Friday, October 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCảnh báo TQ lại sắp phá giá đồng nhân dân tệ?

Cảnh báo TQ lại sắp phá giá đồng nhân dân tệ?

Ngày 11/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã hạ tỷ giá tham chiếu bình quân của đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua.

Theo quyết định trên, PBoC đặt tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ ở mức 6,4358 nhân dân tệ/1 USD – mức thấp nhất kể từ ngày 5/8/2011 và thấp hơn 0,2% so với tỷ giá 6,4236 nhân dân tệ/1 USD được PBOC ấn định trước đó.

Hãng tin Reuters (Anh) cho rằng điều này làm dấy lên nghi ngờ về việc ngân hàng trung ương có ý định phá giá đồng nhân dân tệ trong bối cảnh dòng vốn thoái mạnh và sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang gây áp lực lên đồng nhân dân tệ. PBoC cho phép tỷ giá biến động với biên độ dao động tối đa 2% so với tỷ giá tham chiếu.

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo sẽ đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) cùng với đồng USD, euro, bảng Anh và đồng yen.

Theo chuyên gia phân tích Julian Evans-Pritchard thuộc Capital Economics, chính tâm lý lo ngại đồng nhân dân tệ sẽ giảm giá sau khi gia nhập giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế đã khiến dòng vốn Trung Quốc “chảy” ồ ạt.

Ước tính dòng vốn ròng chảy khỏi Trung Quốc tính đến hết tháng 11/2015 đạt mức cao kỷ lục 113 tỷ USD.

Cơ quan Hải quan Trung Quốc cũng vừa công bố thêm loạt số liệu kinh tế kém khả quan của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo đó, kim ngạch ngoại thương trong tháng 11 giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 2.160 tỷ nhân dân tệ (337 tỷ USD), đánh dấu tháng suy giảm thứ 9 liên tiếp. Xuất khẩu giảm 3,7% trong khi nhập khẩu giảm 5,6%.

Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với các đối tác thương mại lớn nhất như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản trong tháng 11 cũng giảm. Chỉ riêng với Mỹ, con số này tăng nhẹ gần 2%.

Được biết, đến ngày 1/10/2016, quyết định của IMF mới có hiệu lực và theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc vẫn cần phải cải thiện cái nhìn của quốc tế về cách thức họ can thiệp vào thị trường.

Từng trao đổi với Đất Việt, Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới cho hay, có quan điểm nhận định cách thức mà Trung Quốc can thiệp thị trường chính là cản trở để đồng nhân dân tệ của nước này trở thành đồng tiền tin cậy, mang tính thị trường hoàn toàn.

“Minh chứng cụ thể nhất là động thái Trung Quốc can thiệp vào thị trường chứng khoán bằng các biện pháp mang tính chất hành chính không mang tính thị trường. Các quốc gia như Mỹ, Nhật cảm thấy đồng tiền của Trung Quốc không phản ánh thực thị trường, trong khi đối với các nhà đầu tư, điều quan trọng nhất với họ là đồng tiền xấu-tốt, hay-dở, lên-xuống hoàn toàn do thị trường, từ đó nhà đầu tư mới tính toán được. Còn can thiệp mang tính hành chính, mệnh lệnh thì không thể biết được đồng tiền đó chuẩn hay không chuẩn. Nếu đưa đồng tiền không chuẩn vào giỏ tiền tệ quốc tế dứt khoát sẽ gây nên hỗn loạn và như thế không thể chấp nhận được.

Cả một thời gian dài Mỹ nghi ngại Trung Quốc neo giá đồng nhân dân tệ yếu nhưng cho đến bây giờ Mỹ cũng phải thừa nhận rằng mức độ làm cho đồng nhân dân  tệ yếu đi một cách giả tạo của Trung Quốc đã giảm bớt sau 20 năm. Tuy nhiên, ý đồ can thiệp của Trung Quốc vào giá trị đồng tiền để giành giật lợi ích của các nước khác là vẫn còn. Ý đồ đó dẫn đến hành động can thiệp vào đồng nhân dân tệ, làm cho các nước không tin đồng nhân dân tệ phản ánh đúng tính chất thị trường”, ông Sơn chỉ rõ.

RELATED ARTICLES

Tin mới