Vũ khí lợi hại nhất của hàng Trung là giá rẻ và họ mượn tay người Việt làm ăn chộp giật làm đòn bẩy để tiêu thụ hàng hóa cho họ.
Câu chuyện của hai doanh nghiệp sản xuất tăm tre Việt Nam (Tăm tre Bình Minh và tăm tre Á Đông) là những ví dụ tiêu biểu cho cuộc chiến giành lại thị trường trong nước từ tay Trung Quốc.
Đòn hiểm của Trung Quốc
Theo ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc doanh nghiệp Tăm tre Bình Minh, vũ khí lợi hại nhất của hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam là giá rẻ, và mượn tay người Việt Nam làm ăn chộp giật làm đòn bẩy tiêu dùng cho hàng hóa của họ.
Ông kể, vào năm 2010, tăm Trung Quốc có mặt khắp thị trường Việt Nam. Báo chí đưa tin lượng tăm tre nhập khẩu trong năm đó lên đến 1.118 tấn, chủ yếu là từ Trung Quốc, Đài Loan, sản phẩm của doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc. Không dừng ở đó, đầu vào của doanh nghiệp trong nước cũng lao đao vì doanh nghiệp Trung Quốc thu mua cả tre non, hàng ngày người ta chặt hàng trăm tấn tre để bán, tre mọc còn không kịp nữa là trồng, bởi thế nguyên liệu tre cạn kiệt.
Phía Trung Quốc chở tre về sản xuất, mất tiền điện, tiền công, hao mòn máy móc rồi lại chở tăm sang Việt Nam bán giá rẻ bằng tiền nguyên liệu cuả các cơ sở sản xuất tăm tre trong nước. Bởi thế, dẫu có làm ăn chân chính, bài bản, doanh nghiệp vẫn thua ngay trên sân nhà. Tại sao doanh nghiệp Trung Quốc lại bán tăm tre rẻ như vậy và họ lấy gì để bù vào? Không có loại công nghệ nào sản xuất sản phẩm giá rẻ bằng tiền nguyên liệu được.
Câu hỏi đó chúng tôi đặt ra trong nhiều năm và tìm hiểu thì thấy có 2 vấn đề: Thứ nhất, vào những năm 2005-2007 nguyên liệu tre ở nước ta rất rẻ 500đ/kg (nay là 3.600đ/kg), tăm tre Bình Minh xuất khẩu với giá rẻ vì vậy họ tìm mọi thủ đoạn để tận diệt doanh nghiệp. Trong nước, họ tung dư luận tăm tẩm hóa chất trên các mạng điện tử. Họ thu mua nguyên liệu cho đến cạn kiệt, họ dùng chiêu dọa nạt cho mình sợ không dám sản xuất.
Thứ hai, tăm Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam liệu có hàng trốn thuế vì tăm nhập vào và xuất khẩu thuế gần như bằng 0? Nếu đúng như vậy thì tăm Trung Quốc dẫu có cho không vẫn có lãi”, ông Hà cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hà, từ năm 2014 đến nay, các chiêu trò mới tạm dừng lại vì nguyên liệu sản xuất dần cạn kiệt, giá thành cao, tăm nhập khẩu vào Việt Nam tạm thời lắng xuống. Nếu ở thời ‘hoàng kim’, khi còn làm hàng xuất khẩu, tăm tre Bình Minh có 4 xưởng sản xuất, công nhân có lúc lên tới hơn 200 người thì hiện nay doanh nghiệp đã ‘khai tử’ 2 xưởng còn 2 xưởng với 14 công nhân làm ăn cầm chừng và cũng không còn cơ hội xuất khẩu.
“Câu chuyện của tăm tre Bình Minh cũng là câu chuyện chung của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đơn phương độc mã tự vật lộn để tồn tại”, ông nói.
Giành thị trường
Anh Trang, Giám đốc chi nhánh Doanh nghiệp tư nhân sản xuất và thương mại Á Đông, đơn vị có nhãn hiệu tăm VIP nổi tiếng trên thị trường cũng thừa nhận rằng, hàng Trung Quốc rẻ hơn hàng Việt, giá nhân công của họ cũng rẻ hơn, bởi thế để cạnh tranh được với hàng Trung Quốc không phải ngày một ngày hai là được ngay. Điều doanh nghiệp Việt cần làm là xây dựng được thương hiệu của mình.
Theo anh Trang, nhiều năm qua, doanh nghiệp Á Đông đã xây dựng được thương hiệu tăm VIP độc quyền. Sau đó trên thị trường tiếp tục xuất hiện nhiều loại tăm giả, nhái kém chất lượng.