H-6K về khái niệm tương tự vai trò của B-52 Mỹ, nhưng về thực lực thì hoàn toàn không thể đánh đồng với Tu-22M và Tu-160 Nga, Trung Quốc cũng thiếu công nghệ.
Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 4 tháng 12 dẫn trang mạng tạp chí “Lợi ích quốc gia” Mỹ ngày 2 tháng 12 đưa tin, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, máy bay ném bom của Không quân Trung Quốc gần đây đã vươn ra khỏi “chuỗi đảo thứ nhất”, tiến hành diễn tập.
Mặc dù Chính phủ Trung Quốc không cung cấp nhiều chi tiết, nhưng trong cuộc diễn tập lần này, Không quân Trung Quốc cử máy bay ném bom H-6K bay ở khu vực vượt qua một chuỗi đảo hơn 600 dặm Anh.
Chuỗi đảo này từ quần đảo Kuril xuống quần đảo Ryukyu, rồi đảo Đài Loan, quần đảo Philippines, đảo Borneo và kéo dài tới bán đảo Malaysia.
Người phát ngôn Không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa cho biết, trong cuộc diễn tập lần này, máy bay của không quân nước này vào ngày 27 tháng 11 đã bay trên bầu trời eo biển Miyako, phía nam đảo Okinawa.
Ngoài máy bay ném bom, Không quân Trung Quốc cũng đã điều máy bay chiến đấu và máy bay cảnh báo sớm trên không tới khu vực này. Theo Thân Tiến Khoa, các máy bay của Không quân Trung Quốc tuần tra ở Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông.
Theo ý của bài báo, cuộc diễn tập lần này sở dĩ quan trọng là do nó cho thấy Chính phủ Trung Quốc muốn thực sự áp đặt vùng nhận dạng phòng không ở khu vực này.
Máy bay ném bom H-6K Không quân Trung Quốc |
Ngoài ra, máy bay ném bom H-6K và máy bay chiến đấu hộ tống nó – hầu như là biến thể của máy bay chiến đấu Su-30 Flanker do Nga chế tạo. Điều này cũng đã phát đi tín hiệu đối với Lầu Năm Góc và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, yêu cầu họ giữ khoảng cách.
H-6K là phiên bản nâng cấp trên nền tảng máy bay ném bom Tu-16 Badger do Liên Xô chế tạo vào thập niên 50 của thế kỷ 20, là máy bay ném bom chủ lực của Không quân Trung Quốc.
Mặc dù máy bay ném bom Badger đã lỗi thời, nhưng H-6K là một loại máy bay hiện đại, thân máy bay, bộ cảm biến và thiết bị đẩy đều đã được cải tiến rất lớn.
Động cơ D-30-KP2 mới đã thay thế động cơ WP8 cũ. Động cơ mới của Nga cộng với vật liệu composite mới giúp cho hành trình của loại máy bay ném bom này đã tăng khoảng 30% – bán kính tác chiến khoảng 2.200 dặm Anh.
Khi thiết kế, H-6K coi việc mang theo tên lửa hành trình là một đặc điểm quan trọng. Loại máy bay này có thể mang theo 6 quả tên lửa hành trình chống hạm và tấn công mặt đất tầm xa YJ-12 hoặc KD-20, hơn nữa ở trong khoang đạn có thể còn chở nhiều tên lửa hơn.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 Nga |
Nghe nói, nó còn mang theo rất nhiều vũ khí dẫn đường chính xác. Điều này giúp cho nó không chỉ tạo ra mối đe dọa đối với tàu chiến của Mỹ và đồng minh, mà còn đe dọa các căn cứ mặt đất.
Theo bài báo, H-6K chỉ là một bộ phận trong hệ thống vũ khí chống can dự của Trung Quốc, những vũ khí này bao gồm tên lửa đạn đạo chống hạm do Trung Quốc chế tạo. Trung Quốc muốn thông qua loại vũ khí này để ngăn chặn Quân đội Mỹ áp sát.
Mặc dù H-6K là một loại trang bị tác chiến mạnh có thể lắp tên lửa hành trình, về khái niệm tương tự vai trò của máy bay ném bom B-52 Không quân Mỹ, nhưng về thực lực nó hoàn toàn không thể đánh đồng với máy bay ném bom Tu-22M hoặc Tu-160 Blackjack của Nga.
Mục tiêu khi thiết kế của hai loại máy bay này là tấn công cụm chiến đấu tàu sân bay của Hải quân Mỹ trong thời gian Chiến tranh Lạnh.
Như vậy, cùng với sự thúc đẩy không ngừng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương, họ cuối cùng có thể phát triển máy bay ném bom siêu âm tương tự với Tu-22M. Đồng thời, Không quân Trung Quốc còn có thể sẽ nghiên cứu chế tạo một loại máy bay ném bom tàng hình trong tương lai.
Nhưng, bất kể là loại tình hình nào, Trung Quốc hiện nay có thể không có công nghệ đẩy cần thiết cho nghiên cứu chế tạo loại máy bay này.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Nga |