Reuters bình luận, chính phủ Trung Quốc coi việc “bổ nhiệm” Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 15 sau khi ngài Tenzin Gyatso viên tịch là chìa khóa để củng cố kiểm soát.
Reuters ngày 8/12 dẫn nguồn tin truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, Bí thư khu ủy Tây Tạng đã kêu gọi Ban Thiền Lạt Ma đời 11, một chức sắc lãnh đạo cao thứ 2 trong Phật giáo Tây Tạng từ chối vai trò lãnh đạo tinh thần của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời 14, người đang phải sống lưu vong tại Ấn Độ.
Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 11 hiện nay do chính phủ Trung Quốc chỉ định, trong khi cậu bé được Đức Đạt Lai Lạt Ma đương thời xác nhận là hóa thân của Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 10 đã mất tích từ khi 6 tuổi. Số phận của vị Ban Thiền Lạt Ma mất tích này đến nay vẫn là bí mật bị cấm nhắc đến tại Trung Quốc.
Theo hiểu biết của người viết, truyền thống Phật giáo Tây Tạng tin rằng các nhà tu hành đắc đạo, các vị Lạt Ma cao cấp sẽ tái sinh ngay sau khi họ qua đời. Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma là 2 tôn hiệu Phật giáo Tây Tạng dùng để xưng danh vị lãnh tụ tinh thần của họ và người giúp việc cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.
2 vị này sẽ lần lượt tái sinh, khi người này viên tịch (qua đời), thì người kia có trách nhiệm tìm kiếm hậu thân của người này trong hình hài mới của một đứa trẻ với những chỉ dấu do tiền thân của họ trước lúc viên tịch để lại.
Đứa trẻ được xác định là hậu thân tái sinh của một trong hai người sẽ được người kia đưa về tu viện xuất gia, học tập kinh điển, truyền trao giáo pháp. Đến tuổi trưởng thành khi trải qua đầy đủ các kỳ khảo hạch sẽ lãnh nhiệm trọng trách chính thức của một Đạt Lai Lạt Ma hay Ban Thiền Lạt Ma kế tiếp.
Reuters lưu ý, đảng Cộng sản Trung Quốc và Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện đời đang có mâu thuẫn về “thẩm quyền quyết định tái sinh” của bản thân Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Trong khi vị lãnh tụ Phật giáo Tây Tạng quyết định không tái sinh, các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh bảo “không được từ chối tái sinh”.
Cậu bé mà Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện đời xác định là Ban Thiền Lạt Ma tái sinh có tên gọi Gendun Choekyi Nyima, năm nay 26 tuổi. Năm 1995, chính phủ chọn Gyaltsen Norbu, một người khác làm Ban Thiền Lạt Ma thứ 11.
Truyền thông Trung Quốc dẫn lời ông Trần Toàn Quốc, Bí thư Tây Tạng nói với Gyaltsen Norbu, ông hy vọng vị Lạt Ma này sẽ kiên định trung thành với đảng Cộng sản Trung Quốc, bảo vệ sự thống nhất quốc gia.
“Kiên quyết vạch rõ ranh giới với Đạt Lai Lạt Ma đời 14 và kiên quyết nói không với mọi hoạt động ly khai, lật đổ”, ông Quốc nói với Gyaltsen Norbu. Vị Lạt Ma này đáp lời: “Phật giáo Tây Tạng đang ở giai đoạn phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử, các chức sắc tín đồ được hưởng tự do tôn giáo hoàn toàn”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện thời đời 14 có tên là Tenzin Gyatso, năm nay 80 tuổi phải sống lưu vong tại Ấn Độ sau cuộc nổi dậy bất thành đòi tự trị cho Tây Tạng năm 1959. Bắc Kinh cho rằng ông là người ly khai, bạo lực, nhưng bản thân Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn từ chối mọi phương tiện bạo lực.
Reuters bình luận, chính phủ Trung Quốc coi việc “bổ nhiệm” Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 15 sau khi ngài Tenzin Gyatso viên tịch là chìa khóa để củng cố kiểm soát đối với Tây Tạng.