Phải chăng đã có sự bắt tay giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ? Hay vì Lầu Năm Góc ngại phản ứng của Trung Quốc khi thực hiện hoạt động “đi lại tự do” …
LTS: Trước quan tâm của dư luận quốc tế cũng như Việt Nam về các hoạt động tuần tra đảm bảo an ninh, tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông mà Hoa Kỳ tiến hành và ý tưởng các nước tham gia chung sức với Mỹ trong hoạt động này do những hành động leo thang của phía Trung Quốc trên Biển Đông, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi tới báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
Ngày 24/11 báo Asahi Shimbun của Nhật Bản đăng bài phỏng vấn Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ trong đó khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nếu các quốc gia khác bao gồm Nhật Bản tham gia tuần tra cùng với Mỹ có tốt hơn không, Thượng nghị sĩ John McCain trả lời:
“Đó là một ý kiến hay. Tôi cho rằng cần có nhiều quốc gia tham gia vào, bao gồm cả Việt Nam, Philippines và Indonesia. Tất cả các bên có liên quan đến vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, nơi có những tuyến hàng hải huyết mạch nhất của thế giới, có thể tham gia theo cách họ thấy phù hợp nhất”, báo Dân Trí dịch lại.
Đây là một ý tưởng hay và có ý nghĩa. Có lẽ nhiều người sẽ lập tức hưởng ứng ý tưởng này của Thượng nghị sĩ John McCain, đặc biệt là trước những hành vi của Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên hành xử theo kịch bản của họ ngoài thực địa.
Về mặt tinh thần, thiện chí thì ý tưởng của Thượng nghị sĩ John McCain rất đáng hoan nghênh và ghi nhận. Tuy nhiên về mặt pháp lý, để đảm bảo các hoạt động bảo vệ tự do, an toàn hàng không, hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông thông qua việc tuần tra chung, chúng ta cần làm rõ những cơ sở pháp lý của những khái niệm liên quan đến các hoạt động này để tránh rơi vào tình thế “lợi bất cập hại”.
Chính phủ Mỹ vẫn “mập mờ” trong hoạt động tuần tra
Sau khi tàu khu trục Hoa Kỳ USS Lassen tiến hành hoạt động mà Lầu Năm Góc công bố với dư luận là tuần tra tự do hàng hải hay còn được biết đến với thuật ngữ “đi lại tự do” bên trong phạm vi 12 hải lý quanh bãi Xu Bi. Tuy nhiên nội bộ nước Mỹ vẫn còn những dư luận ngược chiều, chẳng hạn truyền thông chính thống của Mỹ như USNI News, Defense News và học giả Mỹ Graham Webster đã lên tiếng phản đối công bố của Lầu Năm Góc và Nhà Trắng về bản chất hoạt động này.
Bởi vì,các cơ quan truyền thông này cho rằng qua những nguồn tin từ hải quân Mỹ, Lầu Năm Góc và Đồi Capitol thì hoạt động của tàu USS Lassen ngày 27/10 bên trong12 hải lý quanh bãi Xu Bi chỉ là thực hiện quyền “đi qua vô hại” chứ không phải “đi lại tự do”.
Để đánh giá đích thực bản chất của hoạt động “tuần tra” này, trước hết xin đươc đề cập đến khái niệm về “quyền tự do hàng hải” và “quyền đi qua vô hại”.
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tại Mục 3, Phần 2 đã quy định rất rõ ràng và chặt chẽ về “quyền đi qua vô hại” như sau: “Với điều kiện phải chấp hành Công ước, tàu thuyền của tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải” (Điều 17).
Và tại Mục 3, Phần 2, Công ước, quy định thêm: “Chế độ đi qua không gây hại nêu ở Mục 3 Phần 2 được áp dung cho các eo biển dùng cho hàng hải quốc tế”: “a. Nằm ngoài phạm vi áp của chế độ quá cảnh theo Điều 38, Khoản 1; hoặc, “b. Nối liền lãnh hải của một quốc gia với một bộ phận của biển cả hay với một vùng đặc quyền về kinh tế của một quốc gia khác.” Như vậy, khái niệm “quyền đi qua không gây hại” chỉ áp dụng trong vùng lãnh hải 12 hải lý của quốc gia ven biển và eo biển quốc tế.
Riêng đối với tàu chiến, khi thực hiện quyền đi qua vô hại qua lãnh hải 12 hải lý của nước khác, không cần báo trước, miễn là hành trình liên tục, nhanh chóng, tắt vũ khi, tắt ra đa, không sử dụng máy bay, không có bất kỳ hành vi nào nhằm can thiệp vào hệ thống liên lạc, thiết bị do quốc gia ven biển lắp đặt.
Còn quyền “tự do hàng hải” (đi lại tự do): Phần7, Mục1 UNCLOS đã quy định rõ về “quyền tự do hàng hải”: “Biển cả (còn được gọi nôm na là Biển quốc tế, Biển công – chú thích của Tác giả) được để ngỏ cho tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển.
Quyền tự do trên biển cả được thực hiện trong những điều kiện do các quy định của Công ước và những quy tắc khác của luật pháp quốc tế trù định. Đối với các quốc gia, dù có biển hay không có biển, quyền tự do này đặc biệt bao gồm: a. Tự do hàng hải; b. Tự do hàng không…
Đó là quyền không bị hạn chế cho phép tất cả các loại tàu thuyền của tất cả các nước, bao gồm cả tàu quân sự, được tự do đi lại trong “vùng biển quốc tế”. Trong vùng biển này, tàu chiến được đi lại tự do và được phép thực hiện việc điều khiển, sử dụng các cảm biến chủ động cũng như thụ động, thậm chí cả hoạt động của máy bay, trực thăng….
Nhận thức được sự khác biệt của hai khái niệm nói trên đối, chiếu với những hành xử trên thực địa theo các nguồn tin khác nhau, chính bản thân Thượng nghị sĩ John McCain cũng thắc mắc và có thư chất vấn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter về việc này, cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời nào từ Lầu Năm Góc được công bố. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ thì vẫn quả quyết hoạt động của USS Lassen ở Xu Bi hôm 27/10 là “đi lại tự do” chứ không phải “đi qua vô hại”, nhưng từ chối đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.
Xác định bản chất hành động này rất quan trọng, nếu là “đi lại tự do” thì rất đáng hoan nghênh, hoàn toàn hợp pháp và hợp lý. Ngược lại, nếu USS Lassen “tắt ra đa hỏa lực và không có máy bay bay kèm, máy bay giám sát hàng hải P-8 của Mỹ cũng không tiến vào bên trong 12 hải lý” theo tường thuật của Defense News thì vô hình chung hành động này của Mỹ đã thừa nhận yêu sách của Trung Quốc đòi “lãnh hải” 12 hải lý cho đá Xu Bi, một bãi cạn lúc nổi lúc chìm chỉ có vùng an toàn bán kính tối đa 500 mét theo UNCLOS.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. |
Việc Lầu Năm Góc và Nhà Trắng vẫn im lặng, không đưa ra bằng chứng chứng minh bản chất hoạt động của USS Lasen hôm 27/10 ở bên trong 12 hải lý quanh Xu Bi là “đi lại tự do” hay “đi qua vô hại” bất chấp yêu cầu từ Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện và giới nghiên cứu Hoa Kỳ khiến người ta không thể không đặt dấu hỏi, tại sao biết rõ mười mươi mình đang làm điều hợp pháp, đúng theo UNCLOS mà lại phải giấu diếm?
Nhưng, dù là có bất kỳ lý do gì và trong trường hợp nào đi nữa, nếu điều đó xảy ra, cũng sẽ khiến người ta nghi ngờ về lập trường, động cơ, cả về vai trò, uy tín của Mỹ và càng khuyến khích Trung Quốc tiếp tục lấn tới.
Do đó muốn hợp tác tuần tra với các nước Đông Nam Á hay đối tác khác, trước tiên Lầu Năm Góc và Nhà Trắng phải trả lời rõ điều này để dư luận, mà trước hết là bản thân ngài John McCain có thể tin cậy
Cần lưu ý điều gì về pháp lý khi có hoạt động tuần tra chung “đi lại tự do” trong vùng biển quốc tế ở Trường Sa?
Quần đảo Trường Sa bao gồm nhiều thực thể cấu thành và do 4 nước 5 bên đóng giữ đan xen, phức tạp và rất nhạy cảm. Việc xác định rõ quy chế pháp lý và hiệu lực pháp lý của các thực thể ở Trường Sa là điều khó khăn nhưng hết sức cần thiết trong các hoạt động tuần tra của Hoa Kỳ nói riêng, hoặc của Hoa Kỳ hợp tác với một hay nhiều bên nào đó tuần tra nói chung.
Luật pháp quốc tế quy định rõ, các bãi cạn lúc nổi lúc chìm nằm giữa biển hoặc nằm bên ngoài 12 hải lý của một đảo hay đất liền thì không có lãnh hải 12 hải lý, chỉ có vùng an toàn bán kính tối đa 500 mét, bên ngoài nó là vùng biển quốc tế.
Điều 13 thuộc Mục 2, Phần 2 của UNCLOS quy định rõ: “Một bãi cạn lúc chìm lúc nổi là một vùng đất được hình thành tự nhiên có biển bao quanh, nhô lên trên mặt nước khi thủy triều thấp, nhưng bị chìm xuống dưới mặt nước khi thủy triều cao.
Khi toàn bộ hay một phần bãi cạn đó ở cách đất liền hoặc một hòn đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì mực nước lúc thủy triều thấp nhất ở các bãi cạn này có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải.”
Áp dụng vào quần đảo Trường Sa, nếu một thực thể là bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở cách một đảo tự nhiên trong phạm vi không quá 12 hải lý, thì thực thể đó được tính là một phần cấu tạo của đảo tự nhiên này và “mực nước thủy triều thấp nhất ở bãi cạn này được dùng làm đường cơ sở tính chiều rộng của lãnh hải.” Có nghĩa, bãi cạn lúc nổi lúc chìm nằm cách đất liền hay 1 đảo tự nhiên dưới 12 hải lý sẽ có lãnh hải 12 hải lý.
Hoạt động của tàu USS Lassen ở Xu Bi hôm 27/10 bản chất là gì vẫn còn là ẩn số. |
Trong trường hợp đá Xu Bi, thực thể này là một bãi cạn lúc nổi lúc chìm nằm trong cụm Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), cách đảo Thị Tứ khoảng 26 km về phía Nam, tức là ngoài 12 hải lý tính từ đảo Thị Tứ, xung quanh Xu Bi trong phạm vi 12 hải lý không có đảo tự nhiên nào. Do đó, Xu Bi chỉ có vùng an toàn, bán kính tối đa 500 mét, ngoài 500 mét là vùng biển quốc tế, trừ các vùng biển pháp định của các thực thể tự nhiên phụ cận khác.
Chính học giả Trung Quốc Tiết Lực cũng thừa nhận điều này, hoạt động của Mỹ bên trong 12 hải lý quanh Xu Bi là hoàn toàn hợp pháp.
Tuy nhiên đối với các bãi cạn khác nằm đan xen với các thực thể là đảo tự nhiên ở Trường Sa, nếu thực thể nào nằm cách 1 đảo tự nhiên khoảng cách dưới 12 hải lý thì bản thân nó sẽ được dùng làm mốc để vạch 12 hải lý lãnh hải.
Điều này rất quan trọng trong việc xác định rõ đâu là vùng lãnh hải 12 hải lý, đâu là vùng an toàn 500m, đâu là “vùng biển quốc tế”. Việc điều tra khảo sát để xác định rõ các thực thể địa lý nào là đảo tự nhiên, thực thể địa lý nào là bãi cạn lúc nổi, lúc chìm là vô cùng cần thiết, mặc dù rất khó khăn, không thể một sớm một chiều có thể công bố một cách chính xác được.
Cho nên, việc cân nhắc lựa chọn vùng biển chung quanh một thực thể nào để thực hiện quyền tự do hàng hải hay quyền đi qua vô hại theo đúng Luật Biển là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Đây cũng là cơ hội mà Trung Quốc đang tận dụng, khai thác để phục vụ cho những toan tính của mình nhằm thực hiện âm mưu “biến không thành có” trong Biển Đông.
Câu hỏi ẩn ý của Tiến sĩ Tiết Lực về lập trường của Việt Nam
Tại hội thảo quốc tế “Con đường Tơ lụa trên biển và quan hệ quốc tế ở Biển Đông: Hiện trạng và triển vọng” do Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cùng Quỹ Konrad Adenauer tổ chức ngày hôm qua 27/11, Tiến sĩ Tiết Lực từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đã nói rằng:
“Trong số 7 thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng ở Trường Sa, có 3 thực thể là các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, gồm Xu Bi, Vành Khăn và Ga Ven. Trong số 29 (?) thực thể mà Việt Nam đang chiếm đóng chỉ có 10 thực thể là đảo tự nhiên, còn lại là những bãi cạn lúc nổi lúc chìm.
Vấn đề đặt ra là, nếu “tự do đi lại” trong phạm vi 12 hải lý quanh các bãi cạn do Trung Quốc chiếm đóng được thì nếu “tự do đi lại” trong phạm vi 12 hải lý quanh các bãi cạn lúc nổi lúc chìm Việt Nam đang chiếm đóng, Việt Nam sẽ phản ứng ra sao?”
Loại trừ thông tin thiếu chính xác về số lượng đảo, bãi cạn lúc nổi lúc chìm do ông Tiết Lực nêu ra,câu hỏi của Tiến sĩ Lực là một vấn đề pháp lý, đồng thời cũng là câu chuyện mà dư luận Việt Nam rất quan tâm, dẫn đến nhiều băn khoăn, ý kiến khác nhau khi đối diện với các vụ việc xảy ra trên thực địa.
Tiến sĩ Tiết Lực, ảnh: SCMP. |
Đầu tiên cần phải khẳng định, cả Việt Nam, Trung Quốc, Philippines đều là thành viên UNCLOS thì phải có nghĩa vụ tuân thủ mọi quy định của Công ước, không thể cái gì lợi cho mình thì theo, cái gì bất lợi cho mình thì chối bỏ.
Thứ hai, việc xác định tính chất của 138 thực thể địa lý ở Trường Sa là công việc khó khăn, phức tạp đòi hỏi tính khoa học và chính xác cao, phụ thuộc rất nhiều đến những biến đổi về mực nước biển, thủy triều, địa mạo, địa chất… nên chưa thể khẳng định một cách dễ dàng là 7 thực thể Trung Quốc chiếm đóng chỉ có 3 thực thể ông Lực nêu là bãi cạn lúc nổi lúc chìm, còn lại là đá, đảo nổi hoàn toàn trên mặt nước biển….
Thứ ba, khu vực quần đảo Trường Sa có điều kiện thời tiết, khí hậu, thủy văn cực kỳ phức tạp, địa hình địa mạo các thực thể biến động thường xuyên theo mùa. Thứ tư, Trung Quốc đã làm biến đổi cấu trúc vật lý của các thực thể này thành đảo nhân tạo bất hợp pháp khiến cho việc xác định tính chất pháp lý của nó còn khó khăn gấp bội.
Tuy nhiên, có một thực tế hiễn nhiên là trước khi Trung Quốc cất quân đánh chiếm trái phép các thực thể này tháng 3/1988, chắc chắn chúng không phải là đảo tự nhiên, bởi lẽ năm 1974 khi Quân giải phóng Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ra tiếp quản quần đảo Trường Sa từ quân đôi của Việt Nam Cộng hòa, các đảo tự nhiên, có người sinh sống, là đối tượng ưu tiên đầu tiên của việc tiếp quản có ý nghĩa lịch sử này.
Mặt khác chính Trung Quốc cũng đã tự chứng minh 7 thực thể ấy là các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm thông qua hình ảnh nước này xây dựng các nhà dàn công sự qua các thời kỳ khác nhau trên 7 thực thể sau khi chiếm đóng từ năm 1988, 1995 đến nay.
Ban đầu là những nhà dàn cao chân, cắm cọc trên các bãi cạn ngập nước khi thủy triều lên, và sau đó Trung Quốc không ngừng nâng cấp, cải tạo, xây dựng thành công sự nhà nổi kiên cố, đến bây giờ là đảo nhân tạo mà truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn liên tục tung lên mạng internet bao nhiêu năm qua là bằng chứng rõ ràng nhất về tính chất pháp lý về cấu tạo tự nhiên của 7 thực thể đó, không có thực thể nào là đảo theo đúng định nghĩa tại Điều 121 của Công ước Luật Biển.
Do đó, tuần tra chung hay không, tuần tra như thế nào là một bài toán pháp lý cần tính kỹ chứ không đơn giản. Mỹ đã làm đúng ở Xu Bi hôm 27/10 hay việc B-52 tuần tra sát Vành Khăn vừa qua. Và theo tôi, Mỹ nên tiến hành thường xuyên, không nhất thiết phải công bố theo định kỳ. Bởi vì “quyền tự do hàng hải” trong “vùng biển quốc tế” là không bị ràng buộc về mặt thời gian và không gian.
Nếu Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào tham gia bảo vệ và thực hiên “quyền tự do hàng hải” chính đáng này, nếu hành xử theo kiểu “đi qua vô hai” thì đó là việc làm “lợi bất cập hại”, là hành vi mặc nhiên thừa nhận yêu sách phi lý của Trung Quốc.
Một số hình ảnh trong bộ ảnh “Từ đá Chữ Thập đến đảo Chữ Thập” do các phóng viên của Tân Hoa Xã chụp lại.
Đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam tháng 3/1988 sau khi bị Trung Quốc chiếm bất hợp pháp. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam bị Trung Quốc bắt đầu bồi đắp bất hợp pháp từ tháng 9/1988, ảnh: Tân Hoa Xã. |
Đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp bất hợp pháp từ tháng 9/1988, ảnh: Tân Hoa Xã. |
Đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam bị Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp, ảnh: Tân Hoa Xã. |
Đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam bị Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp, ảnh: Tân Hoa Xã. |