Nhật Bản đang có những động thái rất tích cực để thúc đẩy hình thành một “tứ giác kim cương” nhằm bao vây Trung Quốc từ Ấn Độ Dương sang Tây Thái Bình Dương.
Hình ảnh trong cuộc tập trận hải quân chung Malabar 2014 giữa Mỹ, Nhật, Ấn Độ năm 2014. Ảnh: navaltoday.com
Sáng kiến “an ninh kim cương”
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 22/12 đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gần đây đã lần lượt tiến hành các cuộc hội đàm thượng đỉnh với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi và Australia Malcolm Turnbull.
Trong các cuộc trao đổi, ông Abe kỳ vọng đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực an ninh giữa 4 quốc gia: Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ.
Đề xuất này của Thủ tướng Nhật nằm trong “sáng kiến bảo đảm an ninh kim cương”, tức thông qua mối quan hệ hợp tác 4 bên để bảo vệ “khu vực hình kim cương” được liên kết thành từ Nhật, Australia, Ấn Độ với quần đảo Hawaii của Mỹ.
Kyodo News của Nhật ngày 22 bình luận, đây là động thái nhằm trực diện vào các hành động của Trung Quốc trên biển, khiến căng thẳng Trung-Nhật leo thang.
“Sáng kiến kim cương” là chiến lược trên biển từ Ấn Độ Dương sang Tây Thái Bình Dương, được Shinzo Abe nêu ra trong luận văn bằng tiếng Anh sau khi ông lên cầm quyền lần thứ hai vào tháng 12/2012.
Trong luận văn này, ông Abe bày tỏ quan ngại đối với việc Bắc Kinh tăng cường kiểm soát biển Đông.
Theo Kyodo, Thủ tướng Nhật nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cơ chế hợp tác dựa trên cốt lõi là sức mạnh của Mỹ.
Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Modi hôm 12/12 vừa qua, ông Abe được cho là đề cập đến một tổ hợp gồm chữ cái đầu từ tên tiếng Anh của các nước Mỹ, Nhật, Ấn, gọi là “thúc đẩy hợp tác JAI”.
Shinzo Abe cũng biết rằng “JAI” trong tiếng Ấn Độ có nghĩa là “thắng lợi”.
Bằng hành động cụ thể, Tokyo sẽ đều đặn cử Lực lượng phòng vệ biển (JMSDF) tham gia cuộc tập trận hải quân chung Malabar với Mỹ và Ấn Độ để thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng 3 bên.
Còn đối với Australia, quốc gia được Nhật định vị là “chuẩn đồng minh”, Tokyo sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán để đi tới thỏa thuận tiến hành hoạt động tập trận chung, đẩy nhanh tiến trình hợp tác Mỹ-Australia-Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và người đồng cấp Australia Malcolm Turnbull (phải) trong chuyến công du Nhật Bản của ông Turnbull hôm 18/12. Ảnh: SBS
Nhật Bản tăng cường phòng thủ đảo, hạn chế không gian hoạt động của Trung Quốc
Reuters hôm 18/12 cho hay, Tokyo đang bố trí các hệ thống tên lửa đối hạm và đối không trên 200 hòn đảo ở biển Hoa Đông, dọc theo một chiến tuyến dài 1.400km từ lãnh thổ Nhật tới đảo Đài Loan.
Động thái này nhằm đáp lại lời kêu gọi của Washington đối với các đồng minh châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, cần phải hỗ trợ kiềm chế Trung Quốc, nước đang ngày càng trỗi dậy về mặt quân sự.
Mỹ thúc giục Nhật Bản từ bỏ chính sách cố thủ lãnh thổ Nhật Bản trong hàng thập kỷ qua và thể hiện sức mạnh quân sự một cách tích cực hơn.
12 nhà hoạch định chính sách quân sự và chính phủ Nhật Bản đánh giá Thủ tướng Abe đã phát triển một mục tiêu to lớn hơn là việc gia tăng sức mạnh quân đội đơn thuần, trong đó bao gồm chiến lược cho phép Tokyo kiểm soát vùng biển và không phận trong khu vực cũng như các quần đảo xa xôi.
Theo Reuters, mặc dù việc gia tăng bố trí quân sự trên các đảo là hết sức bí mật, song các quan chức Nhật Bản cũng lần đầu tiên xác nhận điều này sẽ giúp quân đội nước này kiềm chế được Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương như một Chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) phiên bản Nhật.
Đây cũng là chiến lược mà Bắc Kinh đang áp dụng để “đẩy” Mỹ và các đồng minh ra khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Reuters cho hay, tàu chiến Trung Quốc xuất phát từ bờ biển phía Đông nước này sẽ buộc phải đi qua các trận địa tên lửa của quân đội Nhật mới tiến được vào Tây Thái Bình Dương.
Trong khi đó, việc ra/vào Thái Bình Dương mang một ý nghĩa hết sức trọng yếu đối với Bắc Kinh, không chỉ như một tuyến đường lưu thông cung ứng hàng hóa, mà còn là khu vực để Trung Quốc tập trung sức mạnh hải quân.
Cũng theo các quan chức Nhật Bản, không gì có thể ngăn cản các chiến hạm Trung Quốc đi qua khu vực nói trên theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, nhưng “bọn họ (tàu chiến Trung Quốc) sẽ buộc phải đi qua trước những trận địa tên lửa ‘ngắm chuẩn’ của Nhật Bản”.
Cùng với việc Bắc Kinh ngang ngược xây dựng đảo nhân tạo một cách phi pháp trên biển Đông và gia tăng sức mạnh ở vùng biển này, chuỗi đảo nằm trải dài từ biển Hoa Đông cho tới Philippines có thể xem là giới tuyến phân chia phạm vi thế lực của Trung-Mỹ trong khu vực.
Các chuyên gia quân sự gọi đây là “chuỗi đảo thứ nhất”.
Giáo sư Học viện Hải quân Hoa Kỳ (USNA) Toshi Yoshihara đánh giá, Nhật Bản có thể phát huy vai trò quan trọng trên nhiều phương diện.
Bên cạnh việc hạn chế tàu chiến Trung Quốc ra vào khu vực Tây Thái Bình Dương, quân đội Nhật có thể nâng cao mức độ hoạt động đi lại tự do trên biển, trên không trong khu vực theo luật quốc tế mà hiện nay Mỹ, Australia đang tiến hành.
Đặc biệt, trong trường hợp xảy ra xung đột với quân đội Trung Quốc, liên minh Mỹ-Nhật sẽ có được ưu thế về thời gian nhờ lực lượng bố trí ở chuỗi đảo thứ nhất này.
“Có thể nói, Tokyo đang xoay chuyển cục diện và chiếm thế thượng phong trước Trung Quốc,” ông Yoshihara nói.
Quân đội Nhật Bản gia tăng lực lượng ở “chuỗi đảo thứ nhất” với mục tiêu rõ ràng là kiềm chế Trung Quốc. (Ảnh minh họa: AP)
Chuyên gia Trung Quốc: Hành động của Nhật không có ý nghĩa thực tế
Chuyên gia Trương Quân Xã thuộc Sở nghiên cứu học thuật quân sự Hải quân Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn Cầu hôm 18 rằng việc Nhật Bản bố trí quân sự trên các đảo từ biển Hoa Đông xuống phía Nam “không phải là một bí mật”.
Theo ông Trương: “Mục đích chủ yếu của Tokyo là kiểm soát các eo biển Osumi và Miyako. Việc bố trí quân sự này không mang ý nghĩa thực tế và không tạo thành ảnh hưởng thực chất đối với an ninh của Trung Quốc.
Nếu bước vào tình trạng chiến tranh thì sự bố phòng này có thể gây ra đe dọa nhất định đối với việc ra vào Tây Thái Bình Dương của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh cũng sẽ đáp trả ngay lập tức.”
Giáo sư Học viện quan hệ quốc tế ĐH Nhân dân Trung Quốc, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đông Á Hoàng Đại Tuệ thì nhận định việc tăng cường sức mạnh quy mô lớn của Nhật Bản thực sự có tăng hiệu quả kiềm chế Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng hiệu quả này vẫn chỉ dừng ở việc gia tăng hoạt động giám sát, trinh sát và theo dõi động thái từ quân đội Trung Quốc chứ không mang lại khả năng tấn công chủ động.
Học giả này đánh giá việc Tokyo đưa ra tuyên bố tăng cường sức mạnh vào thời điểm này cũng là động thái trợ lực cho hoạt động tuần tra của tàu chiến, máy bay Mỹ trên biển Đông.
“Nếu hình thành sự phối hợp giữa biển Đông và biển Hoa Đông, khiến Trung Quốc ‘lưỡng đầu thọ địch’ thì Nhật Bản sẽ giành được nhiều lợi ích,” Hoàng Đại Tuệ nói.
“Hành động của Nhật Bản có liên quan rất lớn với Mỹ, vì vậy việc Bắc Kinh xử lý tốt quan hệ Mỹ-Trung mới là điều cốt yếu,” chuyên gia này kết luận.