Theo phân tích của trang tin chính trị Trung Đông al-Monitor, phải chăng cái gọi là liên minh chống khủng bố do Saudi Arabia sáng lập chỉ là vỏ bọc cho một mưu đồ sâu xa hơn nhiều?
Quân đội Saudi Arabia. Ảnh: Reuters
Tại thủ đô Riyadh hôm 14/12 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia – Hoàng tử Mohammed bin Salman, đã khiến cả thế giới một phen bất ngờ khi lần đầu tiên tổ chức họp báo và tuyên bố thành lập một liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố.
Nhấn mạnh việc các phần tử cực đoan đã gây ra nhiều mất mát cho cộng đồng Hồi giáo hơn bất kì cộng đồng nào khác, hoàng tử Mohammed cho rằng các nước Hồi giáo cần đóng góp vào chiến dịch toàn cầu, hợp tác cùng nhau đập tan “bệnh dịch” khủng bố.
Theo al-Monitor, thời điểm Hoàng tử Saudi đưa ra tuyên bố này nhiều khả năng đã khiến phương Tây mặc định rằng đây là một động thái hưởng ứng lời kêu gọi các nước Hồi giáo tham gia khủng bố của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Saudi Arabia và các nước Hồi giáo khác tham gia cái gọi là “liên minh” này thực chất còn mang theo những mục đích khác.
Xét trên quan điểm của các nước thành viên, liên minh này hoàn toàn có thể là một biện pháp phản ứng trước sự thiếu hiệu quả của chiến dịch chống IS do Mỹ lãnh đạo.
Theo liên minh này, phương Tây thiếu một chiến lược cụ thể, và bỏ qua 2 yếu tố mà họ cho là gốc rễ gây nên sự bành trướng của IS, đó là việc Bashar al-Assad đàn áp người Sunni ở Syria, và việc Iran ủng hộ các lực lượng vũ trang Shiite ở Iraq, Syria, Lebanon và Yemen.
Al-Monitor đặt dấu hỏi, phải chăng mục đích thực sự đằng sau động thái này của Saudi Arabia là tạo ra một NATO phiên bản Hồi giáo, một liên minh quân sự với những cam kết rành mạch cho các quốc gia thành viên?
Bên cạnh đó, al-Monitor cũng chỉ ra rằng, tuyên bố mới đây của Saudi Arabia có nhiều nét tương đồng với 2 nước cờ trước đó của nước này.
Qua đó, có thể thấy đây là bước tiếp theo của Riyadh trong chiến lược khởi xướng và lãnh đạo một hệ thống an ninh mới mà không vi phạm các quy ước an ninh được các bên thắng cuộc đưa ra sau Thế chiến II và đã được thể chế hóa trong Hội đồng Bảo an LHQ.
Sự chuyển mình của Saudi Arabia
Nước cờ thứ nhất là việc Saudi Arabia từ chối nhận ghế Hội đồng Bảo an mà nước này giành được vào mùa thu năm 2013.
Nước cờ thứ hai là tuyên bố hồi tháng 3 năm nay rằng nước này sẽ dẫn đầu một liên minh Arab tại Yemen để trả lại quyền lực cho Tổng thống Abed Mansour Hadi, người đã bị phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn lật đổ vào cuối năm 2014.
Saudi Arabia đã và đang tiến hành không kích căn cứ của Houthi tại Yemen. Ảnh: Reuters
2 nước cờ kể trên, cộng với tuyên bố thành lập liên minh chống khủng bố mới đây, cho thấy một sự thay đổi quan điểm đáng chú ý nơi cường quốc dầu mỏ này.
Saudi Arabia giờ đã có một cái nhìn khác về vai trò của mình tại Trung Đông nói riêng và toàn thế giới nói chung, cũng như vai trò của quốc gia vốn được xem là “anh cả” đảm bảo an ninh trong khu vực, Mỹ.
Từ trước đến nay, Saudi Arabia luôn được xem là một quốc gia theo trường phái nguyên trạng, tận dụng nguồn lợi từ dầu mỏ và vị thế trong thế giới Hồi giáo để làm trung gian giữa các phe giao chiến. Ưu tiên của Riyadh luôn là đảm bảo trật tự chính trị thông qua ngoại giao.
Tuy nhiên, tình hình bất ổn chưa từng thấy hiện nay tại Trung Đông thời hậu Mùa xuân Arab đã mở đường cho đại kình địch Iran nổi lên, cũng như sự hình thành và phát triển của Nhà nước Hồi giáo (IS), khiến Saudi Arabia bắt buộc phải có những điều chỉnh.
Thêm vào đó, Riyadh cũng nhận ra rằng Mỹ đang ngày một hời hợt với Trung Đông, và ngay cả khi quyết định hành động thì Washington cũng thiếu đi một chiến lược rạch ròi, mà chiến dịch không kích IS trong thời gian qua là một minh chứng cụ thể.
Tuy hợp tác vũ khí và tình báo giữa Mỹ và Saudi Arabia vẫn tiếp tục là một phần không thể thiếu trong quan hệ hai nước, nhưng theo al-Monitor, Saudi Arabia xem ra đã chấp nhận sự thật rằng ưu tiên của họ tại Trung Đông khác xa so với Mỹ.
Trong khi Saudi Arabia cực kì quan tâm tới giao tranh tại Yemen thì Mỹ gần như làm ngơ. Trong khi Saudi Arabia liên tiếp cảnh báo về sự phá hoại của Iran trong khu vực, thì Mỹ lại kí kết một thỏa thuận hạt nhân lịch sử mở đường cho Tehran đến với cộng đồng quốc tế.
Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ hậu cần cho liên minh Arab của Saudi Arabia tại Yemen, nhưng nên nhớ Riyadh phải khởi xướng chiến dịch này sau khi họ nhận ra rằng phương Tây chẳng hề mặn mà gì với việc chặn đứng bước tiến của Houthi.
Saudi Arabia đã thuyết phục được 10 nước Arab khác tham gia vào chiến dịch của mình tại Yemen. Chiến dịch này cũng chính là minh chứng rõ rệt cho chính sách đối ngoại mới và chủ động hơn hẳn của Saudi Arabia.
Hai năm trước, Riyadh đã khiến cộng đồng quốc tế phải “mắt tròn mắt dẹt” sau khi từ chối chiếc ghế đầu tiên trong lịch sử dành cho họ tại Hội đồng Bảo an LHQ.
Quyết định này đi kèm với một tuyên bố mạnh mẽ rằng, cuộc nội chiến tại Syria cũng như tiến trình hòa giải chẳng đi đến đâu giữa Israel và Palestine là “minh chứng không thể chối cãi cho sự bất lực của Hội đồng Bảo an trong việc thực thi sứ mệnh và trách nhiệm của mình”.
Nhưng nếu quyết định từ chối ghế Hội đồng Bảo an gây bất ngờ vào thời điểm nó được đưa ra, thì nay, sau chiến dịch tại Yemen cũng như tuyên bố thành lập liên minh chống khủng bố mới đây, có thể thấy nước cờ này của Saudi Arabia hoàn toàn dễ hiểu.
Người Saudi đã quá mệt mỏi trước sự yếu kém của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu, và họ nhận ra rằng, đã đến lúc Saudi Arabia phải tự thân vận động, khởi xướng và lãnh đạo các liên minh quân sự để bảo vệ lợi ích của chính mình tại một Trung Đông bất ổn như hiện nay.
Và một “NATO phiên bản Hồi giáo” hoàn toàn có thể là một trong số đó.