Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiMoscow: Ai dám cấm tàu Nga giương tên lửa ở eo Bosphorus?

Moscow: Ai dám cấm tàu Nga giương tên lửa ở eo Bosphorus?

Bộ Ngoại giao Nga vừa tuyên bố, không có quy định nào cấm tàu chiến Nga đi qua eo biển Bosphorus giương tên lửa phòng không để tự bảo vệ mình.

Ảnh chụp thủy thủ Nga vác tên lửa phòng không cá nhân đứng trước mũi tàu

Đáp trả lại tuyên bố rằng thủy thủ Nga vác tên lửa phòng không trên boong khi tàu chiến Nga đi qua eo biển Bosphorus, ngang khu vực thành phố Istanbul, ra Địa Trung Hải, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng, hành động đó không hề vi phạm các điều khoản hiệp ước Montreux 1936.

Ngày 4-12 vừa qua, thủy thủ Nga mang tên lửa vác vai đứng trên boong tàu đổ bộ Caesar Kunikov ở eo biển Bosphorus, đã không vi phạm bất kỳ điều khoản nào của hiệp ước Montreux – người phát ngôn của “quảng trường Smolensk” (chỉ Bộ ngoại giao Nga), bà Maria Zakharova nhấn mạnh.

Theo hãng thông tấn TASS, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4-12 cho biết, người dân nước này đã phát hiện thấy một thuỷ thủ mang tên lửa vác vai chĩa ra phía trước trên boong tàu quân sự Caesar Kunikov ngày 4-12. Đó là lúc tàu đổ bộ Nga đang hành trình tới Syria.

Người phát ngôn cơ quan ngoại giao Nga Maria Zakharova ngạc nhiên nói rằng, không hiểu sao Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lại triệu Đại sứ Nga ở Ankara đến để “bày tỏ mối quan ngại” và gọi đây là hành động “làm dấy lên những bình luận bất bình” trên báo chí địa phương?

Bà nhấn mạnh, vì sao trường hợp này lại được Ankara cho là “sự khiêu khích và đe dọa”, trong khi ảnh chụp binh lính trực trên tàu hải quân Tây Ban Nha ở eo biển có trang bị súng phóng lựu cỡ lớn, lại không làm phía Thổ Nhĩ Kỳ và báo giới nước này thắc mắc?

Bà Maria Zakharova nhấn mạnh, bảo vệ tàu là quyền hợp pháp của mọi thủy thủ đoàn, tàu của Nga không vi phạm điều khoản nào của hiệp ước Montreux 1936, được lập ra để điều chỉnh hoạt động hàng hải qua các eo biển, cũng như những qui định liên quan của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà cho biết, lúc đó, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã tuyên bố “Thứ ở trong tay quân nhân Liên bang Nga, đứng trên boong vào lúc tàu đi qua eo biển Bosphorus được Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá như một mối đe dọa tiềm năng, chúng tôi coi vụ việc là sự khiêu khích”.

Tiếp theo, vào sáng 7-12 Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng, Nga phô bày bất kỳ thứ vũ khí gì khi đi qua eo biển Bosphorus “đều là hành động khiêu khích”. Việc đáp trả theo cấp độ tương xứng sẽ được Ankara xem xét nếu như đây là mối đe dọa.

“Khi các nhà ngoại giao chúng tôi đề nghị phía Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra vi phạm cụ thể, chúng tôi đã không nghe thấy điều gì rõ ràng ngoài những viện dẫn trừu tượng về “bối cảnh và triết lý” nào đó của tiêu chuẩn luật pháp quốc tế” – nhà ngoại giao Nga tỏ vẻ băn khoăn.

 

Eo biển Bosphorus chia đôi 2 lục địa Á-Âu, nằm vắt ngang 2 bên bờ là thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ

Được biết, sự việc này xảy ra trong bối cảnh Moscow đang nghi ngại khả năng Ankara bất chấp luật lệ quốc tế để đóng cửa eo biển Bosphorus đối với chiến hạm Nga, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tiếp gây khó dễ cho các tàu thuyền Nga đi qua eo biển này để ra-vào Biển Đen và Địa Trung Hải.

Quan hệ giữa Ankara và Moscow đã trở lên vô cùng căng thẳng sau khi máy bay tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 của Nga vào ngày 24-11, khi nó đang tiến hành chiến dịch truy quét các phần tử của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.

Điểm đặc biệt là Nga cáo buộc máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt biên giới Syria sâu 2km, trong vòng 40 giây để bắn rơi máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 của Nga, trong khi đó Ankara tuyên bố máy bay Nga đã xâm nhập không phận nước này khoảng 17 giây.

Sau đó, Nga đã điều động hàng loạt hệ thống phòng không tiên tiến như S-300, S-400 sang Syria, đồng thời tuyên bố sẵn sàng bắn rơi bất cứ mục tiêu nào đe dọa đến máy bay Nga. Ngoài ra, Moscow còn áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế, cắt đứt liên hệ về quân sự với Ankara.

Ngoài ra, Moscow còn cáo buộc Ankara và chỉ đích danh cha con Tổng thống Erdogan bắt tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS để buôn bán dầu lậu, đồng thời tuồn vũ khí và cung cấp tài chính, hậu cần cho nhóm phiến quân Syria Turkmen – người Syria gốc Thổ Nhĩ Kỳ, chống đối chính phủ của ông Assad.

RELATED ARTICLES

Tin mới