Monday, November 18, 2024
Trang chủĐiểm tin"Anh hùng chống Mỹ"

“Anh hùng chống Mỹ”

Thiếu sự chính trực, biết tôn trọng lẽ phải, nói lời phải và hành xử đúng luật, thì không bao giờ Trung Quốc có được sức mạnh mềm, ảnh hưởng và sự tôn trọng.

Vương Quán, nhà báo đài truyền hình trung ương Trung Quốc thường trú tại Bắc Mỹ vừa nổi như cồn sau trận khẩu chiến với Giáo sư từ đại học Havard, Mỹ. Ảnh: Người Quan Sát.

Tuần qua truyền thông nhà nước Trung Quốc và dư luận mạng xã hội tại quốc gia này xôn xao ca ngợi Vương Quán, một nhà báo của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV thường trú tại Bắc Mỹ về khả năng hùng biện “thiên tài”, trực tiếp đấu khẩu với một giáo sư Đại học Havard, Mỹ về vấn đề Biển Đông.

Uốn ba tấc lưỡi

Tháng 11 vừa qua, kênh truyền hình Nga RT America đã mời Vương Quán và Giáo sư Richard Weitz từ Đại học Havard tham gia buổi tọa đàm trực tuyến Cross Talk xoay quanh đề tài căng thẳng trên Biển Đông.

Với vốn tiếng Anh lưu loát, Vương Quán đã công kích các hoạt động tuần tra tự do hàng không hàng hải mà Mỹ tiến hành trên Biển Đông và bảo vệ chủ trương bành trướng xuống vùng biển này mà Bắc Kinh đang thúc đẩy.

Về hoạt động tuần tra của Hoa Kỳ trên Biển Đông, Giáo sư Richard Weitz từ tốn cho rằng, động thái này chỉ nhằm mục đích ngăn ngừa các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, bảo vệ hòa bình, ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương.

Vương Quán lập tức bác bỏ và cho rằng, cáo buộc Trung Quốc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông gây trở ngại, ảnh hưởng đến tự do hàng không hàng hải là “ngụy mệnh đề”. Ông Quán lập luận:

“Chúng ta cùng quay lại với hiện thực. Mỹ lợi dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà bản thân mình còn chưa phê chuẩn để thúc đẩy lợi ích địa chính tị của Mỹ và đơn phương tuyên truyền với thế giới rằng, quân Mỹ vào Biển Đông là để bảo vệ tự do hàng hải, để điều đình tự do hàng hải quốc tế.

Nếu quả thực như thế thì hoạt động tự do hàng hải nên do một bên thứ 3 tiến hành. Mỹ lựa chọn địa điểm bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông là tính toán có chủ đích.

Tại sao Mỹ không đến Nam Thái Bình Dương, nơi đang có tranh chấp giữa Agentina và Anh, hay tới Địa Trung Hải nơi có tranh chấp lãnh thổ giữa Tây Ban Nha và các nước khác để tuần tra mà lại tiến vào Biển Đông, lại còn nói mình đến là vì đảm bảo hoạt động thương mại qua Biển Đông diễn ra xuôn xẻ?

Nhìn vào con số thống kê, mỗi năm có 5,3 tỉ USD tổng giá trị khối lượng kim ngạch thương mại đi qua Biển Đông cùng với 50% lượng dầu thô vận chuyển trên thế giới. Trung Quốc chẳng làm gì gây trở ngại cho hoạt động tự do thương mại ở Biển Đông”.

Phải thừa nhận Vương Quán quả thực có tài ngụy biện, đánh tráo khái niệm. Đầu tiên ông Quán xoáy vào việc Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS để phủ nhận hoạt động tự do đi lại ở Biển Đông theo UNCLOS, trong khi đây là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Giáo sư Richard Weitz từ Đại học Havard, Hoa Kỳ tham gia buổi tọa đàm Cross Talk.

Không chứng minh được Mỹ vi phạm UNCLOS, nhà báo Trung Quốc quay ra đả kích Mỹ chưa ký UNCLOS để chống chế việc Trung Quốc vi phạm UNCLOS.

Thứ hai, rõ ràng Mỹ có lợi ích ở Biển Đông, đó là đảm bảo tự do hàng không hàng hải và luật pháp, trật tự quốc tế phải được tôn trọng. Điều đó không có gì phải bàn cãi.

Việc truy vấn Giáo sư Richard Weitz rằng tại sao Mỹ không đến các vùng biển tranh chấp khác để bảo vệ tự do hàng hải mà lại chọn Biển Đông là một kiểu lập luận đánh trống lảng, ngô nghê.

Mỹ chọn Biển Đông là vì Mỹ có lợi ích ở Biển Đông. Mỹ chọn Biển Đông mà không phải vùng biển khác vì Biển Đông đang có kẻ ỷ lớn ức hiếp nhỏ, dùng luật rừng thay cho luật pháp. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Thứ ba, Giáo sư Richard Weitz nói rõ, hoạt động tuần tra tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông mà Hoa Kỳ tiến hành nhằm mục đích phòng ngừa ngăn chặn các hành động vi phạm UNCLOS và luật pháp quốc tế, cản trở tự do hàng không hàng hải, có nghĩa là thấy dấu hiệu hàng không hàng hải và an ninh ở Biển Đông bị đe dọa, Mỹ phải hành động.

Ông Quán chỉ lấy số liệu 5,3 tỉ USD kim ngạch thương mại đi qua Biển Đông hàng năm để chứng minh rằng, Biển Đông vẫn tự do và Trung Quốc chẳng làm gì cản trở rõ ràng là một cách ngụy biện, đánh tráo, thôi miên người khác.

Bởi lẽ cái Mỹ nhằm tới là ngăn chặn hành vi bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành. Một khi để Trung Quốc tự tung tự tác, kéo xong máy bay, tàu chiến, tên lửa, ra đa và hàng ngàn tàu quân sự trá hình ra khu vực Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) án ngữ yết hầu tuyến hàng hải huyết mạch này lúc đấy Mỹ mới giật mình thì còn nói chuyện gì?

Cái mà Giáo sư Richard Weitz muốn nhấn mạnh là việc Bắc Kinh đơn phương thay đổi hiện trạng, bành trướng sức mạnh quân sự ở Biển Đông, khơi mào chạy đua vũ trang trong khu vực, gây ra tâm lý lo lắng bất an bởi các hoạt động bất hợp pháp ngoài đảo nhân tạo, Vương Quán đều né tránh, không nhắc đến câu nào.

Chiêu bài lịch sử

Vương Quán nói: “Mỹ thường xuyên chê cười Trung Quốc rằng, mỗi khi nhắc đến yêu sách chủ quyền ở Biển Đông thì Bắc Kinh đều nhấn mạnh quá mức quyền lịch sử, đó là một sai lầm. Nhưng chủ quyền lãnh thổ của tất cả các quốc gia đều bắt nguồn từ lịch sử. Bản thân Mỹ cũng từng làm ‘những chuyện này’.

Năm 1893, quan chức ngoại giao Mỹ John W. Steveson phát động chính biến, lật đổ vương triều Hawaii và biến vương quốc này thành một phần lãnh thổ của Mỹ.

Người dẫn chương trình Cross Talk của đài Nga RT America, Erin Ade.

Năm 1898 nổ ra chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha, Mỹ chiếm luôn Puerto Rico và đảo Guam. Năm 1889, Mỹ phát động hành động quân sự chiếm quần đảo American Samoa.

Tất cả những hành động quân sự này đều không chính đáng. Nếu Trung Quốc và Nga lựa chọn coi nhẹ những sự kiện lịch sử này mà phái chiến hạm đến chiếm các đảo nói trên hay tuần tra ở đó, Mỹ sẽ phản ứng ra sao?”

Tất cả những sự kiện mà nhà báo “anh hùng chống Mỹ” của CCTV vừa nêu đều là lịch sử, xảy ra trước khi có Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong bối cảnh đó là điều có thể chấp nhận được.

Trước thời điểm Liên Hợp Quốc ra đời, việc xác lập chủ quyền lãnh thổ bằng chiến tranh xâm lược vẫn diễn ra, dù muốn dù không cũng là thực tế không thể thay đổi.

Bản thân các triều đại phong kiến Trung Quốc cũng cất quân xâm lược đánh chiếm nước khác và lại bị các quốc gia mạnh hơn xâm lược, chiếm đóng.

Nếu Vương Quán dùng những sự kiện lịch sử này để ngụy biện cho cái gọi là “quyền lịch sử” ở Biển Đông, hãy tự hỏi lại chính mình và dân tộc mình nếu Tây Tạng, Tân Cương, Quảng Tây, Nội Mông cũng nhảy lên đòi ly khai, độc lập thì sẽ thế nào?

Mặt khác, sự kiện lịch sử mà Vương Quán nêu ra với “yêu sách lịch sử”, “chủ quyền lịch sử” hay “quyền lịch sử” mà Trung Quốc chủ trương ở Biển Đông là chuyện hoàn toàn khác nhau.

Nếu nói về sự kiện lịch sử, thì năm 1909 là mốc thời gian đầu tiên Đô đốc Lý Chuẩn của chính quyền tỉnh Quảng Đông, nhà Thanh cất quân đổ bộ lên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa và bị quân Pháp lúc đó đại diện cho Việt Nam về đối ngoại đang quản lý và thực thi chủ quyền tại quần đảo này đẩy lui, buộc phải rút chạy sau một ngày.

Sự kiện lịch sử thứ 2 là năm 1946 chính quyền Tưởng Giới Thạch lợi dụng danh nghĩa Đồng Minh giải giới quân Nhật để chiếm đóng bất hợp pháp đảo Ba Bình, nhưng đây là sự kiện phi pháp, bởi lẽ Hiến chương Liên Hợp Quốc đã xác lập một năm trước đó.

Sự kiện thứ 3 là năm 1956 Trung Quốc lợi dụng lúc Việt Nam đang có chiến tranh giải phóng dân tộc, đã cất quân chiếm nửa phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm nửa phía Tây Hoàng Sa và năm 1988 đánh chiếm 6 thực thể ở Trường Sa. Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã kiên quyết phản đối các hành động bất hợp pháp này.

Đó chính là những sự kiện lịch sử và hành động quân sự bất chính, phi pháp mà phía Trung Quốc tiến hành hòng xác lập chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông sau khi đã trở thành thành viên, và lại là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, những hành động coi thường luật pháp quốc tế càng không thể chấp nhận.

Trung Quốc là thành viên phê chuẩn UNCLOS thì đương nhiên phải có nghĩa vụ chấp hành các quy định của UNCLOS, bao gồm việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và các quy định khác ở Biển Đông, không thể lôi lịch sử ra để chống chế trong trường hợp này.

Sau khi Liên Hợp Quốc ra đời, nhân loại văn minh và tiến bộ đã nỗ lực rất nhiều để xây dựng một thế giới hòa bình, thượng tôn pháp luật và công lý, dù rằng ở đâu đó vẫn còn tình trạng cá lớn nuốt cá bé, cả vú lấp miệng em.

Là một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đáng lẽ ra Trung Quốc phải làm gương trong việc chấp hành và bảo vệ luật pháp quốc tế, đằng này lại cố tìm cách bẻ cong, giải thích lại luật pháp quốc tế theo cách nào có lợi cho mình nhất.

Hiến chương Liên Hợp Quốc, UNCLOS là những văn bản pháp lý phổ quát và có giá trị cao nhất hiện nay. Bất cứ cái gọi là “quyền lịch sử” nào nếu trái với các văn bản pháp quy này đều phải được bãi bỏ.

Câu hỏi cuối cùng của người dẫn chương trình đài Nga RT America đặt ra là, Trung Quốc có định giải quyết tranh chấp với các bên yêu sách bằng biện pháp hòa bình hay không, Vương Quán đáp:

“Về mặt đối ngoại, Trung Quốc hoàn toàn không phải là một quốc gia có tính xâm lược. Lần cuối cùng Trung Quốc đánh nhau với nước khác là chiến tranh với Việt Nam năm 1979, cách nay đã 40 năm rồi, suốt quãng thời gian đó Trung Quốc đã đánh những nước nào, còn Mỹ thì đánh bao nhiêu nước?”, tờ China Times xuất bản tại Đài Loan ngày 22/12 trích dẫn.

Ngựa non háu đá hay hiếu chiến hung hăng không thể làm nên sức mạnh mềm. Hình minh họa.

Nói gì thì nói, Vương Quán không thể phủ nhận được thực tế cuộc chiến tranh 1979 là chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Và từ năm 1979 đến nay, Trung Quốc vẫn không ngừng hoạt động bành trướng lãnh thổ, việc nước này thừa cơ cất quân đánh chiếm và chiếm đóng trái phép 6 thực thể ở Trường Sa của Việt Nam năm 1988 là ví dụ.

“Anh hùng chống Mỹ”

Trận khẩu chiến trên đài Nga với vị Giáo sư từ Đại học Havard đã khiến dư luận truyền thông và cộng đồng mạng Trung Quốc sôi sục, ca ngợi hết lời. Đa Chiều ngày 23/12 đã dùng cụm từ “anh hùng chống Mỹ” để gọi Vương Quán.

Cũng trong ngày 23/12, Vương Quán còn viết một bài xã luận đăng trên Thời báo Hoàn Cầu để cảm ơn dư luận và truyền thông Trung Quốc đã ủng hộ, tán dương mình, đồng thời kêu gọi giới trẻ nước này cùng với Quán “cải thiện hình ảnh Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế, tranh quyền phát ngôn với phương Tây”.

Trong bài viết này Vương Quán kêu gọi thanh niên Trung Quốc thế hệ mình (Quán sinh năm 1984): “Hãy gánh lấy sứ mệnh cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế, thể hiện các chủ trương chính trị và chính sách đối ngoại của Trung Quốc một cách đầy đủ và có sức thuyết phục hơn nữa bằng ngoại ngữ, đó là sứ mệnh của thế hệ chúng ta.

Chúng ta có thể làm tốt hơn, ngoài việc dũng cảm tranh biện bằng ngoại ngữ trên các diễn đàn quốc tế, còn cần phải làm tốt công tác tuyên truyền cho từng nhóm đối tượng.”

Đúng là “khẩu khí” của Vương Quán không nhỏ, nhưng thái độ hung hăng, mạnh miệng cũng không hề nhỏ. Tuy nhiên, muốn thuyết phục được dư luận truyền thông, học giả quốc tế, đặc biệt là các nước phương Tây thì cần phải có luận cứ, luận điểm khoa học, khách quan và chính xác chứ không phải “khẩu khí”.

Nói lấy được chỉ có thể thỏa mãn tâm lý của một bộ phận xã hội Trung Quốc mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan chứ không thuyết phục được ai.

Sức mạnh mềm phải được xây dựng trên lẽ phải, công lý và ý thức thượng tôn pháp luật, tôn trọng người khác, dân tộc khác, không phải cứ uốn ba tấc lưỡi như Gia Cát Lượng khẩu chiến với quần hùng Đông Ngô thủa xưa là dư luận ngày nay dễ dàng chấp nhận.

Từ “khẩu khí” của nhà báo Vương Quán, dư luận có thể dễ nhận thấy hình ảnh của một chú ngựa non háu đá và cũng khá tài năng, lợi khẩu, giỏi ngoại ngữ nhưng lại thiếu chiều sâu trí tuệ, thiếu sức thuyết phục.

Đồng nghiệp của Quán, một biên tập viên nổi tiếng đẹp trai của CCTV, Nhuế Thành Cương đã từng vỗ ngực tự hào rằng mình dám đứng lên “đại diện cho châu Á” hỏi xoáy Tổng thống Barack Obama tại hội nghị G-20 năm 2010, nhưng số phận của Cương giờ ra sao thì chắc Vương Quán rõ hơn ai hết.

Đa Chiều nhắc lại một tấm gương khác để Vương Quán có thể nhìn lại chính mình, đó là Tống Mỹ Linh năm 1943 khi phát biểu trước Quốc hội Mỹ đã dùng những lời lẽ hết sức nhu hòa, thuyết phục, có lý có tình thay vì tranh cãi và chỉ trích, cuối cùng đã giành được cảm tình của chủ nhà, xúc tiến Quốc hội Mỹ bãi bỏ các điều luật mang tính bài Hoa và viện trợ cho Trung Quốc.

Bản thân Vương Quán cũng mong muốn “cải thiện hình ảnh Trung Quốc” trong mắt cộng đồng quốc tế, nhưng chính hành động, lời nói của Vương Quán và nhà nước Trung Quốc ở Biển Đông đang gây phản ứng ngược lại.

Năng khiếu ngoại giao có cao đến đâu mà thiếu sự chính trực, biết tôn trọng lẽ phải, nói lời phải và hành xử đúng luật, thì không bao giờ Trung Quốc có được sức mạnh mềm, ảnh hưởng và sự tôn trọng. Ngựa con háu đá không thể trở thành “anh hùng, hảo hán”.

RELATED ARTICLES

Tin mới