Monday, January 6, 2025
Trang chủBiển nóngTQ sẽ phải trả giá vì phớt lờ dư luận quốc tế...

TQ sẽ phải trả giá vì phớt lờ dư luận quốc tế về Biển Đông

Khi một tòa án quốc tế hồi cuối tháng 10 khẳng định có quyền tài phán đối với trường hợp Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh đã bác bỏ quyết định đó và cho rằng điều này “sẽ chẳng dẫn đến đâu”.

Ảnh vệ tinh của CSIS cho thấy Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông.

Tuy nhiên các quan chức Philippines cũng như các nhà ngoại giao và chuyên gia quốc tế không đồng tình và khẳng định Trung Quốc sẽ phải chịu nhiều áp lực về luật pháp cũng như ngoại giao nếu Tòa xét xử thường trực ở Hague có quyết định nghiêng về phía Manila.

Các chuyên gia luật pháp cho rằng Manila có rất nhiều cơ hội giành chiến thắng, kết luận cuối cùng có thể được công bố vào giữa năm 2016.

Phán quyết của tòa án sẽ là một đòn giáng mạnh vào Trung Quốc, đặc biệt tại các cuộc gặp gỡ trong khu vực bởi nó đánh dấu lần đầu tiên một tòa án quốc tế can thiệp vào vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, khiến Bắc Kinh khó có thể phớt lờ.

Khi Manila nộp đơn kiện năm 2013, cộng đồng quốc tế chưa dành nhiều sự chú ý, song khi căng thẳng trên Biển Đông ngày một leo thang và vượt khỏi tầm khu vực, một số quốc gia châu Á và phương Tây bắt đầu bày tỏ sự ủng hộ việc nhờ sự can thiệp của tòa án quốc tế.

Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore, cho biết: “Các nước khác sẽ tận dụng điều này để đánh bại Bắc Kinh. Đó là lý do vì sao Trung Quốc thay đổi liên tục các bước đi”.

Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh thuộc Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế ở Washington, phân tích: “Có một sự lừa dối không hề nhẹ ở đây khi Trung Quốc giả vờ rằng mọi chuyện quá dễ dàng, không có gì to tát vì vậy đã phớt lờ và từ chối nó.

Nhưng tôi nghĩ rằng trên thực tế Bắc Kinh sẽ phải trả một cái giá quốc tế cho vấn đề này”.

Trung Quốc gọi đó là hành động “phù phiếm”

Manila đang tìm kiếm một kết luận hợp pháp về quyền được khai thác các khu vực trên Biển Đông trong vùng đặc khu kinh tế 200 hải lý theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Hiệp ước không đề cập đến các vấn đề chủ quyền nhưng vạch ra một hệ thống lãnh thổ và khu vực kinh tế được hình thành từ nhiều dạng vật chất khác nhau như các hòn đảo, bãi đá ngầm hay rặng san hô.

Trung Quốc, tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích trên Biển Đông, đã từ chối tham gia cũng như bác bỏ quyền hạn của tòa án trong trường hợp này dù tòa án đã thông qua UNCLOS.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 2/12 đã lặp lại khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất kỳ quyết định nào của tòa án đối với nước này.

Ngày 24/11, Trung Quốc cho rằng vụ việc này chỉ là “một nỗ lực vô ích nhằm bác bỏ chủ quyền của nước này ở Biển Đông”.

Michael Wesley, giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Quốc gia Australia, cho rằng Trung Quốc sẽ không cảm thấy bị rằng buộc bởi bất kỳ quy định nào.

“Biển Đông là một ví dụ điển hình cho lối tư duy chiến lược của Bắc Kinh và có thể sẽ sớm thay thế vị thế của Mỹ trong khu vực”, ông nói.

Thu hút sự chú ý của quốc tế

Đối với nhiều nhà ngoại giao, vụ việc Biển Đông là chìa khóa để buộc Trung Quốc phải tuân thủ các khái niệm luật pháp quốc tế căn bản về chủ quyền hàng hải.

Rất nhiều quốc gia đã yêu cầu tham gia quan sát phiên tòa ở Hague, bao gồm Việt Nam, Malaysia cũng như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Australia và Anh.

Washington cũng lên tiếng ủng hộ phiên tòa. Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel lại đề nghị Bắc Kinh tham gia phiên tòa quốc tế để giải quyết những tranh cãi xung quanh vấn đề Biển Đông.

Sau những cuộc hội đàm ngày 22/11, Bộ trưởng quốc phòng và Ngoại giao Australia và Nhật Bản cũng cho biết họ ủng hộ quyền được đưa vụ việc ra trước tòa án quốc tế.

Với việc từ chối tham gia vào tiến trình trên, Trung Quốc đã đánh mất cơ hội bảo vệ luận điểm của mình một cách hợp pháp.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới