Theo thông cáo của Human Rights Watch hôm 9/12, một phúc trình của Liên Hiệp Quốc chỉ ra rằng Trung Quốc vẫn sử dụng rộng rãi hoạt động tra tấn nghi phạm và đàn áp luật sư trên diện rộng bất chấp việc nước này cam kết chấm dứt sử dụng nhục hình vào năm 2013.
Trong phiên điều trần trước 10 chuyên gia của Ủy ban Chống Tra tấn Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sỹ, đoàn đại biểu Trung Quốc từ chối trả lời các câu hỏi quan trọng của ủy ban; nói rằng thuật ngữ “tra tấn” khó dịch chuẩn sang tiếng Trung; và bào chữa rằng “ghế hổ” – dụng cụ mà tù nhân bị buộc phải ngồi những tư thế vô cùng đau đớn trong nhiều giờ khi lấy cung – được dùng để bảo vệ an toàn và khiến tù nhân “thoải mái”.
“Trung Quốc không nghiêm túc và sẵn sàng trong việc tiếp nhận các đề nghị của các chuyên gia độc lập nhằm xóa bỏ tra tấn và nhục hình trong khi giam giữ. Với hành động này, chính quyền Trung Quốc đã từ chối mục tiêu cốt lõi của các bản đánh giá của Liên Hiệp Quốc, tiếp tục gây đau đớn cho các nạn nhân tra tấn sống sót”, Ủy ban kết luận.
Phúc trình của Ủy ban Chống Tra tấn LHQ nói rằng đoàn Trung Quốc không sẵn sàng cung cấp dữ liệu về số lượng các vụ cáo buộc tra tấn trong trại giam. Đồng thời Ủy ban cũng nêu quan ngại về các cuộc trấn áp lên luật sư nhân quyền, tra tấn những người biểu tình vụ Thiên An Môn 1989 và ép buộc những người tị nạn chạy trốn chế độ Kim Jong-un về Bắc Triều Tiên.
Phúc trình thống kê hơn 200 luật sư đã bị nhà cầm quyền bắt bớ và sách nhiễu từ tháng 7/2015, ít nhất 25 người vẫn còn trong các hắc ngục không rõ địa chỉ. Các chuyên gia lo ngại việc làm dụng bạo lực này có thể ngăn cản giới luật sư lên tiếng về tình trạng tra tấn thân chủ của họ trong ngục vì sợ bị trả thù.
Bất chấp việc Trung Quốc ban hành điều luật sửa đổi trong Bộ luật tố tụng hình sự 2012 trong đó cấm việc sử dụng lời khai lấy được do tra tấn và dùng nhục hình, LHQ nói rằng những luật này sau 3 năm vẫn chưa được thực thi.
Một đề nghị sử dụng ghi hình, ghi âm các buổi lấy lời khai của nghi phạm cũng bị chính quyền Bắc Kinh phớt lờ.
Bản phúc trình hôm 9/12 của Ủy ban chống Tra tấn LHQ một lần nữa khẳng định lại báo cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế hồi tháng 11, trong đó lên án Bắc Kinh dùng nhục hình với tù nhân và khủng bố đối với luật sư.
Thượng tôn pháp luật bị thay thế bằng chế độ công an trị, trong đó cả luật sư cũng bị đàn áp và đe dọa.
Trung Quốc thông qua Công ước chống tra tấn năm 1988. Theo đó, các quốc gia thành viên của công ước này phải đệ trình báo cáo 4 năm một lần về các biện pháp đã áp dụng để thực hiện cam kết chấm dứt tra tấn cũng như nộp các báo cáo khác mà Ủy ban yêu cầu.
Năm 2013, Tòa án Tối cao của Trung Quốc ra lệnh cấm tra tấn và yêu cầu cải cách hệ thống pháp lý hình sự, tuy nhiên các tổ chức nhân quyền chỉ trích rằng các trại giam và đồn cảnh sát Trung Quốc vẫn dùng nhục hình như một biện pháp phá án chủ yếu.
Trong phúc trình năm nay, LHQ tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt tra tấn và đóng cửa các hắc ngục. Tuy nhiên, chưa biết điều này thực hiện ra sao khi mà giới chức nước này không thừa nhận có tồn tại tra tấn và các hắc ngục bí mật.
Sau khi phúc trình công bố, hôm 10/12 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng biện hộ cho hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh, nói rằng trong những năm qua Trung Quốc đã “thúc đẩy thượng tôn pháp luật và nỗ lực trên mọi phương diện, kể cả chống tra tấn“.