Trong một bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy (Mỹ) hôm 30/10 vừa qua, cây viết chính trị David Rothkopf đã chỉ trích đường lối đối ngoại hời hợt của chính phủ ông Obama.
Ảnh: Foreign Policy
“Vladimir Putin đã ra lệnh điều động đặc nhiệm Mỹ tới tham chiến tại Syria”. Đây rõ ràng không phải những gì phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest đã nói trong cuộc họp báo hôm thứ sáu (30/10) vừa qua để đưa ra tuyên bố chính thức về việc Washington sẽ đem quân bộ tới Syria để huấn luyện và hỗ trợ lực lượng nổi dậy tại đây.
Nhưng theo nhà báo Rothkopf, nếu xét trên diện rộng, thì nói như vậy cũng chẳng sai. Đơn giản vì nếu Tổng thống Nga không “ra tay” trước tại Syria, Mỹ cũng sẽ không có lý do để đẩy mạnh hỗ trợ các lực lượng chống IS cũng như phe nổi dậy.
Theo ông Rothkopf, trong suốt 3 năm qua, đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của Barack Obama đã không tài nào thuyết phục nổi Tổng thống Mỹ hành động một cách quyết đoán hơn để chấm dứt những cuộc chiến dai dẳng tại Syria.
Sự chần chừ này đã góp phần mở đường cho sự nổi lên của những phần tử cực đoan nguy hiểm nhất trên thế giới, cũng như gây ra vấn nạn nhập cư đang khiến cả châu Âu phải “vò đầu bứt tai”.
Nhưng nay, với động thái mới đây của Mỹ, sẽ không ngoa khi nói rằng tiếng nói của một Putin ngồi trong điện Kremlin ở nửa bên kia Trái đất còn “nặng kí” hơn nhiều so với những Hillary Clinton, Bob Gates, Leon Panetta, hay David Petraeus ngồi ngay bên cạnh Obama.
Quá muộn, quá hời hợt?
Dù đã tuyên bố mục đích của việc điều động đặc nhiệm tới Syria là chống lại IS, nhưng theo ông Rothkopf, nước cờ của ông Obama mang màu sắc chính trị nhiều hơn, vì vỏn vẹn 50 lính đặc nhiệm rõ ràng không thể giúp Washington thực hiện một ý đồ quân sự nào cụ thể.
Với dư luận trong nước, động thái này sẽ giúp Tổng thống Mỹ phần nào xóa đi hình ảnh một Washington chỉ biết ngồi không để Nga lấy thế chủ động tại Syria, đồng thời khỏa lấp một sự thật đáng buồn rằng các biện pháp huấn luyện lực lượng nổi dậy của Mỹ đến nay đã thất bại thảm hại.
Còn trên trường quốc tế, làm như vậy sẽ cải thiện độ tin cậy của các bên đối với vai trò của Mỹ trong đàm phán quyết định tương lai của Syria. Nó cũng có tác dụng như một lời nhắc nhở cho Nga rằng Moscow nên hợp tác đi đến mục đích chung nếu không muốn phức tạp hóa tình hình.
Theo ông Rothkopf, quyết định của Nhà Trắng là tương đối khôn ngoan, nhưng rất tiếc, nó đến quá muộn và chưa đủ.
Chỉ biết phản xạ
“Trong đối ngoại, đôi lúc phản ứng một cách khôn ngoan là cần thiết. Cũng như trên sân khấu, diễn xuất được đánh giá cao nhất là diễn xuất tự nhiên, nhanh nhạy, phản ứng theo bạn diễn của mình mà không tạo cảm giác khô cứng.
Nhưng trên trường quốc tế, chỉ phản ứng không thôi là chưa đủ. Một nhà lãnh đạo phải biết cách dẫn đầu. Họ phải biết chủ động và không ngại rủi ro” – nhà báo Rothkopf viết.
Theo ông, đó là lý do tại sao Putin đang gặt hái rất nhiều thành công trên phương diện địa chính trị vì Tổng thống Nga không chỉ “phản ứng” mà sẵn sàng “chủ động”.
Liệu canh bạc của Putin tại Syria có thành công như ông muốn hay không thì vẫn phải đợi “hồi sau sẽ rõ”, nhưng rõ ràng Tổng thống Nga đang tận dụng rất hiệu quả sự bị động của Mỹ để giành thế chủ động, đúng như kiểu mẫu lãnh đạo ông Rothkopf đánh giá cao.
“Nhưng trên trường quốc tế, chỉ phản ứng không thôi là chưa đủ. Một nhà lãnh đạo phải biết cách dẫn đầu. Họ phải biết chủ động và không ngại rủi ro” -David Rothkopf
Khi Mỹ vẫn đợi “bạn diễn” Nga để rồi phản ứng theo, thì Moscow đã giành quyền kiểm soát nơi họ có thể, gây áp lực nơi họ có thể, và mở rộng tầm ảnh hưởng nơi họ có thể. Đến khi Mỹ chịu “phản ứng” nghĩa là họ đã tự đặt mình vào thế bị động rồi.
Tạm rời khỏi Trung Đông để nhìn sang Biển Đông, nơi mà theo ông Rothkopf, Trung Quốc cũng đang tận dụng sự hời hợt của Mỹ tại một điểm nóng trên thế giới để thực hiện các hành vi bành trướng phi pháp của mình và trục lợi.
Mùa hè vừa qua, Mỹ đã nhận ra mình cần mạnh tay hơn trên vùng biển nơi hàng trăm nghìn tỉ USD giá trị thương mại đi qua mỗi năm, và đã điều máy bay (P-8A Poseidon) và mới đây là tàu khu trục (USS Lassen) để thách thức tuyên bố chủ quyền sai trái của Trung Quốc.
Nhưng dù những động thái này của Mỹ có đáng hoan nghênh đến mức nào, thì cũng phải nói rằng Washington làm được như vậy chỉ sau khi Trung Quốc đã bồi đắp một “Vạn Lý Trường Thành bằng cát”, đã xây 3 đường băng cùng hàng loạt những động thái quân sự hóa khác trên Biển Đông.
“Trên sân khấu, diễn xuất là phản ứng theo bạn diễn, nhưng trong đối ngoại, phản ứng không thôi là chưa đủ, nhất là đối với các lãnh đạo. Đôi lúc, anh phải biết rằng mình muốn gì và phải sẵn sàng thu hết can đảm để chủ động đánh đòn phủ đầu” – ông Rothkopf kết luận.