Sau vụ tấn công khủng bố tại Paris, phương Tây không còn xem sự tham gia của Nga tại Syria là một “sai lầm chiến lược” hay “kẻ thù”.
Tờ Forbes hôm 17/11 dẫn lời nhà phân tích Kenneth Rapoza cho rằng sau vụ tấn công khủng bố tại Paris, phương Tây không còn xem sự tham gia của Nga tại Syria là một “sai lầm chiến lược” hay “kẻ thù”.
Hiện nay, phương Tây đã chấp nhận hoạt động của Nga tại Syria và đón nhận với một vòng tay rộng mở. Uy tín của Nga trên trường quốc tế rõ ràng cũng gia tăng mạnh mẽ, mặc dù Washington vẫn chưa thẳng thắn thừa nhận điều đó.
Các cuộc tấn công khủng bố tại Paris đã làm lộ rõ một lỗ hổng trong hệ thống an ninh châu Âu và chỉ ra rằng khu vực này đang rất dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công của IS.
Vì vậy, bất kỳ quốc gia nào có nỗ lực chống IS đều được chào đón nồng nhiệt.
Nhà phân tích này cũng tin rằng với sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga, trong tương lai gần, phương Tây có thể sẽ gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow.
“Trong hoàn cảnh khó khăn này, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ khó có thể đồng ý với việc gia hạn các biện pháp trừng phạt chống lại nước Nga sau tháng 7/2016”, ông cho biết thêm.
Rapoza trích dẫn một bình luận của Vladimir Signorelli, người sáng lập trung tâm nghiên cứu Bretton Woods, nói rằng chính quyền Obama tất nhiên sẽ cố gắng xem xét riêng rẽ tình hình ở Syria và cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng không thể bỏ qua vai trò tích cực của Nga trong cuộc chiến chống IS tại Syria đang ngày càng thuyết phục các đồng minh châu Âu của Washington.
Rapoza cũng lưu ý rằng sự thay đổi “thái độ” của châu Âu trong quan hệ với Nga ngày càng khác so với Mỹ và có thể được cảm thấy thông qua thị trường chứng khoán.
“Gió đang thổi về hướng Nga”, nhà phân tích của tạp chí Forbes kết luận.
Trong khi đó, tờ Tầm nhìn của Nga hôm 17/11 bình luận, cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris hồi cuối tuần qua đã gây tác động đáng kể tới sự thay đổi trật tự thế giới mới cũng như cán cân quyền lực giữa Nga, Mỹ và EU.
IS muốn đe dọa châu Âu, đặc biệt là Pháp, để ngăn chặn các hoạt động quân sự quy mô lớn của các nước này trên lãnh thổ của chúng. Nhưng các cuộc tàn sát đẫm máu tại Paris đã gây ra hiệu ứng ngược lại.
Nó đã thúc đẩy các cuộc tranh luận công khai ở phương Tây về sự cần thiết phải tăng cường các hoạt động mạnh mẽ chống lại các mối đe dọa của IS cũng như vấn đề nhập cư, thái độ đối với cộng đồng người Hồi giáo ở châu Âu và Mỹ.
Một số người tin rằng các cuộc tấn công khủng bố tại Paris của IS không những không giúp đuổi lực lượng Pháp ra khỏi Trung Đông mà còn hút họ tới khu vực này, kích động một cuộc thập tự chinh mới.
Hơn nữa, làn sóng chống lại người Hồi giáo trong xã hội Pháp, Mỹ và các nước châu Âu khác cũng đã tăng cao mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự bài xích giống như một con dao hai lưỡi, nó cũng có thể dẫn tới sự cực đoan hơn của thanh niên Hồi giáo tại châu Âu.
Trong nỗ lực tìm cách xoa dịu sự bất mãn của công chúng, những người ngày càng hoài nghi về sự đoàn kết của NATO, các nước châu Âu có thể sẽ nghiêng hơn nữa về phía Moscow, nới lỏng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Điều đó đồng nghĩa với việc tam giác chiến lược Mỹ-Châu Âu-Nga sẽ thay đổi.