Tờ Tagesspiegel Berlin gọi ông Obama là một người đàn ông “không còn đáng sợ ở Trung Đông”.
RIA Novosti ngày 4/11 dẫn nguồn tờ The Wall Street Journal cho biết, các chính trị gia châu Âu đã công khai chỉ trích Tổng thống Mỹ Barack Obama và cho rằng những chính sách của Washington đối với Nga là sai lầm.
Tờ báo Mỹ cho rằng sự thất vọng của châu Âu đối với chính phủ Obama cũng đang ngày càng tăng, đặc biệt là thông qua hai sự kiến lớn mang tên Ukraine và Syria cũng như việc châu Âu phải đối mặt với dòng người tị nạn lớn từ Trung Đông và chiến lược kém hiệu quả của Mỹ ở khu vực này.
Nhiều chính trị gia châu Âu đã trực tiếp lên tiếng đổ lỗi cho Tổng thống Obama về những khó khăn mà họ đang phải đối mặt từ việc nhà lãnh đạo Mỹ duy trì lập trường cô lập Nga cũng như sự thận trọng quá mức của ông.
“Trong nhiều năm châu Âu xem ông Obama là giới hạn không thể chạm tới, là biểu tượng của sự thay đổi tích cực của Mỹ. Tuy nhiên, những lời hứa của ông và những gì đề cập tới trong cuốn sách “The Audacity of Hope” (cuốn sách của Tổng thống Obama xuất bản năm 2006) hóa ra lại không thực tế”, tờ The Wall Street Journal cho biết.
Nhiều chính trị gia và các chuyên gia châu Âu đã đổ lỗi cho ông Obama về một loạt những điều xảy ra trên thế giới.
Tại Đối thoại Petersburg, chính trị gia nổi tiếng người Đức đồng thời là Chủ tịch của diễn đàn Ronald Pofalla chỉ trích chính sách “sai lầm và thiếu khôn ngoan” của ông Obama khi có ý định “hạ bệ” Nga từ cường quốc thế giới xuống cường quốc khu vực thông qua cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo The Wall Street Journal, lời chỉ trích của ông Pofalla giống như một sự phán xét không khai về khả năng của Tổng thống Obama và bày tỏ tin tưởng vào Nga.
Trong một diễn biến khác tại hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng bà duy trì muốn quan hệ đối tác với Nga và không muốn cô lập quốc gia này.
Tuần trước tại Moscow, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng đã bày tỏ sự đồng tình với quan điểm trên của các chính trị gia Đức về Nga và nói rằng “không giống như Tổng thống Obama”, ông công nhận vai trò toàn cầu của Nga.
Theo The Wall Street Journal, những bài phát biểu trên là một sự “xúc phạm công khai” đối với Tổng thống Mỹ.
Sự sụt giảm tín nhiệm của ông Obama trong khu vực châu Âu còn có thể được thấy thông qua việc các thành viên ở khu vực này từ chối cắt giảm nhập khẩu năng lượng của Nga,
Các công ty từ Áo, Pháp, Đức và Hà Lan đều đồng ý với Gazprom về kế hoạch mở rộng đường ống Nord Stream, bỏ qua đoạn đường ống di chuyển qua Ukraine và Ba Lan.
Bên cạnh đó, truyền thông Đức cũng thường xuyên chỉ trích các chính sách của Mỹ ở Trung Đông.
Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung đăng tải bài viết chỉ trích việc ông Obama đã thất bại trong việc thực hiện cái gọi là “giới hạn đỏ” về một cuộc tấn công chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Còn tờ Tagesspiegel Berlin gọi ông Obama là một người đàn ông “không còn đáng sợ ở Trung Đông”.
Tờ Le Monde của Pháp trong bài bình luận đăng tải hồi cuối tuần vừa qua chỉ trích sự các quyết sách của Mỹ ở Syria là một sự “rút lui” cho phép Nga, Syria và Iran tăng cường ảnh hưởng./.