Friday, December 27, 2024
Trang chủThâm cung bí sửDàn đồng ca chủ nghĩa dân tộc Đại Hán (Phần 8 )

Dàn đồng ca chủ nghĩa dân tộc Đại Hán (Phần 8 )

Các chỉ đạo không được phối hợp từ Ban Tuyên truyền khiến cho nó dễ rơi vào cái gọi là “bẫy cam kết”, hạn chế những khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng. Trong các tình huống khác cũng vậy, Ban Tuyên truyền trở thành đối tượng chỉ trích của quan chức cấp cao thuộc các ban lãnh đạo phụ trách các vấn đề đối ngoại và Đài Loan.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc
Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ

Một chuyên gia theo dõi Ban Lãnh đạo các vấn đề Đài Loan cho hay nhóm này đã chỉ trích Ban Tuyên truyền vì đã chỉ đạo báo chí đăng tải các bài báo phê phán tổng thống Đài Loan lúc đó là Lý Đăng huy – những bài này không được các cơ quan phụ trách chính sách Đài Loan duyệt, nhưng bị xem là thể hiện quan điểm chính thức của chính phủ.

Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước

Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước (SCIO) – cơ quan phụ trách quan hệ công chúng quốc tế của Trung Quốc – được thành lập năm 1990 để quảng bá hình ảnh của Trung Quốc ra thế giới bên ngoài. SCIO quản lý mối quan hệ với các tập đoàn truyền thông nước ngoài, giám sát dịch vụ phát thanh quốc tế, và cố gắng làm thế giới có quan điểm tích cực về Trung Quốc,bên cạnh trách nhiệm quản lý các trang tin Internet. SCIO thường xuyên tổ chức các cuộc họp báo và đào tạo các phát ngôn viên báo chí để họ có khả năng trình bày một cách tự nhiên như con người thực sự chứ không phải như những cái máy tư tưởng. Các quan chức SCIO còn tư vấn cho các nhà lãnh đạo cách thức xuất hiện trước công chúng khi họ ra nước ngoài. Khi tôi gặp lãnh đạo của SCIO Triệu Khải Chính, từng là đồng nghiệp của Giang Trạch Dân ở Thượng Hải, ông tự hào khoe về sự lịch duyệt của Giang khi xuất hiện cùng với Mike Wallace trong chương trình 60 phút.

Bắt đầu từ cuối những năm 1990, SCIO nhận ra rằng sự thêu dệt của truyền thông trong nước đang gây phương hại tới các mối quan hệ của Trung Quốc với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đài Loan. Chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu phản ứng – chẳng hạn Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen than phiền về cách truyền thông Trung Quốc xuyên tạc về Hoa Kỳ trong một bài phát biểu tại Đại học Thanh Hoa năm 2000. Chính phủ Nhật Bản cũng chỉ trích giọng điệu bài Nhật nguy hiểm của truyền thông đại chúng và Internet. Khi tờ Hoàn cầu Thời báo đăng một mẩu tin không đúng với chính sách của nhà nước và công kích các doanh nhân Đài Loan ủng hộ độc lập làm ăn tại Đại lục, mẩu tin này đã được đăng lại trên ấn bản phát hành tại nước ngoài của tờ Nhân dân Nhật báo và gây ra hoảng loạn kinh tế ở Đài Loan.

  SCIO bắt đầu thông báo cho những biên tập viên tin đối ngoại của các cơ quan thông tấn lớn trong nước về những vấn đề đối ngoại và chỉ đạo họ ít dùng ngôn ngữ buộc tội hơn trong các tin bài về Hoa Kỳ, Nhật và Đài Loan. Mặc dù vậy, sau đó Ban Tuyên truyền lại phê phán kịch liệt SCIO đã lạm quyền quản lý nội dung truyền thông trong nước và yêu cầu SCIO chỉ được tập trung vào quan hệ công chúng quốc tế.

Bộ Ngoại giao

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lập website và diễn đàn thảo luận riêng để định hướng công luận ứng xử hợp tình hợp lý, ít cảm tính hơn. Đại sứ Trung Quốc ở các nước, và thậm chí bản thân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lý Triệu Tinh đã tham gia các phiên đối thoại trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của bộ.

 Việc báo chí đăng tải tin bài dày đặc về cuộc chiến ở Iraq đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng và gây khó khăn cho Bộ Ngoại giao trong quan hệ công chúng. Trước khi Hoa Kỳ đổ quân vào Iraq, giới học giả Trung Quốc, được khuyến khích bởi quan điểm không rõ ràng của chính phủ về cuộc chiến, đã soạn ra các thư thỉnh cầu trên mạng về việc ủng hộ hay phản đối chiến tranh. Tuy nhiên, phe phản đối lớn hơn nhiều. Một ngày sau khi Hoa Kỳ tiến quân vào Iraq, 900.000 tin nhắn, chủ yếu là phản đối Hoa Kỳ, được đăng trên một diễn đàn lập riêng cho cuộc chiến phải hủy bỏ một cuộc tuần hành phản đối đã được lên kế hoạch. Sau đó, những người tổ chức biểu tình đã chỉ trích sự thiếu dân chủ và chính sách đối ngoại vô tổ chức của Trung Quốc –  “làm bạn với tất cả các nước miễn là kiếm được tiền”. Chính phủ có vẻ lo sợ các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh quy mô lớn sẽ trở thành phản đối chính phủ. Bộ Ngoại giao lên tiếng thanh minh trên trang tin điện tử của tờ Nhân dân Nhật báo rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc đang làm những việc “hậu trường” quan trọng và tuyên bố rằng những cuộc biểu tình đại chúng thuộc về văn hóa phương Tây và thực ra chẳng thay đổi được gì.

 Các nhà ngoại giao của Bộ đã trở nên hiểu giới truyền thông hơn để vận động sự ủng hộ của công chúng đối với chính sách của họ. Chẳng hạn, khi Thủ tướng Nhật Bản Koizumi thăm một khu tưởng niệm chiến tranh tại ngoại thành Bắc Kinh trong chuyến thăm 2001, một quan chức đã chuyển vòng hoa tới gần tượng đài để các phóng viên ảnh có thể chụp được cảnh Koizumi đang cúi mình. “Hàng triệu người Trung Quốc đã thấy được cảnh Koizumi cúi mình trước tượng đài của người lính Trung Quốc vĩ đại tại cầu Marco Polo. Đây là một hình ảnh đầy sức thuyết phục”.

Thông điệp mềm mỏng hơn

Cạnh tranh giành giật khán giả khiến các cơ quan truyền thông tập trung vào những câu chuyện thú vị và lôi cuốn. Giống như nhà báo ở những nước khác, các nhà báo Trung Quốc thích viết về xung đột và chiến tranh. Một nhà sản xuất truyền hình nói: “Các chương trình tin tức thu hút được nhiều khán giả hơn khi có khủng hoảng, vì thế truyền thông thích nhất là khủng hoảng”. Thậm chí chỉ những phát ngôn hay động thái không mấy quan trọng của Đài Loan, Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng thu hút khán giả, vì người ta đặc biệt quan tâm đến những mối quan hệ dễ căng thẳng này. Và khi truyền thông đưa tin, chính phủ phải phản ứng.

Chẳng hạn khi Tổng thống Bush rõ ràng là nhỡ miệng nói “Cộng hòa Đài Loan”, ám chỉ việc công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, người phát ngôn của chính phủ Trung Quốc phải chỉ trích phát ngôn của Tổng thống Bush như thể ông thực sự nói vậy. Đề cập đến chuyện này, một giáo sư ngành báo chí chia sẻ: “Tin bài về Đài Loan, đặc biệt liên quan đến Đài Loan và Hoa Kỳ, bán rất chạy. Chính phủ giờ đây không thể làm ngơ trước bất cứ lỗi nào của Hoa Kỳ về Đài Loan vì công chúng sẽ coi đó là sự miễn cưỡng chấp nhận, vì thế người phát ngôn của chính phủ phải đáp lại”.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới