Monday, November 25, 2024
Trang chủQuân sựHải quân Mỹ nâng cấp tên lửa đối phó TQ

Hải quân Mỹ nâng cấp tên lửa đối phó TQ

Hải quân Mỹ đang có kế hoạch nâng cấp các tên lửa chống hạm mới đồng thời xây dựng lại học thuyết quân sự nhằm bắt kịp tốc độ chạy đua vũ trang ngày càng ráo riết của Trung Quốc.

Hải quân Mỹ đang lên kế hoạch nâng cấp tên lửa và thay đổi chiến lược quân sự nhằm đối phó với sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Ảnh minh họa: Wikipedia

Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, hải quân Mỹ đang gấp rút tiến hành đặt mua các loại tên lửa chống hạm mới và xem xét lại toàn bộ chiến lược quân sự của mình ở Thái Bình Dương. Nguyên nhân xuất phát từ thực tế Trung Quốc gần đây liên tục có những động thái nhằm củng cố và tăng cường sức mạnh hải quân, theo Foreign Policy.

Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quân đội Mỹ luôn là lực lượng dẫn đầu ở mặt trận trên biển mà không có một đối thủ cạnh tranh xứng tầm. Tuy nhiên, chỉ trong một thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng được một lực lượng hải quân đáng gờm. Với mức đầu tư cho quân sự lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm, Bắc Kinh nay tự sản xuất được các loại tàu chiến đủ kích cỡ và trang bị cho chúng hệ thống vũ khí, tên lửa hùng hậu. Giới phân tích đánh giá Trung Quốc dường như đang thể hiện ý đồ làm suy giảm sức ảnh hưởng của hải quân Mỹ.

Sau quãng thời gian dài hoạt động kém sôi nổi, hải quân Nga cũng bắt đầu có dấu hiệu muốn quay trở lại cuộc đua. Mới đây nhất, Moscow thu hút sự chú ý của thế giới khi phô diễn sức mạnh bằng cách phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm tàng hình mới nhất Rostov-on-Don của mình nhắm vào các mục tiêu khủng bố ở Syria.

Song, mối đe doạ đang gia tăng nhanh chóng từ Trung Quốc có lẽ mới chính là nhân tố quyết định buộc các tướng lĩnh hải quân Mỹ phải hoạch định lại chiến lược quân sự và lên tiếng hối thúc phát triển những loại tên lửa chống hạm mới cho các tàu hoạt động trên mặt biển.

Hoàn thiện sức mạnh

hai-quan-my-nang-cap-ten-lua-doi-pho-trung-quoc-1

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln thuộc lớp Nimiz của hải quân Mỹ. Ảnh: CNN

Lầu Năm Góc đã lên phương án nâng cấp, chỉnh sửa các loại tên lửa sẵn có nhưng đang dùng cho mục đích khác thành tên lửa chống hạm. Ứng viên đầu tiên là tên lửa hành trình Tomahawk, vốn chỉ được dùng để tấn công các mục tiêu cố định ở đất liền.

Các quan chức hải quân Mỹ đều nhận ra rằng họ không còn giữ vị thế “độc tôn” nữa và những tổn thất có thể phải gánh chịu trong trường hợp đụng độ với Trung Quốc là rất đáng kể.

Trước kia, với sự vượt trội hoàn toàn về sức mạnh hải quân, phương pháp chiến đấu của Mỹ thường là tấn công tổng lực, quét sạch hệ thông phòng thủ trên không và dưới đất của đối phương nhằm giành chiến thắng toàn diện. Nhưng nay, phương pháp này được thay thế bằng chiến thuật luồn sâu đánh hiểm, sử dụng tốc độ và khả năng tàng hình trước radar để thâm nhập sâu giáng đòn công kích.

Nhằm kiện toàn chiến thuật mới, các lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ chủ yếu chú tâm vào việc duy trì hoạt động ổn định của các căn cứ không quân nằm rải rác khắp khu vực Thái Bình Dương, thay vì tập trung vào một vài căn cứ lớn trên đất liền nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc.

Lần cuối cùng hải quân Mỹ đánh chìm tàu của đối phương là từ năm 1988. Khi đó, tàu khu trục lớp Perry USS Simpson đã tiêu diệt một tàu chiến của Iran để trả đũa việc một tàu Mỹ đâm phải thuỷ lôi của Iran tại vịnh Ba Tư. Tháng 9 vừa qua, tàu USS Simpson đã được cho “về hưu”.

Hạm đội tàu Mỹ về sau được trang bị thêm nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi, máy bay không người lái, thiết bị định vị sóng âm, máy bay chiến đấu hiện đại cùng hàng loạt trang bị tân tiến khác. Tuy nhiên, tên lửa chống hạm lại vẫn là dòng Harpoon được dùng từ năm 1977. Các quan chức quân đội Mỹ hiện lo ngại tên lửa Harpoon quá lỗi thời, vì thế các tàu Trung Quốc sẽ dễ dàng tránh né hoặc bắn hạ. Để có một đối trọng mạnh mẽ hơn, Mỹ phải cần đến những hệ thống vũ khí mới.

Kết quả là hải quân Mỹ đang đẩy mạnh trang bị tên lửa chống hạm uy lực hơn, tầm bắn xa hơn và có khả năng né hệ thống phòng ngự tốt hơn lên cả tàu nổi và tàu ngầm. Hồi tháng một, các chuyên gia Mỹ đã thử nghiệm thành công loại tên lửa Tomahawk cải biến có thể bắn trúng cả mục tiêu di động trên biển.

Hải quân Mỹ dự định “triển khai vũ khí này trên toàn hạm đội trong vài năm tới”, ông Robert Myers, phát ngôn viên hải quân cho biết. Ngoài ra, một loại vũ khí mới hơn là tên lửa hành trình tầm xa chống hạm (LRASM) phóng từ máy bay cũng đang được nghiên cứu để chuyển sang trang bị trên tàu chiến. Mỹ còn tiến hành lập trình lại tên lửa phòng không SM-6 và bổ sung tên lửa chống hạm của Na Uy.

Trong cuộc chạy đua vũ trang và cạnh tranh ảnh hưởng ở Châu Á – Thái Bình Dương với Trung Quốc, Mỹ nhất định phải chiến thắng, bình luận viên Dan De Luce từ Foreign Policy nhận định. “Cái gì nổi được thì phải bắn được” là một câu khẩu hiệu ngầm trong hàng ngũ sĩ quan hải quân cấp cao Mỹ thể hiện rõ tinh thần này.

Phó đô đốc Thomas Rowden, chỉ huy lực lượng mặt biển của hải quân Mỹ, đang yêu cầu tăng cường hoả lực cho toàn bộ hạm đội, thậm chí tính đến cả khả năng trang bị vũ khí cho các tàu vận tải hỗ trợ.

Triển khai thêm tên lửa chống hạm sẽ khiến đối phương “thức giấc mỗi buổi sáng với nhiều mối bận tâm hơn”, tờ Aviation Week dẫn lời ông Rowden nói trong một cuộc phỏng vấn.

Hải quân Mỹ lúc này vẫn sở hữu công nghệ hiện đại nhất thế giới, hiện diện ở hầu khắp các vùng biển với 272 chiến hạm và tàu ngầm cùng đội tàu dự bị gồm 150 chiếc. Hải quân Trung Quốc tuy còn kém xa nhưng dự báo tới năm 2020, nước này sẽ vươn lên vị trí thứ hai thế giới về sức mạnh hải quân.

Thập kỷ vừa qua chứng kiến bước tăng đều đặn trung bình 9.5%/năm trong ngân sách quốc phòng Trung Quốc. Với một phần ba ngân sách dành cho hải quân (tổng số 165 tỷ USD), Bắc Kinh đang đổ tiền vào các lớp tàu khu trục, tàu tuần dương và tàu ngầm thế hệ mới. Trung Quốc cũng sở hữu tàu sân bay đầu tiên thông qua việc cải tạo một hàng không mẫu hạm cũ. Hạm đội Trung Quốc hiện có trên 300 tàu các loại.

Phạm vi chống hạm và phòng không của tên lửa Trung Quốc cũng rất ấn tượng, đủ khiến Mỹ không thể ngang nhiên đi lại ở Thái Bình Dương trong trường hợp xung đột nổ ra. Tên lửa Trung Quốc có phạm vi chống hạm từ 185 – 1.600 km, đủ khiến các tàu chiến Mỹ không thể tiếp cận các khu vực tranh chấp.

Lầu Năm Góc đặc biệt tỏ ra lo ngại trước tên lửa đạn đạo Đông Phong DF-21D, mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” của Trung Quốc. Bắc Kinh từng công khai loại vũ khí này trong cuộc diễu binh kỷ niệm kết thúc Thế chiến II hồi tháng 9.

Ngoài ra, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai tên lửa hành trình siêu thanh YJ-18 trang bị cho tàu ngầm.

Cả hai vũ khí trên đều nhắm tới mục tiêu hạ gục tàu sân bay, niềm kiêu hãnh lớn nhất của hải quân Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc các tàu sân bay và chiến đấu cơ Mỹ sẽ phải giữ một khoảng cách tương đối xa với khu vực tác chiến nếu không muốn rơi vào tầm ngắm của tên lửa Trung Quốc.

hai-quan-my-nang-cap-ten-lua-doi-pho-trung-quoc-2

Tên lửa Tomahawk của Mỹ phóng từ tàu chiến. Ảnh: Wikipedia

Thay đổi chiến lược

Không chỉ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vũ khí, sức ép từ Trung Quốc còn làm thay đổi hoàn toàn các tính toán chiến thuật của Lầu Năm Góc. Phương pháp thường thấy trước đây của hải quân Mỹ là dành nhiều ngày tấn công để phá hủy hệ thống phòng không của đối phương, sau đó nắm quyền kiểm soát trên cả bầu trời và mặt biển. Chiến thuật này giờ đây không còn khả thi, David Ochmanek, một cựu quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng cho hay.

Mặc dù viễn cảnh xảy ra xung đột với Trung Quốc chỉ là kịch bản giả định, song quan chức Lầu Năm Góc và các nhà phân tích đều cho rằng chỉ riêng ý tưởng hải quân Mỹ đánh mất đi tầm ảnh hưởng vốn có cũng đủ để khiến ý chí của đồng minh lung lay. Trong khi đó, bất cứ dấu hiệu suy yếu nào của Mỹ đều sẽ tô điểm cho bộ mặt quân sự của Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đang ráo riết bành trướng sức mạnh nhằm tuyên bố chủ quyền tại các khu vực tranh chấp, trong đó có Biển Đông.

Không giấu tham vọng xây dựng một hạm đội hùng mạnh có khả năng tác chiến toàn cầu, Trung Quốc dành ưu tiên hàng đầu cho việc mở rộng ảnh hưởng quân sự đến mọi vùng biển, theo báo cáo chính sách quân sự nước này công bố tháng 5 vừa qua.

“Tư tưởng truyền thống coi trọng lực lượng bộ binh hơn hải quân phải bị loại bỏ, việc kiểm soát được các quyền lợi và lợi ích trên biển cần nhận được nhiều ưu tiên”, tài liệu trên có đoạn. Để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và các tuyến hàng hải quan trọng, Trung Quốc cần “biến mình thành một cường quốc hải quân”.

Trong tình huống chiến tranh nổ ra, các tàu sân bay và căn cứ lớn của Mỹ ở Nhật Bản và đảo Guam đều sẽ nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc. Đến khi không quân Mỹ trở tay thì nhiều khả năng Trung Quốc đã thực hiện xong ý đồ của mình, ông Ochmanek phân tích.

Quân đội Mỹ sẽ phải đối đầu với cả tên lửa tầm trung và tầm xa, lúc đó, một chiến thắng dễ dàng là điều không tưởng. Mỹ sẽ phải tận dụng tốc độ và dùng đến các máy bay tàng hình để chiến đấu. Thiệt hại sẽ rất lớn.

“Mỹ sẽ mất nhiều tàu, nhiều máy bay, nhiều binh lính”, Ochmanek nói. “Giới lãnh đạo quân đội nhận ra vấn đề này một cách miễn cưỡng”, ông nhấn mạnh. “Thách thức đặt ra không chỉ ở mặt khí tài mà còn về mặt chiến lược nữa”.

RELATED ARTICLES

Tin mới