Với tư tưởng thù hận và phá hoại, các hành động của IS cho thấy tổ chức này đang muốn khơi mào một cuộc chiến tranh thế giới, giữa Hồi giáo và những người khác.
Đó là nhận định được ông David L. Phillips – Giám đốc Chương trình Nhân quyền và Tạo dựng Hòa bình thuộc Đại học Columbia – nêu ra trong một bài viết trên CNBC.
Tác giả cho rằng, để đạt được mục tiêu này, IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) dường như đang cố gắng dụ Mỹ triển khai một lực lượng lớn hơn tới thực địa ở Iraq và Syria, để có thể tước đoạt mạng sống của thêm nhiều người nữa.
Theo ông, Mỹ không thể bỏ qua hiểm họa IS nhưng không nên triển khai quân tới Iraq và đón lấy nguy cơ bị sa lầy. Washington cần một chiến lược chống khủng bố dựa trên sự hiểu biết tốt hơn về hệ tư tưởng, mục tiêu và lịch sử của IS.
IS gồm toàn những kẻ cuồng tín về tôn giáo. Chúng có một cách diễn giải xuyên tạc và bóp méo kinh Koran để biện hộ cho bản tính tàn ác của mình. Các thành viên IS ngập tràn lòng thù hận đối với phương Tây và sẵn sàng tấn công liều chết.
IS còn gồm những thành viên đảng Baath của Saddam Hussein. Họ coi việc Mỹ chiếm đóng Iraq là một phần của chiến lược đế quốc, hòng kiểm soát nguồn tài nguyên dầu mỏ và đất đai của người Hồi giáo.
Chính quyền Bush cho rằng, cuộc chiến Iraq có thể dẫn tới dân chủ và nhân quyền ở Trung Đông. Thế nhưng, nó lại khuyến khích Hồi giáo cực đoan và kích thích kẻ thù của Mỹ. Nó sản sinh ra một thế hệ thánh chiến binh, mà nhiều kẻ trong đó đã gia nhập IS.
Abu Bakr Al-Baghdadi, quốc vương tự xưng của IS, từng phải ngồi tù trong Trại Bucca ở Baghdad. Khi được thả năm 2009, ông ta đe dọa người Mỹ: “Tôi sẽ gặp các người ở New York”.
Những nhân vật cực đoan như Baghdadi ghét Mỹ vì phá nát Iraq. Họ cũng phẫn nộ trước sự ủng hộ của Washington dành cho các chế độ mà trong mắt họ toàn là tham nhũng, chuyên chế và bất kính ở Vịnh Ba Tư. Mỹ là “kẻ thù từ xa”.
Họ xem các lãnh đạo Ảrập hợp tác với phương Tây, đặc biệt là trong việc khai thác các tài nguyên khoáng sản, là “kẻ thù gần”.
Người Shiite cũng nổi trội trong danh sách thù hận của IS. Đối với IS, người Shiite là những kẻ dị giáo. Họ coi Chính phủ Iraq dưới sự lãnh đạo của Haider al-Abadi thuộc Đảng Shiite Dawa là kẻ bội phản.
IS khinh thường cả Iran, vì vậy thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và nước này càng tiếp thêm dầu vào lửa.
Theo tác giả David L. Phillips, chính quyền Obama không thể bỏ qua mối nguy IS. Tình hình hiện nay rất cấp bách. Tuy nhiên, Mỹ không thể đập tan IS chỉ bằng ngôn từ hay oanh kích từ trên cao. Kiềm chế IS cũng không phải là một chiến lược.
Ý thức hệ của IS đang gây bất ổn và tàn phá khu vực. Tổ chức này cũng trở thành bệ phóng cho các cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu và Mỹ. Do vậy, theo chuyên gia Phillips, IS như một khối ung nhọt cần phải được cắt bỏ nhanh chóng.