Sunday, November 24, 2024
Trang chủThâm cung bí sửLộ diện mạng lưới Đài phát thanh giấu mặt của TQ

Lộ diện mạng lưới Đài phát thanh giấu mặt của TQ

 Bài điều tra của Reuters mới đây đã hé lộ có ít nhất 33 đài phát thanh trải rộng trên 14 quốc gia chuyên phát những tin tức, chương trình tuyên truyền cho Trung Quốc. Tất cả đều “ẩn nấp” sau một ma trận những công ty bình phong sở hữu chồng chéo để che giấu cơ quan chủ quản là Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI). Đây được xem là sách lược “mượn gà đẻ trứng” – dùng chính truyền thông nước ngoài để tuyên truyền cho quan điểm của chính quyền Bắc Kinh nhằm gia tăng “quyền lực mềm” khắp toàn cầu.

Giấu mặt và lừa đảo

Tháng 8 vừa qua, giữa lúc cộng đồng quốc tế tại nhiều nước đồng loạt lên tiếng phản đối việc Trung Quốc xây đắp phi pháp trên Biển Đông thì Đài Phát thanh WCRW (viết tắt của China Radio Washington) có trụ sở nằm sát Thủ đô Washington D.C (Mỹ) lại không hề đề cập đến vấn đề này. Thay vào đó, một chuyên gia lại giải thích trên đài này rằng: Những căng thẳng trong khu vực là do “các lực lượng bên ngoài” đang “cố gắng can thiệp vào khu vực bằng cách đưa ra các tuyên bố sai trái”.

Đằng sau các bản tin của WCRW là một sự thật chưa bao giờ được công khai: Chính phủ Trung Quốc kiểm soát phần lớn thời lượng phát sóng của đài này, vốn có thể phát sóng tới tận trụ sở Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng. Một cuộc điều tra của Hãng tin Reuters tại 4 châu lục đã phát hiện ít nhất 33 đài phát thanh tại 14 quốc gia thuộc một mạng lưới phát thanh toàn cầu, được vận hành theo cách nhằm che giấu chủ nhân thực sự – Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI), do Nhà nước Trung Quốc kiểm soát. Nhiều trong số các đài phát thanh này chủ yếu phát sóng các nội dung do CRI hoặc các công ty truyền thông mà CRI kiểm soát tại Mỹ, Australia và châu Âu sản xuất hoặc cung cấp. Ba doanh nhân Trung Quốc hiện đang sống ở nước ngoài – là các đối tác địa phương của CRI, điều hành các công ty bình phong của CRI và trong một số trường hợp sở hữu một cổ phần tại các đài phát thanh. Mạng lưới này trải khắp từ Phần Lan tới Nepal, Australia và từ Philadelphia tới San Francisco.

Theo Reuters, WCRW đang được Công ty Truyền thông G&E Studio Inc, có trụ sở ở bang California, thuê gần như toàn bộ thời lượng phát sóng với giá hơn 720.000 USD/năm. Đáng lưu ý là 60% cổ phần của G&E Studio Inc nằm trong tay Guoguang Century Media Consultancy, một công ty thuộc sở hữu 100% của Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI). Điều này đã được Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành G&E Studio Inc James Su, người Mỹ gốc Hoa, xác nhận với Reuters và ông cho biết thêm công ty của mình có hợp đồng khai thác thông tin với CRI. Tuy không sở hữu cơ quan truyền thông nào ở Mỹ nhưng ngoài WCRW, James Su còn thuê hoặc nắm quyền sử dụng sóng của 14 đài phát thanh khác tại nước này thông qua hàng chục công ty trách nhiệm hữu hạn bình phong.

Năm 2009, đài ngừng hoạt động vì làm ăn thua lỗ nhưng 2 năm sau, chủ sở hữu đài là Công ty Potomac Radio (Mỹ) bất ngờ tuyên bố có được nguồn đầu tư lớn để không những khôi phục hoạt động mà còn xây thêm 3 trạm phát sóng công suất cao. Nhưng khi các tháp phát sóng xây dựng xong, nhà chức trách hạt Loudoun, bang Virginia mới biết chúng được Công ty G&E (Công ty con của Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc – CRI) thuê lại. “Đây là trò lừa bịp”, cựu Nghị viên quận Loudoun nói: “Trước đây họ hoàn toàn giống một nhà đài địa phương, xưa nay chưa bao giờ tiết lộ họ muốn làm gì”. 

Về mặt luật pháp, Potomac Radio khẳng định không vi phạm quy định của Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) vì G&E Studio Inc chỉ thuê sóng chứ không sở hữu đài. Luật Mỹ không cho phép Chính phủ nước ngoài hoặc đại diện của họ sở hữu giấy phép vận hành đài phát thanh/truyền hình. Cá nhân, công ty và Chính phủ nước ngoài cũng bị cấm giữ 20% quyền sở hữu trực tiếp trong một đài và 25% trong công ty Mỹ sở hữu đài phát thanh/truyền hình. Thông qua một loạt công ty trách nhiệm hữu hạn khác nhau, hiện nay James Su sở hữu, đồng sở hữu hoặc thuê hầu hết thời lượng phát thanh của hơn 10 đài phát thanh khác nhau của Mỹ. Các chương trình tin tức trên các đài mà CRI hậu thuẫn hầu hết liên quan đến Chính phủ Trung Quốc, bao gồm vấn đề quân sự trên Biển Đông.

“Mượn gà đẻ trứng” để gia tăng quyền lực mềm

Giám đốc CRI – Wang Gengnian đã miêu tả nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh là chiến lược “mượn thuyền” – sử dụng các hãng truyền thông hiện thời ở nước ngoài để truyền tải thông điệp của Trung Quốc. Đơn cử, 33 đài phát thanh được CRI hỗ trợ phát sóng bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và cả tiếng địa phương, mang tới các chương trình tin tức, văn hóa và âm nhạc. Các chương trình được xen lẫn với những câu chuyện nêu bật sự phát triển của Trung Quốc, như chương trình không gian và sự đóng góp của nước này cho các chương trình nhân đạo như cứu trợ động đất ở Nepal.

Khi trả lời Reuters, James Su khẳng định truyền thông nước ngoài “vẽ ra bức tranh sai lệch, khiến dư luận hiểu lầm, thậm chí ác cảm về Trung Quốc” và “chúng tôi chỉ đưa những thông tin chân thật, không bị kiểm duyệt”. Thế nhưng khi đưa tin về cuộc hội đàm giữa đại diện hải quân Mỹ và Trung Quốc hồi cuối tháng 10, WCRW phớt lờ hoàn toàn việc Mỹ đưa tàu chiến áp sát đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông nhằm phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại đây. Thay vào đó, đài này phát rằng cuộc gặp diễn ra “trong bối cảnh căng thẳng dâng cao do hành động của Mỹ”.

Trung Quốc có một loạt hãng truyền thông thuộc sở hữu của Nhà nước được biết tới khắp thế giới như Hãng tin Xinhua (Tân Hoa xã). Nhưng các quan chức Mỹ phụ trách giám sát việc tuyên truyền và sở hữu truyền thông nước ngoài và cho biết họ không hay biết về hoạt động phát thanh do Trung Quốc kiểm soát trong lòng nước Mỹ cho tới khi Hãng tin Reuters liên lạc. Nhiều cựu quan chức cấp cao của Mỹ cho biết giới chức liên bang nên điều tra xem liệu hoạt động trên có vi phạm luật quản lý truyền thông nước ngoài và các công ty đại diện tại Mỹ hay không.

Cũng theo Reuters, đầu tháng 11 này, Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra một công ty thuộc Đài phát thanh Mỹ nhưng nhận sự hậu thuẫn từ công ty của Chính phủ Trung Quốc. Cụ thể, Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) và Bộ Tư pháp Mỹ cùng xác nhận sự tồn tại của mạng vô tuyến bí mật trong chương trình phát thanh ở hơn 10 thành phố của Mỹ, bao gồm Washington, Philadelphia, Boston, Houston và San Francisco.

Theo điều tra của Reuters, 3 công ty bình phong cho CRI trên toàn cầu:

– Tại châu Âu, công ty GBTimes ở Tampere (Phần Lan), có quyền sở hữu cổ phần hoặc cung cấp nội dung cho ít nhất 9 đài phát thanh.

– Tại châu Á-Thái Bình Dương, tập đoàn truyền thông Global CAMG tại Melbourne (Úc), có quyền sở hữu cổ phần hoặc cung cấp các chương trình cho ít nhất 8 đài phát thanh.

– Tại Bắc Mỹ, G&E Studio Inc, đóng gần Los Angeles (California) phát sóng nội dung gần như hoàn toàn thời gian trên ít nhất 15 đài phát thanh tại Mỹ. Một đài phát thanh tại Vancouver cũng phát sóng nội dung của G&E. Ngoài phát sóng chương trình của CRI, G&E cũng sản xuất và phân phối các chương trình có lợi cho Trung Quốc từ các trường quay ở California.

RELATED ARTICLES

Tin mới