Theo nhận định của ông Richard Fontaine, Chủ tịch Trung tâm An ninh Mỹ, phản ứng của quốc tế đối với hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông không nên dừng lại ở việc thực thi tự do hàng hải.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter
Khi viết trên tờ The Wall Street Journal, ông Richard Fontaine cho rằng, hành động quân sự hóa các đảo nhân tạocho thấy, Trung Quốc có mưu đồ mở rộng sức mạnh quân sự và tăng cường khả năng tác chiến xa bờ. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris từng quan ngại về việc Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo để triển khai máy bay chiến đấu, tàu chiến, radar và cơ sở phục vụ chiến tranh điện tử.
Tuần tra lấy lệ?
Ngày 24/10, Hãng Reuters đưa tin, Mỹ có kế hoạch điều tàu chiến hoặc máy bay quân sự tuần tra bảo vệ tự do, an ninh hàng không, hàng hải trên vùng biển, vùng trời quốc tế xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, với phạm vi 12 hải lý trong vòng một vài ngày. Và động thái này có thể khiến căng thẳng và đối đầu Trung – Mỹ gia tăng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính việc không thể tuần tra thường xuyên đảm bảo tự do, an ninh hàng không, hàng hải ở Biển Đông của Mỹ đã tạo điều kiện để Trung Quốc thọc sâu vào vùng biển Đông Nam Á và Bắc Kinh có thể chống lại nỗ lực thực hiện tuyên bố mà Washington vừa đưa ra. Bởi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner vừa tuyên bố với giới báo chí, theo đó Mỹ có ý định tuần tra “khu vực 12 hải lý”.
Học giả Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore cho rằng, Mỹ phải tiến hành các hoạt động tuần tra một cách thường xuyên để củng cố thông điệp của mình, chứ không phải làm lấy lệ rồi thôi. Học giả Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh đến từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế cũng tin rằng, Mỹ sẽ tuần tra thường xuyên “khu vực 12 hải lý” và Trung Quốc sẽ phải cẩn trọng khi quyết định can thiệp vào hoạt động tuần tra của Washington.
Theo các chuyên gia, để giành chiến thắng trước Trung Quốc, Mỹ phải có khả năng đánh bại chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2AD) của Bắc Kinh. Một số người cho rằng, cách hiệu quả nhất để phá chiến lược A2AD là sử dụng chiến tranh thông tin, tác chiến điện tử để vô hiệu hóa những hệ thống vũ khí phòng thủ của Trung Quốc, đặc biệt là các hệ thống vệ tinh, trinh sát, dẫn đường và liên lạc.
Giới chuyên môn khuyến cáo, tàu sân bay Mỹ có nguy cơ xếp xó vì tên lửa Trung Quốc. Bởi tên lửa diệt hạm DF-21D có tầm bắn 1.500km, trong khi tàu sân bay Mỹ phải áp sát bờ biển ở khoảng cách ít nhất 800km mới có thể tấn công. Trong báo cáo về “Những chương trình quốc phòng lãng phí nhất của Mỹ”, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain từng khuyến cáo, Washington phải ngừng chương trình đóng tàu sân bay, bởi chi phí chế tạo và vận hành của quá cao (chế tạo tàu sân bay lớp Ford hết 12,9 tỉ USD, cùng chi phí hoạt động, bảo dưỡng khoảng 400 triệu USD/năm), trong khi những quả tên lửa giá rẻ của Trung Quốc (chế tạo 1 tên lửa DF-21D từ 5-11 triệu USD) có thể biến chúng thành đống sắt vụn.
Giới quân sự cho rằng, Hải quân Mỹ cần đầu tư phát triển những dòng máy bay không người lái trên tàu sân bay để có thể tấn công các mục tiêu từ khoảng cách 1.500km, nếu không những chiếc tàu sân bay hiện đại của Lầu Năm Góc sẽ chỉ là những khoản đầu tư thua lỗ, thậm chí có thể dẫn tới thảm họa.
Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ John Richardson ở Hawaii ngày 13/10 |
Mỹ sẽ bị đẩy ra khỏi Đông Nam Á vào năm 2020?
Khi bình luận trên trang National Interest hôm 22/10, học giả Malcolm Davis đã kêu gọi các nước châu Á sẵn sàng ứng phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ về quân sự, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách nhanh chóng với Mỹ và có thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở Đông Nam Á vào năm 2020.
Nhận định kể trên của học giả Malcolm Davis được đưa ra sau khi nghiên cứu cuốn “Sức mạnh quân sự Trung Quốc: Đánh giá khả năng hiện tại và tương lai”. Theo đó, quân đội Trung Quốc có thể đuổi kịp hoặc vượt qua quân đội Mỹ và các nước phương Tây trong một số lĩnh vực vào năm 2020.
Cũng theo cuốn “Sức mạnh quân sự Trung Quốc: Đánh giá khả năng hiện tại và tương lai”, chuyên gia Roger Cliff thuộc Tổ chức tư vấn RAND Corp cho rằng, quân đội Trung Quốc đang trải qua quá trình phát triển mạnh mẽ và có thể đọ sức với Mỹ và phương Tây chỉ trong vài năm tới. Bên cạnh đó là sự quyết đoán và tự tin hơn tại những nơi Bắc Kinh hiện diện, cùng tốc độ hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc hiện nhanh hơn so với Mỹ. Và điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc đuổi kịp Mỹ, Đông Nam Á có thể trở thành nơi Trung Quốc có thể kiểm soát một vùng biển và một vùng trời ở mức nào đó. Và khi đó, mọi nỗ lực ngăn Bắc Kinh sử dụng vũ lực độc chiếm Biển Đông đều nguy hiểm và tốn kém đối với mọi quốc gia, kể cả Mỹ.
Ngày 24/10, tờ Tin tức Trung Quốc dẫn lời quan chức Hải quân Mỹ cho biết, Washington có kế hoạch triển khai tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ mới vào năm 2044. Từ năm 2024, Hải quân Mỹ có kế hoạch triển khai phân tích khả năng thay thế đối với thiết kế của tàu ngầm kiểu mới, năm 2034 bắt đầu chế tạo. Và chiếc cuối cùng của 48 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia sẽ bàn giao vào năm 2034, để bắt đầu chế tạo tàu ngầm kiểu mới. Được biết, tàu ngầm USS North Dakota lớp Virginia đã trở về sau khi thực hiện “nhiệm vụ bí mật”.
Biển Đông là của mọi người
Ngày 22/10, khi trả lời phỏng vấn trang tin quân sự Defense News, Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ đã khẳng định, Biển Đông là biển quốc tế chứ không của riêng ai, đồng thời phản bác lại tuyên bố ngang ngược trước đó của Đô đốc Hải quân Trung Quốc Viên Dự Bái, Chỉ huy Hạm đội Bắc Hải cho rằng “Biển Đông là của Trung Quốc”.
Tuy không đề cập chi tiết kế hoạch Washington sắp triển khai tàu đi vào “khu vực 12 hải lý”, nhưng Tư lệnh Hải quân Mỹ cũng nhấn mạnh, Lầu Năm Góc sẵn sàng vận chuyển cũng như đi lại ở các vùng biển quốc tế và tuân theo các quy tắc quốc tế. Trước đó (15/10), Đô đốc John Richardson từng phản bác cáo buộc của Trung Quốc cho rằng, Mỹ đang “đổ thêm dầu vào lửa” ở Biển Đông.
Tên lửa DF-21D của Trung Quốc |
Học giả Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) khuyến cáo, không ai muốn Trung Quốc đơn phương áp đặt một khu vực cấm đi lại và kiểm soát vùng biển không phải của mình.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng cho biết, Washington có kế hoạch điều tàu hải quân vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý đối với các đảo nhân tạo do Trung Quốc mới bồi đắp phi pháp trên Biển Đông; đồng thời cảnh báo Bắc Kinh đang quân sự hóa các cơ sở tại đây. Theo thống kê, Trung Quốc đã bồi đắp các bãi đá chìm thành các đảo nhân tạo nổi trên mặt nước với tổng diện tích hơn 12.000km2.
Lặng lẽ thử nghiệm
Ngày 22/10, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn nhận định của Trung tá không quân Mỹ nghỉ hưu Kent Johnson, theo đó Trung Quốc đã lặng lẽ thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới có tên gọi Đông Phong-41, lắp 2 đầu đạn mô phỏng. Và nếu không hành động để nhanh chóng xoay chuyển tình thế, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong lĩnh vực này, từ đó làm thay đổi “luật chơi” tại một số khu vực trong và ngoài khu vực, cũng như trên thế giới.
Ngày 23/10, tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết, Trung Quốc sẽ triển khai 2 tàu sân bay nội địa đầu tiên tới đảo Hải Nam, và Biển Đông nếu cần, sau khi được hoàn thành. Theo giới quân sự, đóng tàu sân bay là một phần quan trọng của tham vọng tăng cường tiềm lực hải quân để bảo vệ lợi ích ở nước ngoài và đối trọng với Mỹ trên biển của Trung Quốc.
Ngày 23/10, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, sự can thiệp của nhiều thế lực đang khiến cho vấn đề Biển Đông ngày càng phức tạp, nhất là trong bối cảnh Mỹ thúc đẩy tuần tra Biển Đông sẽ làm cho tình hình khu vực tiến gần hơn tới “giới hạn đỏ” nguy hiểm. Thời báo Hoàn Cầu dẫn thông tin của tờ The Japan Times cho rằng, cùng với việc Mỹ triển khai hành động tuần tra ở Biển Đông, Nhật Bản sẽ đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề này.
Theo nhận định của chuyên gia Zack Cooper đến từ Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế Nhật Bản cho rằng, sự lo ngại của Tokyo có 2 cấp độ – mối đe dọa ổn định khu vực và Trung Quốc áp dụng hành động hung hăng hăm dọa. Đồng thời nhận định, khả năng Nhật Bản tham gia kế hoạch tuần tra Biển Đông là rất lớn, nhưng Tokyo đều cân nhắc kỹ trước khi động thủ. Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu chính sách quốc phòng Corey Wallace thuộc Viện Nghiên cứu Đông Á của Đại học tự do Berlin, Đức cho rằng, Tokyo cần chiếm vị trí chủ đạo trong vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông; đồng thời tiếp tục quan tâm đến đại dương và xây dựng sức mạnh quân sự.
Ngày 23/10, tờ Vượng báo đặt câu hỏi, Trung – Mỹ đang phân cao thấp ở Biển Đông, Đài Loan phải xử lý thế nào? Và theo Cục trưởng An ninh Đài Loan Dương Quốc Cường, Đài Loan vừa phải thân với Mỹ, vừa cần hòa với Trung Quốc và không nên bày tỏ lập trường trong vấn đề Biển Đông vào thời điểm này. Theo nhận định của ông Lyle Goldstein, Giáo sư Học viện Hải quân Mỹ, Trung Quốc định dùng thủy lôi phong tỏa hoàn toàn Đài Loan trong trường hợp tấn công hòn đảo này, khiến Mỹ không thể ứng cứu cho “tàu sân bay không bao giờ chìm”. Giáo sư Lyle Goldstein cho rằng, chỉ trong 4-6 ngày, Trung Quốc có thể rải 5.000-7.000 thủy lôi xung quanh Đài Loan. |