là những hàng cây bị bức tử, hay là nạn chửi bậy, thậm chí đái bậy mà báo chí phải đề cập “Báo động nạn “mất dạy” ở Hà Nội”…
Thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy, trước sức ép của việc tăng dân số từ khắp nơi một cách chóng mặt, thành phố này bây giờ cũng đã lẫn lộn vô vàn sắc màu văn hóa của nhiều vùng đất và cũng ít nhiều không còn bình yên.
Nếu nhìn từ góc độ ấy, thời điểm hiện tại, Đà Nẵng là thành phố lớn mang nét cốt cách đô thị rõ ràng nhất. Người Đà Nẵng sống phóng khoáng, nhưng nhịp sống chậm. Bất luận buổi sáng vội vàng thế nào, cũng phải uống với nhau ly cà phê, nói phiếm với nhau dăm ba câu chuyện rồi mới đi làm.
Đã có câu “Người Quảng Nam, Đà Nẵng hay cãi”, nên luôn thể hiện sự phản biện thẳng thắn tại các công sở rất cao. Điều này thể hiện rõ nhất trong các buổi họp Hội đồng nhân dân của thành phố. Có lẽ chẳng ở đâu trên đất nước này, họp Hội đồng nhân dân được sự đón chờ đến thế trên sóng truyền hình.
Vì người dân Đà Nẵng biết, có thể chính những chính sách được quyết định từ sự thẳng thắn trong cuộc họp này sẽ ảnh hưởng trực tiếp, sát sườn đến quyền lợi của họ. Và thành phố này cũng chưa để chuyện dân cư các nơi đổ về thành phố gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển hay làm thay đổi nhiều cốt cách đô thị đã hình thành được.
Người Đà Nẵng sống phóng khoáng nhưng thật thà, tử tế, hay cãi mà lại trực tính, thân thiện… Có thể chính những nét tính cách ấy đã góp phần tạo nên những nét đặc trưng trong quá trình phát triển thành phố Đà Nẵng. Một thành phố trẻ, đẹp, có nét gì đó phóng khoáng, năng động nhưng cũng có ít nhiều trầm tích văn hóa.
Trước ý kiến này, cũng có người nói vì số dân của Đà Nẵng chưa quá đông, số dân các tỉnh “di cư” vào đây cũng chưa quá nhiều so với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nên chưa bị ảnh hưởng quá nhiều.
Điều này có thể đúng, nhưng với các chính sách khuyến khích nhân tài khắp nơi, “chiêu hiền, đãi sĩ” của Đà Nẵng, cộng với môi trường sống yên bình ở Đà Nẵng; những người ở nơi khác đến đây hình như đều văn minh lên ít nhiều. Và ít nhất, đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng vẫn đang làm rất tốt chuyện này.
Trong quá trình phát triển, thành phố nào cũng có ít nhiều “sạn”, Đà Nẵng cũng không phải ngoại lệ. Nhưng chỉ cần nhìn một chiếc xe máy dựng ngoài đường ở Đà Nẵng không phải mang trên mình 2, 3 loại khóa như các thành phố khác, thế là đủ biết bình yên vẫn còn ở nơi đây.
Và chỉ cần nhìn những bình trà đá miễn phí trên các tuyến đường – một biểu tượng của sự tử tế nơi đô thị, ngày qua ngày vẫn yên vị nơi vỉa hè để làm mát lòng biết bao người nghèo trong những ngày nắng cháy chứ không bị tịch thu vì mất an toàn giao thông như ở Hà Nôi. Thế là đủ biết sự tử tế vẫn hiện hữu rất nhiều ở nơi đây.
Chính cách sống văn minh, tử tế của người dân Đà Nẵng, chính những chính sách táo bạo và hướng về người dân của chính quyền nơi đây đã tạo nên một đô thị với rất nhiều điều tử tế.