Đừng nên coi những mâu thuẫn, bất đồng trong quan hệ Việt-Trung, đặc biệt là vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông là cái gì đó “nhạy cảm” để né tránh nó.
Hôm nay 5/11, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sẽ thăm chính thức Việt Nam hai ngày. Sáng 5/11 Tân Hoa Xã đã có bài xã luận nhận định, chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Tập Cận Bình là để (cùng bàn) định hướng chỉ đạo quan hệ song phương nhằm hợp tác hiệu quả hơn.
Thời điểm diễn ra chuyến thăm được Tân Hoa Xã cho là “chín muồi để hai nước tăng cường thực chất quan hệ hữu nghị vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cho rằng: “Sau một làn sóng căng thẳng trong quan hệ hai bên gây ra bởi vấn đề Biển Đông, Trung Quốc và Việt Nam đang dần thoát khỏi tình trạng này.
Chuyến thăm của Tập Chủ tịch cho thấy sự nhạy bén trong chiến lược của cả Bắc Kinh và Hà Nội, được thiết lập để truyền tải nhiều hơn sức sống, niềm tin của mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Trong thời gian ở thăm Việt Nam, Tập Chủ tịch sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và cùng làm việc với các nhà lãnh đạo Việt Nam để hoạch định tương lai quan hệ song phương.
Hai bên cũng sẽ ký hơn 10 hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực như trao đổi Đảng vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển năng lực sản xuất, thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân. Lịch trình chuyến thăm chặt chẽ và đầy hứa hẹn, phản ánh đà tích cực đã được tạo dựng trong mối quan hệ Trung – Việt.
Các tranh chấp về chủ quyền một số đảo ở Biển Đông vẫn chưa được giải quyết, sự phát triển thực chất trong quan hệ giữa hai nước láng giềng sẽ và có thể quản lý đúng đắn được những khác biệt giữa hai quốc gia.”
Riêng vấn đề Biển Đông không phải hai bên “tranh chấp chủ quyền một số đảo” như Tân Hoa Xã nói, mà hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được Nhà nước Việt Nam xác lập chủ quyền hợp pháp, hòa bình và liên tục không có tranh chấp ít nhất từ thế kỷ 17.
Năm 1909 Trung Quốc bắt đầu nhảy vào tranh chấp Hoàng Sa với sự kiện Lý Chuẩn đổ bộ bất hợp pháp lên một số đảo rồi rút lui, năm 1946 Trung Quốc, cụ thể là Trung Hoa Dân quốc do Tưởng Giới Thạch đứng đầu nhảy vào tranh chấp Trường Sa với sự kiện chiếm đảo Ba Bình với cái cớ giải giáp quân Nhật. Trước hai thời điểm này, 2 quần đảo của Việt Nam không hề có tranh chấp.
Mặt khác, năm 1947 chính quyền Trung Hoa Dân quốc do Quốc dân đảng, Tưởng Giới Thạch làm chủ ở Trung Quốc đã tự vẽ ra cái gọi là đường đứt đoạn 11 nét yêu sách “chủ quyền” vô lý đòi gần hết Biển Đông.
Mọi vấn đề, căng thẳng leo thang trên Biển Đông cũng bởi tham vọng thực hiện đường lưỡi bò phi pháp mà ra. |
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sau này đã không những không bác bỏ yêu sách vô lý này của Trung Hoa Dân quốc mà còn ra sức để hiện thực hóa đường lưỡi bò, đó là căn nguyên của mọi căng thẳng, leo thang tranh chấp, nguy cơ xung đột đối đầu ở Biển Đông hiện nay.
Tân Hoa Xã cho rằng: “Do đó Bắc Kinh và Hà Nội không nên đánh mất sự tin cậy lẫn nhau khi đối mặt với bất kỳ tạp âm, bất kỳ gáo nước lạnh nào dội vào tình hữu nghị giữa hai nước, thậm chí cả việc bôi nhọ mối quan hệ này. Đồng thời hai bên cũng không nên để mất kiểm soát với những quan điểm cục bộ đánh lừa dư luận về cạm bẫy, vực thẳm của một cuộc đối đầu”?!
Không một thế lực nào có thể phá vỡ được mối quan hệ hữu nghị, hợp tác hay sự tin cậy giữa hai bên trừ phi một trong hai bên ấy vì lòng tham, vì hiếu thắng hoặc bất kỳ lý do cá nhân nào xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bên kia.
Trong quan hệ Việt – Trung, nếu không có chuyện Hoàng Sa 1956-1974, Gạc Ma 1988, Chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979 và những năm 1980 cho tới khủng hoảng giàn khoan 981 tháng Năm năm ngoái hay hoạt động bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp đang diễn ra ở Trường Sa hiện nay thì chẳng một thế lực bên ngoài nào “đe dọa” hay “bôi đen” được như Tân Hoa Xã nói.
Thiết nghĩ muốn có sự tin cậy, hợp tác lâu dài, mang lại quyền và lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước cũng như góp phần bảo vệ hòa bình an ninh khu vực, bảo vệ công lý và lẽ phải trước quốc tế, hai bên cần thực sự thiện chí, cầu thị và khách quan đánh giá những sự kiện này, rút ra bài học để có cách ứng xử phù hợp.
Việc hai bên cần làm là tìm cách giải quyết mâu thuẫn bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế và thỏa thuận nguyên tắc xử lý mâu thuẫn mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được. Đổ thừa cho “quan điểm cục bộ địa phương” và tìm cách kìm kẹp dư luận như gợi ý của Tân Hoa Xã là thất sách!
Về mặt kinh tế thương mại, xã luận của Tân Hoa Xã viết: “Liên quan đến sự thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc, một cái cớ được sử dụng bởi một số người Việt để bôi nhọ quan hệ hợp tác kinh tế song phương, sự thật về vấn đề mất cân bằng này là do dây chuyền công nghiệp khác nhau của mỗi bên và các cơ cấu thương mại đối ngoại của mỗi nước.
Là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 11 năm qua, Trung Quốc chưa bao giờ có ý định tìm kiếm sự thặng dư (?!).
Như vậy hai nước cần nắm bắt cơ hội mà chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình mang tới, bằng cách phát huy đầy đủ sự khôn ngoan chính trị, lợi thế hỗ trợ kinh tế, ngoại giao, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác thiết thực cùng thắng, cùng củng cố nền tảng cho quan hệ song phương.
Khi làm được như vậy, hai bên sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề nổi cộm trong quan hệ của mình, giữ cho hợp tác Việt – Trung phát triển đúng hướng với nhiều kết quả cùng thắng”.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông do Trung Quốc làm chủ đầu tư và nhà thầu Trung Quốc thực hiện đã có nhiều sai phạm, gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: Vnexpress. |
Cái gọi là “bôi đen” quan hệ hợp tác kinh tế Việt – Trung xung quanh vấn đề thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc có lẽ không thể nói một hai câu là xong, nhưng bản thân Tân Hoa Xã thừa nhận thực tế thâm hụt thương mại này, chỉ có điều nguyên nhân bài xã luận này nêu ra không thuyết phục và không nói lên bản chất của vấn đề.
Việc Trung Quốc “không tìm kiếm thặng dư” trong hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam lại càng khó tin, bởi về nguyên tắc mọi mối quan hệ đều phải trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.
Nhưng Tân Hoa Xã nói rằng chỉ cần thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại Việt – Trung phát triển theo những gì bài xã luận này nói là hai nước có thể giải quyết mọi bất đồng còn lại một cách xây dựng, cùng thắng lại càng không thể tin được.
Đối với dân tộc Việt Nam, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không gian sinh tồn cùng các quyền và lợi ích hợp pháp khác ở Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông là bất biến và không thể đánh đổi với bất kỳ lợi ích nào.
Những tồn tại trong quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc xoay quanh vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông không chỉ là nỗi canh cánh trong tim mỗi người Việt Nam, mà còn là ung nhọt, lực cản của quan hệ hợp tác hữu nghị, hòa bình thực chất giữa hai nước.
Nếu muốn hợp tác song phương phát triển lành mạnh, văn minh, không thể không giải quyết những vấn đề tồn tại về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông. Trong khi đó tác nhân gây ra ung nhọt, lực cản ấy lại chính là hành vi leo thang của Trung Quốc ngoài thực địa.
Do đó, chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình thực sự là cơ hội tốt để hai bên ngồi lại đối thoại với nhau, lắng nghe nhau và tìm cách tháo gỡ, cắt bỏ ung nhọt ấy trên cơ sở thiện chí, cầu thị, khách quan, hợp pháp.
Cũng đừng nên coi những tồn tại, mâu thuẫn, bất đồng trong quan hệ Việt – Trung, đặc biệt là vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông là cái gì đó “nhạy cảm” để né tránh nó, bởi càng né tránh thì ung nhọt càng to. Hãy cố gắng giải quyết vấn đề một cách thiện chí, cầu thị, hợp pháp thì chắc chắn quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam, Trung Quốc sẽ phát triển lành mạnh.
Người Việt luôn luôn mong muốn hòa bình, thượng tôn pháp luật, thiện chí và cầu thị đối thoại với Trung Quốc về những gì còn tồn tại trong quan hệ song phương. Hy vọng trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể chia sẻ, đáp ứng mong mỏi chính đáng ấy để tạo phúc cho hai nước.