Ngày 22/12, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật (JCG) phát hiện 4 tàu hải cảnh Trung Quốc có vũ trang áp sát bất thường vào khu vực quần đảo Senkaku/Điếu ngư.
Hãng Kyodo dẫn lời đại diện JCG cho biết đây là lần đầu tiên họ phát hiện một tàu có vũ trang của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG) xung quanh quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật và Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc) hiện do Nhật Bản kiểm soát.
Sở chỉ huy Lực lượng bảo vệ bờ biển khu vực 11 tại Naha, tỉnh Okinawa cho biết, dẫn đầu nhóm tàu này là tàu Hải cảnh 31239 mang theo 4 khẩu đại bác, cùng với nó là 3 tàu Hải cảnh 2102, 2307 và 2308 đã di chuyển dọc theo hòn đảo Minamikojima vào chiều cùng ngày.
Một tàu tuần tra của JCG đã cảnh báo 4 tàu trên phải rời khỏi vùng biển này. Ngay trước đó, JCG cho biết, chiều 20/12, hai tàu của CCG đã đi vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku.
Trước hành động của Trung Quốc, tờ Japan Times cho rằng đây được coi là động thái bất thường nhất từ trước đến nay cho thấy sự nghiêm trọng của vấn đề và có thể nó không chỉ dừng lại ở hành động áp sát đảo tranh chấp.
Đặc biệt, hành động này lại diễn ra ngay sau khi Nhật Bản và Ấn Độ vừa đạt được những thỏa thuận lịch sử về hợp tác và phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có quốc phòng – an ninh.
Cụ thể, trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến New Delhi, hai bên đã thảo luận và ra Thông cáo chung về Tầm nhìn 2025 của Nhật Bản và Ấn Độ.
Thông cáo có đoạn kêu gọi tất cả các nước cần tránh các hành động đơn phương có thể dẫn đến căng thẳng trong khu vực, bởi Biển Đông là một trong những nơi có tầm quan trọng đặc biệt với an ninh năng lượng, thương mại và giao thương của thế giới.
Hai nhà lãnh đạo kêu gọi nên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố năm 2002 về Ứng xử của các bên trên Biển Đông và sớm kết thúc các cuộc đàm phán để thiết lập một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Hai thủ tướng cũng quyết định sẽ thường xuyên tổ chức tham vấn chặt chẽ về các vấn đề liên quan đến an toàn và an ninh của các tuyến giao thông hàng hải trên biển. Cũng nhân dịp này, Ấn Độ đã chính thức mời Nhật Bản tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar ở Ấn Độ Dương.
Điều này khiến Bắc Kinh không hài lòng và lên tiếng phản đối. “Về việc Nhật Bản tham gia các cuộc tập trận liên quan, quan điểm của Trung Quốc rất rõ ràng. Các quốc gia liên quan đừng nên kích động đối đầu hay tạo ra căng thẳng trong khu vực”, ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.