Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngHi vọng luật pháp sẽ trở lại Biển Đông

Hi vọng luật pháp sẽ trở lại Biển Đông

Hai ngày sau chuyến đi vào khu vực bãi cạn Su Bi của khu trục hạm Mỹ USS Lassen hôm 27-10, tình hình Biển Đông hầu như yên tĩnh cả ở Bắc Kinh lẫn ở Washignton.

Các cuộc họp báo ở hai bộ ngoại giao hai nước liên quan đã không diễn ra trong bầu không khí căng thẳng hay với ngôn từ đe dọa. Phát ngôn viên bộ ngoại giao hai bên đều đã tỏ ra rất tự kiềm chế.

Ngay sau khi chiếc USS Lassen đi vào khu vực bãi Su Bi mà dư luận thường tình dễ cho là “dầu sôi lửa bỏng”, phát ngôn viên Lục Khảng (Lu Kang) đã chủ trì cuộc họp báo thường nhật hôm đó một cách điềm tĩnh.

Ở câu hỏi đầu tiên, khi được yêu cầu bình luận vụ tàu Mỹ mới xảy ra, phát ngôn viên này trả lời: “Các cơ quan liên quan của phía Trung Quốc giám sát, theo dõi và cảnh báo các tàu chiến Hoa Kỳ… Nhân đây, phía Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng và phản đối mạnh mẽ”. Một phản ứng quả là nhẹ nhàng.

Ngay sau đó, phát ngôn viên này nhắc lại giải thích quen thuộc “việc xây dựng đó… không nhắm hay tác động bất cứ nước nào, và sẽ không gây bất cứ tác động nào đến quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông mà mọi quốc gia đều có quyền chiếu theo luật pháp quốc tế”.

Phản ứng đầu tiên “nhẹ nhàng” này của phát ngôn viên Lục Khảng không khó hiểu: muốn hay không muốn, Bắc Kinh cũng không thể phủ định rằng việc tàu Mỹ đi vào khu vực bãi Su Bi là đúng theo công ước Luật biển UNCLOS: đảo nhân tạo, cơ sở và công trình kiến trúc không có quy chế hải đảo. Chúng không có lãnh hải riêng, và sự hiện diện của chúng không ảnh hưởng đến việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa.

Các công trình nhân tạo và các bãi cạn lúc nổi lúc chìm ngoài biển, cách xa đất liền hay một đảo tự nhiên khác ở một khoảng cách trên 12 hải lý đều chỉ có vùng an toàn bán kính tối đa 500m (Điều 60, Công ước LHQ Luật biển).

Tất nhiên, sau đó phát ngôn viên Lục Khảng cũng đưa ra phát biểu mạnh mẽ quen thuộc: “… (Trung Quốc) kiên quyết chống lại sự phương hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc gây ra bởi bất cứ nước nào dưới chiêu bài tự do hàng hải và tự do bay ngang qua… Phía Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp trả với bất kỳ hành động khiêu khích có chủ ý của bất cứ nước nào”.

Để rồi nhắc lại thái độ của Trung Quốc trong tình huống này là: “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ những gì đang xảy ra ở các vùng biển và không phận có liên quan và thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết khi cần thiết”. Chỉ “theo dõi chặt chẽ” thôi và sẽ phản ứng khác nữa “khi cần thiết”!

Trong cuộc họp báo hôm sau (28-10) ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vụ việc này đã không được nêu ra đầu tiên mà chỉ là câu hỏi thứ hai, tiếp sau câu hỏi thứ nhất là đáp ứng của Trung Quốc trước các cuộc động đất ở Afghanistan và Pakistan hôm 26-10 – một câu hỏi trễ những hai ngày so với thời sự! Thứ tự hỏi/đáp đó cho thấy một tình hình đang được làm dịu.

Tương tự, cuộc họp báo cùng ngày song diễn ra sau đó gần nửa ngày (do chênh lệch múi giờ) ở Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không đặt vụ việc này làm trọng tâm. Các câu hỏi về vụ này đã chỉ được đặt ra sau một loạt hỏi đáp về các vấn đề Nepal, Syria, IS, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Afghanistan, Venezuela, hòa bình Trung Đông!

Và một lần nữa, phát ngôn viên John Kirby lại nhắc lại rằng “một con tàu qua vùng biển quốc tế trong bất kỳ cách nào không hề là một hành động khiêu khích và nó không nên được xem như là một hành động khiêu khích”.

Sự “nhẹ nhàng” ở các cuộc họp báo ở hai bộ ngoại giao liên quan phản ánh một sự thật mà hai bên đều thừa nhận hay nhìn nhận là không thể cấm cản việc tàu bè, tàu bay qua lại những bãi cạn đó, không chỉ tàu Mỹ và của mọi nước, như chính thừa nhận của phát ngôn viên Lục Khảng nêu trên.

Trong tinh thần đó, đô đốc chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris sẽ bay đến Bắc Kinh thứ hai tuần tới để nói chuyện “phải quấy” với nhau.

Hi vọng với bước đầu “tinh thần công pháp quốc tế” như thế, lý trí và sự thức tỉnh luật pháp sẽ đảo nghịch xu hướng cuồng vọng bất chấp luật pháp đã luôn đe dọa Biển Đông.

Ít nhiều ở Bắc Kinh cũng đã và đang “rút kinh nghiệm” từ vụ này (so với luật pháp quốc tế, ta đúng hay sai, đúng đến đâu, sai đến đâu; ta có tự cô lập trong vụ này hay không? có “dục tốc bất đạt” hay không?…).

RELATED ARTICLES

Tin mới