Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngCuộc đối đầu khiến hội nghị quốc phòng ASEAN hủy tuyên bố...

Cuộc đối đầu khiến hội nghị quốc phòng ASEAN hủy tuyên bố chung

Việc các bộ trưởng quốc phòng ASEAN không ra được tuyên bố chung sau hội nghị phản ánh sự chia rẽ trong khối do hành động của Trung Quốc trên Biển Đông gây ra.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và 8 đối tác (ADMM+) diễn ra từ ngày 3 đến 5/11 tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia đã lần đầu tiên trong lịch sử không ra được bản tuyên bố chung vì những bất đồng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến việc đưa vấn đề Biển Đông vào bản tuyên bố, Reuters đưa tin.

Tờ Stars and Stripes của Mỹ dẫn lời các quan chức giấu tên của nước này cho biết Trung Quốc đã “thành công trong việc gây sức ép với một số thành viên ASEAN giữ im lặng” về hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay khác với các buổi họp báo chung truyền thống sau mỗi hội nghị ADMM+, buổi họp báo năm nay sẽ chỉ có duy nhất nước chủ nhà Malaysia tổ chức. Malaysia sẽ ra một bản tuyên bố riêng về hội nghị này với tư cách là chủ tịch ASEAN, nhưng hiện chưa rõ vấn đề Biển Đông có được đề cập đến trong bản tuyên bố này hay không.

Đối đầu trong hội nghị

Hồi đầu tuần, các quan chức ngoại giao cho biết Mỹ và Nhật Bản đã tìm cách đưa vấn đề Trung Quốc bồi đắp trái phép và quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông vào tuyên bố chung của hội nghị ADMM+. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tàu chiến USS Lassen của Mỹ vừa hoàn thành chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải vào phạm vi 12 hải lý quanh đá Subi, nơi Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo.

Ngay từ hồi tháng hai, Bắc Kinh đã tuyên bố rõ rằng họ không muốn vấn đề Biển Đông được thảo luận trong hội nghị diễn ra ở Malaysia, một quan chức quốc phòng cấp cao khác của Mỹ cho biết. Tuy nhiên, khi hội nghị diễn ra, nước chủ nhà Malaysia đã đồng ý đưa những từ ngữ có đề cập đến Biển Đông vào bản tuyên bố cuối cùng, theo tiết lộ của một quan chức quốc phòng Philippines tháp tùng bộ trưởng quốc phòng nước này.

Quan chức trên từ chối nói rõ về những từ ngữ được đề cập trong bản dự thảo tuyên bố chung, và cho biết Philippines đã thể hiện sự “hài lòng với việc đề cập này”. “Điều đó còn tốt hơn là không có gì trong văn kiện, nhưng tất nhiên chúng tôi có thể đạt được một tuyên bố còn hay hơn”, quan chức này nói.

Trong một bản bình luận bị phát nhầm cho báo chí, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishamuddin Hussein nói rằng ASEAN tìm kiếm một “giải pháp hòa bình cho các tranh chấp” ở Biển Đông, và “phải tránh các cuộc đụng độ trên biển và trên không bằng mọi giá”. Văn bản này sau đó đã được phía Malayasia thu hồi, theo Reuters.

Trong cuộc gặp mặt với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ tiếp tục đưa tàu chiến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải gần những đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc bồi đắp trên Biển Đông.

Đáp lại, ông Thường nói rằng Trung Quốc có những “ranh giới” trên Biển Đông mà nếu Mỹ vượt qua, Bắc Kinh sẽ có hành động để “bảo vệ”. “Người dân và quân đội Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ hành động xâm phạm ‘chủ quyền’ và lợi ích liên quan nào”, ông Thường nói.

Các quan chức quân sự Mỹ cho biết tuyên bố này của ông Thường sẽ không phải là thứ răn đe Mỹ thực hiện hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông trong tương lai, theo AFP.

cuoc-doi-dau-khien-hoi-nghi-quoc-phong-asean-huy-tuyen-bo-chung-1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (phải) bắt tay tướng Thường Vạn Toàn. Ảnh: NavyTimes

Vận động hành lang

Phát biểu sau khi Malaysia thông báo về việc không ra bản tuyên bố chung của hội nghị, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ khẳng định rằng chính Trung Quốc đã vận động hành lang một số nước Đông Nam Á không chấp nhận bất cứ từ ngữ nào liên quan đến Biển Đông trong văn kiện.

“Nguyên nhân là vì Trung Quốc đã vận động hành lang để loại bỏ bất cứ yếu tố nào có đề cập đến vấn đề Biển Đông trong bản tuyên bố chung cuối cùng”, quan chức giấu tên này cho hay.

“Đây là quyết định của ASEAN, nhưng quan điểm của chúng tôi là thà không có tuyên bố nào còn hơn là ra một tuyên bố né tránh những vấn đề quan trọng như hoạt động bồi đắp và quân sự hóa đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông”, quan chức này nhấn mạnh.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc áp dụng chiến thuật vận động hành lang để gây sức ép buộc một hội nghị cấp cao của ASEAN rơi vào bế tắc và không ra được tuyên bố chung.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia vào tháng 7/2012 cũng đã lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của khối không ra được bản tuyên bố chung vì những bất đồng liên quan đến vấn đề Biển Đông. Theo các quan chức ngoại giao, Trung Quốc đã gây sức ép và vận động nước chủ nhà Campuchia bác bỏ bất cứ đề xuất đưa vấn đề Biển Đông nào vào dự thảo tuyên bố chung.

Trong hội nghị ADMM+ lần này, các quan chức quốc phòng Mỹ cho hay một số nước ASEAN “cảm thấy không phù hợp” khi đề cập đến vấn đề Biển Đông trong một tuyên bố chính thức.

“Điều này phản ánh sự chia rẽ mà hoạt động bồi đắp và quân sự hóa đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông gây ra cho khu vực”, quan chức này nhấn mạnh.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lại đổ lỗi cho “một số nước nhất định” bên ngoài Đông Nam Á đã khiến hội nghị ADMM+ không ra được tuyên bố chung.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng các nước này “tìm cách gây sức ép đưa những nội dung không liên quan vào bản tuyên bố chung”, và rằng việc hội nghị lâm vào bế tắc hoàn toàn là “lỗi của những nước đó”.

Hội nghị ADMM+ với sự tham gia của bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN và 8 đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ được tổ chức từ năm 2006 đến nay là một trong những nền tảng quan trọng để thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trước khi hội nghị diễn ra, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishamuddin đã đề cao vị thế và vai trò của khối ASEAN trong đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực. Ông cho rằng sự tham gia của 10 quốc gia cùng với các cường quốc khác sẽ “tạo nên điều khác biệt”, và sự xuất hiện của các nước lớn ngoài ASEAN sẽ “không tạo ra tình thế đối đầu làm gia tăng căng thẳng và phức tạp trên Biển Đông”.

RELATED ARTICLES

Tin mới