ĐBQH cho rằng việc Đà Nẵng đồng ý để 300 lao động Trung Quốc vào làm việc cho thấy chúng ta đã thua ngay trên sân nhà.
Nhiều kỹ sư, lao động còn thất nghiệp
Liên quan đến việc UBND Đà Nẵng cho phép Công ty TNHH Sichuan Huashi Trung Quốc đưa 300 lao động vào làm việc tại công trường thi công khách sạn 5 sao JW Marriott trên đường Võ Nguyên Giáp (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), Trung Tướng Phùng Khắc Nguyện, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Sơn La cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần phải xem xét và quyết định thận trọng.
“Các công trình của quốc tế làm ở Việt Nam thì trước hết phải tận dụng nguồn lao động dồi dào ở trong nước. Lực lượng cán bộ, kỹ sư của chúng ta cũng rất lành nghề, có khả năng, trình độ chẳng thua kém gì các nước. Một số liệu mới đây mà tôi cập nhật được thì số lượng kỹ sư tốt nghiệp ra trường ở Việt Nam cũng nhiều, có tới 190.000 người thất nghiệp.
Vấn đề cấp thiết lúc này là giải quyết vệc làm cho người dân trong nước chứ không phải là cấp giấy phép để người nước ngoài vào Đà Nẵng xây dựng. Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết, chúng ta mới tính đến phương án này”, Trung tướng Phùng Khắc Nguyện khẳng định.
ĐBQH tỉnh Sơn La cũng cho rằng trong thời buổi giao thoa hội nhập như hiện nay thì việc công nhân, kỹ thuật viên nước ngoài vào Việt Nam làm việc là điều không thể tránh khỏi tuy nhiên cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng rồi mới triển khai áp dụng.
“UBND Đà Nẵng không nên vội vàng đưa ra những quyết đó. Dù có hội nhập đi chăng nữa thì chúng ta cũng cần phải hạn chế đưa số lượng lớn kỹ sư Trung Quốc vào xây dựng như vậy. Việc người dân có ý kiến phản đối cũng phải nhìn lại xem có vấn đề gì chưa hợp lý hay không”, ĐB Nguyện nêu quan điểm.
Trong khi đó, ĐB Huỳnh Văn Tiếp – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ cho rằng việc đưa lao động nước ngoài vào làm việc không chỉ là việc của địa phương đó mà còn liên quan đến các Bộ, ngành ở Trung ương.
“Theo quy định của pháp luật thì cũng cần phải tham khảo, xin ý kiến của các cơ quan cấp trên, ở đây là Bộ LĐ-TB&XH, Bộ xây dựng. Sau khi thống nhất, cho ý kiến ủy quyền thì địa phương mới xem xét, thực hiện việc cấp phép cho lao động nước ngoài vào làm việc.
Quy định là như vậy thì phải tuân thủ chặt chẽ vậy thôi. Tôi nghĩ trong trường hợp này, UBND TP Đà Nẵng cần phải xem xét lại quyền hạn và trách nhiệm của mình. Nếu chưa xin ý kiến mà đơn phương làm như vậy là thiếu sót”, ĐB Tiếp khẳng định.
Thua ngay trên sân nhà
ĐB Lê Việt Trường-Phó chủ nhiệm UB an ninh và quốc phòng của QH cho rằng tâm lý chung của các doanh nghiệp nước ngoài khi trúng thầu dự án là muốn đưa lao động của nước mình vào địa phương để làm việc. Vì thế trong những trường hợp này, vai trò quản lý của cơ quan quản lý nhà nước là hết sức quan trọng.
ĐB Trường nêu rõ: “Có 2 điều kiện chính mà phía UBND TP Đà Nẵng cần phải xem xét trước khi tiến hành cấp phép. Thứ nhất, theo quy định những dự án mà sử dụng kỹ sư nước ngoài thì bắt buộc họ phải là những người có bằng cấp được đào tạo một cách bài bản chuyện nghiệp chuyên sâu.
Yếu tố thứ 2 đó là những người này phải có kinh nghiệm làm việc ít nhất 3 năm. Khi đã đáp ứng được những yêu cầu trên thì mới tiến hành cấp phép, lập hồ sơ cá nhân”.