Trong số 246 lô đất vệt biệt thự sân bay Nước Mặn, có nhiều người đứng tên 2–5 lô và đặc biệt có người đứng tên 12 lô. Tuy nhiên, nhiều người trong số này, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn. Dư luận đang nghi ngại, có hay không việc những người này đứng tên mua dùm cho người Trung Quốc?
Ngôi nhà anh Cang đang sống cùng bố mẹ
Theo danh sách của Văn phòng đăng ký đất đai quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) có 246 lô đất vệt biệt thự sân bay Nước Mặn (đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn) đã đăng ký quyền sử dụng đất cho các công ty, cá nhân. Trong số đó, có nhiều người đứng tên 2 – 5 lô. Đặc biệt trường hợp anh Lý Phước Cang (sinh 1985, trú thôn Dương Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đứng tên 12 lô. Tính theo giá đất hiện hành, số tiền anh này bỏ ra để mua 12 lô đất trên khoảng 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, gia đình anh Cang thuộc diện khó khăn. Nhiều người đặt câu hỏi: Vậy anh Cang lấy tiền đâu để mua số đất đó?
Ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư chi bộ thôn Dương Sơn cho biết, anh Cang là con của ông Lý Phước Lân. Ông Lân trước đây có tham gia cách mạng và làm Chánh án Tòa án nhân dân một huyện ở Gia Lai. Sau khi ông Lân nghỉ hưu thì về sống và sinh hoạt tại địa phương. Hiện tại, ông Lân đang bị bệnh, phải nằm một chỗ. Riêng anh Cang đã có vợ con và cũng đang sống cùng với bố mẹ anh Cang. Ngôi nhà mà gia đình ông Lân ở là do chú của vợ ông để lại cho.
“Gia đình ông Lân thuộc diện khó khăn. Cha nó khó khăn thì nó cũng khó khăn. Một lô cũng không mua nổi chứ đừng nói là 12 lô. Còn nó đứng tên mua dùm cho ai, có phải mua cho người Trung Quốc hay không thì tui không biết”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng cho biết, ở thôn này không ai biết anh Cang có mua 12 lô đất. Đến khi thấy báo chí nói họ mới hay.
Còn bà Nguyễn Thị Vọng, mẹ của anh Cang cho biết, anh Cang đã có vợ và con trai 3 tuổi. Hiện anh Cang đang làm ở bộ phận kiểm tra hàng quá khổ, quá tải tại Sân bay Đà Nẵng, lương 4 triệu đồng/tháng. Vợ anh Cang làm hộ lý tại Bệnh viện Đà Nẵng, lương 2 triệu đồng/tháng.
Vì thế khi nghe nói anh Cang mua 12 lô đất, bà Vọng rất bất ngờ, không hiểu chuyện gì.
“Vợ chồng nó đi làm, lương không đủ nuôi con lấy đâu mà mua đất. Nhiều lúc nó còn phải xin tiền tui”, bà Vọng nói.
Cũng theo bà Vọng, chồng bà về hưu đã 20 năm nay, lương hưu tháng được 5 triệu đồng. Giờ ông ốm nằm một chỗ đó nhưng vợ chồng anh Cang cũng không có tiền để phụ với bà.
Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Có phải anh Cang đứng tên mua dùm cho người Trung Quốc không?”, bà Vọng cho biết: “Nhà cô làm cách mạng mà. Mà từ trước từ giờ, cô thấy nó không có mối quan hệ nào với người Trung Quốc cả. Hắn có quen biết ai đâu, đi làm rồi về thôi”.
Thời gian qua, tình trạng người Trung Quốc “giấu mặt” mua đất ven biển Đà Nẵng rất được nhiều người quan tâm bởi đây là khu vực “nhạy cảm”. Trước đó, ông Nguyễn Điểu – Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng đã cảnh báo về tình trạng này. Qua rà soát của cơ quan chức năng, đã xác định được 71 người Việt đứng tên mua 138 lô đất cho người Trung Quốc. Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Liên Chiểu ngày 2/10, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã trấn an cử tri: “Thành phố biết chuyện này và tiếp tục quản lý, khống chế chặt chẽ không để nó biến thành khu phố Tàu”.
Tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 2 diễn ra sáng 4/12, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng cho biết, thường trực cũng đã có ý kiến không ghép thửa, xây dựng các công trình cao tầng tại các khu vực nhạy cảm.