Sau khi trấn an, “vuốt ve” dư luận tại Diễn đàn Hương Sơn rằng, Trung Quốc “sẽ không bao giờ liều lĩnh sử dụng vũ lực, ngay cả trong vấn đề chủ quyền và đã làm hết sức để tránh xung đột bất ngờ”, Bắc Kinh lại nhanh chóng quay ngoắt 180 độ và giở giọng lộng ngôn, đại bá với thế giới về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” với “chủ quyền lịch sử” của họ với Biển Đông.
Biếm họa về “lưỡi bò” liếm trọn Biển Đông, bóp chết hòa bình của Trung Quốc
Điều đó thể hiện rõ nhất qua phát ngôn liên quan đến Biển Đông của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 20/10 và trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với hãng thông tấn Reutres trước khi lên đường công du nước Anh.
Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, Trung Quốc không cần củng cố tuyên bố chủ quyền thông qua xây dựng 2 ngọn hải đăng ở bãi đá Châu Viên và Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), đơn giản vì Bắc Kinh có cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam – PV) và vùng biển phụ cận!?
Bà Hoa Xuân Oánh còn khẳng định rằng, Trung Quốc xây dựng các công trình dân sự và công ích quốc tế trên lãnh thổ của mình, nhằm phục vụ tốt hơn cho các nước ven bờ Biển Đông và tàu thuyền của các nước đi qua vùng biển này, căn bản không tồn tại vấn đề “thay đổi hiện trạng”.
Đây là trả lời của bà Hoa đối với câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Trung Quốc với thông tin Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố cho biết: Philippines kịch liệt phản đối Trung Quốc xây dựng và đưa vào sử dụng 2 ngọn hải đăng trên bãi Đá Châu Viên và Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), đồng thời cho rằng những động thái này hiển nhiên cho thấy Trung Quốc muốn thay đổi hiện trạng các đảo và bãi đá, nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Nếu như bà Hoa nói thì có lẽ Trung Quốc đã đến lúc tự do hành động ở Biển Đông mà không cần phải giấu giếm, e ngại bất cứ ai, bất cứ nước nào chỉ trích nữa. Hay nói cách khác, đã qua rồi cái thời Trung Quốc “giấu mình, chờ thời”!
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lộng ngôn, lãnh đạo Trung Quốc còn lộng ngôn, đại bá hơn nhiều.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Trước khi lên đường công du nước Anh, ông Tập Cận Bình cũng có trả lời bằng văn bản các câu hỏi phỏng vấn của Reuters về một số vấn đề, trong đó có Biển Đông. Được biết, cũng như WSJ, câu hỏi của Reuters cũng phải gửi đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc, được Bộ này rà soát và trả lời trước khi ông Tập “sửa đổi và xem xét”.
Và trả lời của ông Tập với Reuters nhìn chung cũng chẳng khác là mấy so với những gì ông đã trả lời với tờ Wall Street Journal (WSJ) trước khi thăm chính thức Mỹ cách đây không lâu.
Vẫn là những lời lẽ ngụy biện về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” để biện minh, giải thích cho các hành động, chính sách đang bị cả thế giới chỉ trích, lên án của Trung Quốc ở Biển Đông.
Vẫn là những lời lẽ xảo trá về cái gọi là “nỗ lực” của Trung Quốc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, trong khi Bắc Kinh là bên vi phạm nhiều nhất các cam kết với ASEAN và láng giềng từ Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), đến Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đồng thời là bên bị cộng đồng quốc tế thúc ép nhiều nhất khi Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mãi chưa thể ra mắt.
Câu hỏi của Reutres được trích nguyên văn là: “Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán trong việc thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông. Điều đó gây quan ngại cho các nước láng giềng của Trung Quốc và nước Anh cũng vậy. Trong khi đó, Trung Quốc lại nói sẽ không theo đuổi bá quyền và kiên định gắn bó với con đường phát triển hòa bình. Vậy ông có hiểu tại sao rất nhiều láng giềng của Trung Quốc nghi ngờ những tuyên bố này? Ông phản ứng thế nào trước những cáo buộc rằng các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông có thể làm tình hình an ninh trong khu vực xấu đi? Mục đích cuối cùng của Trung Quốc với các hành động hiện tại của Trung Quốc ở Biển Đông là gì?”.
Nguyên văn trả lời của ông Tập Cận Bình được Reuters trích lại như sau:
“Những hòn đảo và rạn san hô ở Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại mà tổ tiên chúng tôi đã để lại cho chúng tôi. Nhân dân Trung Quốc sẽ không cho phép bất cứ ai xâm phạm chủ quyền và quyền liên quan, lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông. Những hành động mà Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông và phản ứng chính đáng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.
Bành trướng là sự áp áp đặt yêu sách đối với các vùng đất bên ngoài lãnh thổ của mình. Còn Trung Quốc chưa bao giờ làm bất cứ điều gì như thế, nên những nghi ngờ và cáo buộc như vậy là không có cơ sở.
Với sự nỗ lực chung của tất cả các bên, tình hình ở Biển Đông gần như hoàn toàn ổn định. Biển Đông cung cấp các tuyến đường thủy quan trọng cho sự trao đổi thương mại quốc tế của Trung Quốc. Trung Quốc cần hòa bình, an ninh và sự ổn định ở Biển Đông hơn bất cứ quốc gia nào. Trung Quốc không muốn có bất kỳ sự nhiễu loạn nào ở đây, cũng không muốn trở thành bên khuấy động sự hỗn loạn.
Chúng tôi đang làm việc chăm chỉ để đưa ra tham vấn về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong khuôn khổ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông. Trung Quốc sẽ tiếp tục làm việc với các quốc gia láng giềng ở Biển Đông để quản lý các tranh chấp thông qua đối thoại được thể chế hóa, giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn, chủ động tìm kiếm các kết quả cùng có lợi thông qua hợp tác và phát triển chung, bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chúng tôi sẽ cùng nhau cố gắng để biến Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Và những nỗ lực của các nước trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông xứng đáng được tôn trọng hơn”.
Phần hỏi – đáp trên cho thấy Reuters quả thật không hổ là một hãng thông tấn lớn của thế giới khi thẳng thắn “xoáy” vào những vấn đề mà thế giới đang quan ngại nhất về Trung Quốc. Tuy nhiên, trả lời của ông Tập thì lại không hề cho thấy “tầm” của một lãnh đạo một cường quốc lớn về lãnh thổ, áp đảo về dân số, mạnh về kinh tế như Trung Quốc.
Lập luận của ông Tập rõ ràng thể hiện rõ tư duy đại bá – vốn không nên tồn tại trong đầu một lãnh đạo hàng đầu của một quốc gia luôn ra rả về đường lối phát triển hòa bình và đang cố gắng chen chân vào hàng ngũ những cường quốctoàn cầu. Ông Tập Cận Bình và lãnh đạo Trung Quốc nên nhớ, trong một thế giới lấy thước đo văn minh là sự tuân thủ luật pháp và cam kết, điều ước quốc tế, một đất nước cho dù là lớn về lãnh thổ, áp đảo về dân số, mạnh về kinh tế cũng sẽ không bao giờ có thể được coi là lớn thực sự, nếu ỷ mạnh, hiếp yếu; viết lại lịch sử theo ý đồ cá nhân và tự phiên dịch luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho bản thân.