Dư luận ở Đà Nẵng đang rất không đồng tình với việc UBND thành phố cho phép Công ty TNHH Sichuan Huashi đưa 300 lao động từ Tứ Xuyên (Trung Quốc) qua Đà Nẵng xây khách sạn JW Marriott.
Khách sạn JW Marriott đang được xây dựng ở Đà Nẵng (Ảnh: Thanh Hiếu)
Dư luận không đồng tình bởi “cái cớ” mà phía Công ty TNHH Sichuan Huashi đưa ra là hết sức “cắc cớ”, nếu không muốn nói là hoàn toàn không chính đáng. Trong cái gọi là “công văn”, ký ngày 15/10/2015 có đoạn viết rằng “Hiện nay công ty chúng tôi đang đốc thúc xây dựng thi công khách sạn giai đoạn hai (JW Marriott), theo yêu cầu từ phía chủ đầu tư làCông ty TNHH Đầu tư và phát triển Sliver Shores (xin lưu ý, công ty này có lãnh đạo là người Trung Quốc-PV) phải kịp đưa khách sạn 5 sao và khu hội nghị quốc tế để phục vụ cho APEC 2017, dự kiến được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng…”.
Lý do này là “bịa đặt”, bởi chẳng có chính quyền, chẳng có cá nhân đồng chí lãnh đạo ở Đà Nẵng giao việc ấy cho họ cả. Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh khẳng định trong phần trả lời phỏng vấn của phóng viên Infonet rằng “Chẳng có ai giao cho họ việc đó. Xây thêm khách sạn, hay xây khu hội nghị là chuyện cá nhân của họ, không ai giao cho họ nhiệm vụ phải xây mấy cái đó để phục vụ Hội nghị APEC 2017 cả”.
Lạ là trong năm 2014, khi Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan 981 hạ đặt trái phép ở vùng biển nước ta, chính công ty này đã rút hết người của họ về nước trong thời gian dài. Ấy vậy mà trong công văn họ nêu “Tiến độ thi công công trình bị trì trệ nghiêm trọng, nguyên nhân như sau: 1. Nhân viên quản lý và người thiết kế là người nước ngoài, do ngôn ngữ bất đồng, dẫn đến việc giao tiếp với người bản địa gặp khó khăn, khó quản lý. 2. Quy mô công trình lớn, kỹ thuật phức tạp, phần lớn lao động bản địa không thích ứng được, dẫn đến hiệu quả công việc thấp. 3. Lao động bản địa do bận việc đồng án (viết sai chính tả-PV), nghỉ phép trì hoãn quá nhiều, số lượng lao động cũng không ổn định…”. Nêu lý do này là “đổi trắng thay đen”. Hỏi, thời gian dài họ “đóng cửa” công trình vì “rút quân” về nước, là do ai?
Cả nước đều biết thợ xây dựng Đà Nẵng nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc, đã có hàng trăm công trình ở khắp mọi miền đất nước do bàn tay người thợ Đà Nẵng xây dựng đã trở thành thương hiệu. Nói như Bí thư Nguyễn Xuân Anh, xây khách sạn có cái gì mà ghê gớm, sản xuất giàn khoan dầu khí thợ mình còn làm được, nói chi chuyện xây khách sạn. Bao nhiêu nhà đầu tư xây các khách sạn, resort quy mô lớn ở Đà Nẵng có đem lao động nước họ qua đâu, toàn thợ xây dựng Đà Nẵng cả đấy chứ! Viện dẫn lý do thợ Đà Nẵng không đáp ứng được công trình có quy mô, kỹ thuật phức tạp, là sự xúc phạm của Sichuan Huashi với chính người dân Đà Nẵng.
Một điều vô lý ầm ầm mà Sichuan Huashi nêu ra, hãy xem họ lý giải trong công văn “Dự kiến đến cuối tháng 10/2015 số lượng lao động thi công phải đạt 650 người, trong đó lao động bản địa khoảng 350 người, cán bộ kỹ thuật người nước ngoài theo nhu cầu phải đạt 300 người… cán bộ kỹ thuật điều động nội bộ từ công ty mẹ (Tứ Xuyên-Trung Quốc) dự định đề nghị đưa vào khoảng 300 cán bộ lành nghề, đáp ứng về chất lượng tiến độ”.
Có lẽ chỉ có ở Công ty Sichuan Huashi “xài sang”, cứ 1 người gọi là cán bộ kỹ thuật “kèm” hơn 1 người công nhân. Thưa “ông” Sichuan Huashi! Kinh doanh trong ngành xây dựng theo kiểu lý giải của các “ông” thì chỉ có “cạp” đất, chứ không có cám mà bốc đổ vào miệng đâu.
Với những dẫn chứng trên đây, chúng tôi cho rằng việc Công ty TNHH Sichuan Huashi, đề nghị đưa 300 người, với cái gọi là “cán bộ kỹ thuật” từ Trung Quốc sang Đà Nẵng là hoàn toàn không chính đáng. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Nguyễn Xuân Anh: Chủ trương của lãnh đạo Đà Nẵng là tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thành phố luôn tạo điều kiện hết mức để họ làm ăn có lợi nhuận, đồng thời tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Vấn đề người lao động nước ngoài, không riêng gì Trung Quốc phải xem xét cụ thể, nếu tại địa phương đáp ứng được, thì phải ưu tiên cho lao động tại chỗ, không việc gì phải cho phép đưa người lao động nước ngoài vào.
Chúng tôi cho rằng việc tham mưu của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho UBND thành phố về việc cho phép 300 lao động người Trung Quốc vào Đà Nẵng là vội vàng. Những người có trách nhiệm ở sở này chưa làm tròn chức năng “tham mưu” một cách đúng nghĩa. Lẽ ra trong vấn đề nhạy cảm, khu vực xây dựng cũng hết sức nhạy cảm (công trình nằm kề sân bay Nước Mặn), người tham mưu, ngoài phân tích đánh giá nhu cầu của phía đối tác, còn phải có nhãn quan kinh tế kết hợp với quốc phòng. Sự cẩu thả, nếu không muốn nói là lơi là về ý thức chính trị, đã dẫn đến tham mưu sai. Mà tham mưu sai thì hậu quả không phải chỉ tính bằng tiền.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin được trích đăng ý kiến của ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, nay là Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật TP Đà Nẵng: “Đây không phải là câu chuyện quản lý không được thì cấm. Đây chính là câu chuyện thương hiệu của Đà Nẵng trên lĩnh vực tạo nguồn nhân lực, đồng thời cũng là câu chuyện kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng. Nàng Mỵ Châu trong cổ tích còn lấy lý do trái tim đặt nhầm chỗ để mà vô ý, còn người Đà Nẵng đương đại, chúng ta lấy lý do gì để biện minh cùng hậu thế nếu chúng ta cũng vô ý như nàng?”.