Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngTQ muốn triển khai chiến lược “chuỗi ngọc trai” áp sát Nhật...

TQ muốn triển khai chiến lược “chuỗi ngọc trai” áp sát Nhật Bản

Hàn Quốc muốn thống nhất nam-bắc, lại có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, nên chỉ có thể nói về vấn đề Biển Đông mang tính nguyên tắc, từ chối THAAD.

Tờ “Asahi Shimbun” Nhật Bản ngày 21/12 đưa tin, Trung Quốc muốn thuê lâu dài công trình cảng biển trên đảo Geoje – hòn đảo lớn thứ hai của Hàn Quốc, từ đó tạo bàn đạp để vươn ra phía đông, nơi được coi là tuyến đường hàng hải huyết mạch của “chuỗi ngọc trai”.

Đảo Geoje là chỗ trọng yếu về thương mại và an ninh, nó kết nối giữa biển Nhật Bản với biển Hoa Đông – đây là hai vùng biển quan trọng của khu vực Đông Bắc Á.

Trung Quốc muốn thuê bến cảng ở đảo Geoje, nhưng bị Hàn Quốc từ chối

Theo bài báo, hiện nay, Trung Quốc đang viện trợ xây dựng các cảng biển của một số nước trên tuyến đường hàng hải huyết mạch thông tới Ấn Độ Dương và vịnh Péc-xích, từ đó có thể lách qua được eo biển Malacca.

Chiến lược về tuyến đường hàng hải huyết mạch do Trung Quốc triển khai còn được gọi là chiến lược “chuỗi ngọc trai”.

Vào đầu năm 2013 khi mà chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye lên nắm quyền không lâu, Trung Quốc đã sử dụng 2 kênh để thăm dò Hàn Quốc về khả năng Hàn Quốc cho doanh nghiệp Trung Quốc thuê lâu dài một bến cảng ở đảo Geoje.

Sau khi biết được thông tin này, một nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho rằng: “Chuỗi ngọc trai muốn áp sát Nhật Bản”. Đảo Geoje nằm ở cực đông Hàn Quốc, cách đảo Tsushima của Nhật Bản không đến 70 km.

Khi đó, Trung Quốc sử dụng kênh thăm dò ý kiến của Hàn Quốc cũng rất kỳ lạ. Một là Phủ Tổng thống Hàn Quốc, hai là Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. Do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phản đối mạnh mẽ, sự việc cho Trung Quốc muốn thuê bến cảng đã không còn được tiếp tục nhắc tới.

Các tàu chiến Hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập với Hải quân Nga (ảnh tư liệu)

Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc cho biết, năm 2014, kim ngạch thương mại Hàn-Trung đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước, chiếm 21,4% toàn bộ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hàn Quốc.

Nhiều quan chức Chính phủ Hàn Quốc đều cho rằng: “Mỹ đương nhiên là đồng minh, nhưng không thể coi thường quan hệ kinh tế với Trung Quốc”.

Trung Quốc cũng có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với CHDCND Triều Tiên. Hàn Quốc đã coi thống nhất nam-bắc là vấn đề ưu tiên nhất trong chính sách ngoại giao của họ thì Hàn Quốc không thể chọc giận Trung Quốc.

Nhưng có quan chức quân đội cho rằng: “Điều này rất có thể làm cho Trung Quốc tìm cớ, giúp cho Quân đội Trung Quốc xâm nhập theo danh nghĩa bảo vệ tàu dân sự”.

Vào tháng 8/2011, biên đội tàu huấn luyện Hải quân Trung Quốc từng đậu ở cảng Wonsan ở phía đông CHDCND Triều Tiên. Hạm đội Trung Quốc tiến vào một cảng biển của CHDCND Triều Tiên – bên bờ biển Nhật Bản, hoạt động là lần đầu tiên trong nhiều năm qua.

Tháng 7/2013, 5 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc cũng đã lần đầu tiên tiến hành tuần tra quanh quần đảo Nhật Bản.

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc biến thành một tiền đồn quân sự

Hàn Quốc phải “lựa lời” khi bày tỏ quan điểm về vấn đề Biển Đông

Trung Quốc nhanh chóng gần gũi với Hàn Quốc đúng vào lúc quan hệ Nhật-Hàn xấu đi. Trung Quốc nhiều lần kêu gọi Hàn Quốc hợp tác với họ trong vấn đề “nhận thức lịch sử”. Do đó, chuyên gia Hàn Quốc cho rằng: “Nếu hợp tác Hàn-Mỹ-Nhật không đầy đủ thì tiếng nói trước Trung Quốc sẽ yếu đi”.

Hàn Quốc có câu ngạn ngữ rằng “Cá voi đánh nhau, mình tôm trầy xước”. Ở đây, “cá voi” đã từng là từ chỉ Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh biến thành Mỹ và Trung Quốc hiện nay.

Nước bị kẹp giữa Trung-Mỹ là Hàn Quốc, gần đây ngày càng khó xử, nhất là trong vấn đề Biển Đông.

Sáng ngày 2/11, hai cuộc hội đàm đồng thời tổ chức ở Seoul, Hàn Quốc. Ở Phủ Tổng thống, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã tổ chức hội đàm cấp cao lần đầu tiên.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye

Trong khi đó, ở Bộ Quốc phòng Hàn Quốc – nơi cách đó hơn 10 phút đi ô tô, lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước Mỹ-Hàn đã tổ chức tham vấn an ninh định kỳ.

Hai cuộc hội đàm này đều liên quan đến một vấn đề, đó chính là Quân đội Mỹ đã điều tàu chiến tiến hành tuần tra ở Biển Đông – nơi Trung Quốc đưa ra yêu sách bành trướng vô lý và bất hợp pháp bằng cách áp đặt ý chí quốc gia cho một bản đồ vẽ bậy mà người ta thường gọi là “đường lưỡi bò”.

Trong cuộc hội đàm, ông Shinzo Abe khẳng định rõ ràng rằng: “Ủng hộ hành động của Mỹ”. Nhưng, bà Park Geun-hye chỉ đề cập tới các nguyên tắc như “tự do đi lại”, “giải quyết hòa bình tranh chấp”. Phát biểu của nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã bộc lộ rõ Hàn Quốc còn e ngại Trung Quốc.

Chính phủ Mỹ từng ngầm yêu cầu “ít nhất phải nói một tiếng bày tỏ đồng tình với hành động của Mỹ”, nhưng Hàn Quốc không đồng ý. Có nguồn tin từ Chính phủ Hàn Quốc cho rằng: “Chính vì nói nguyên tắc, nên Trung Quốc cũng không thể phàn nàn với chúng tôi”.

Trong cuộc họp báo cùng ngày sau khi kết thúc tham vấn an ninh, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo nói: “Luôn kêu gọi không nên có các hành vi gây ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của Biển Đông”. Ông Han Min-koo và bà Tổng thống Park Geun-hye dừng lại với việc tập trung nói về mặt nguyên tắc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter trong chuyến thăm Hàn Quốc vào đầu tháng 11/2015

Đứng ở bên cạnh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter không để lỡ cơ hội, tuyên bố: “Không chỉ có Hàn Quốc, rất nhiều quốc gia trong khu vực đều bày tỏ lo ngại mạnh mẽ đối với vấn đề an ninh hàng hải này. Vì vậy, không chỉ ở bán đảo Triều Tiên, Mỹ cần từng bước tăng cường đồng minh Mỹ-Hàn trên phạm vi toàn cầu”.

Theo cựu Cố vấn an ninh Phủ Tổng thống Hàn Quốc Chun Young-woo, Trung Quốc thông qua kênh phi chính phủ nhiều lần thăm dò Hàn Quốc về khả năng “đồng minh Mỹ-Hàn được áp dụng cho các trường hợp ngoài chiến sự ở bán đảo Triều Tiên”. Bởi vì, Trung Quốc lo sợ lực lượng quân Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc được dùng để đối phó Trung Quốc.

Có nguồn tin từ quân đồn trú Mỹ ở Hàn Quốc cho hay: “Khả năng quân đồn trú Mỹ ở Hàn Quốc (chủ yếu là lục quân) được điều đến Biển Đông là rất thấp. Nhưng, nếu trong tương lai xảy ra chiến tranh trên bộ, quân đồn trú Mỹ ở Hàn Quốc cũng có khả năng tham gia”.

Hàn Quốc và Mỹ đã ký kết hiệp ước phòng thủ chung. Nếu quân Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc điều được động tham gia vào một cuộc chiến nào đó thì Mỹ rất có khả năng sẽ yêu cầu Hàn Quốc tiến hành cung cấp các loại chi viện.

Nhưng chính phủ và chuyên gia Hàn Quốc vẫn chưa tiến hành thảo luận về cách thức ứng phó của Hàn Quốc khi Mỹ-Trung xảy ra tranh chấp.

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD Mỹ

Mỹ gặp trở ngại khi triển khai THAAD ở Hàn Quốc

Một tiêu điểm quan tâm khác giữa Mỹ-Trung-Hàn trong vấn đề bảo đảm an ninh bán đảo Triều Tiên là hệ thống phòng thủ khu vực (THAAD). Đây là hệ thống tên lửa đất đối không, tầm bắn khoảng 200 km, độ cao đánh chặn có thể đạt 150 km.

Để đối phó với tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên, Lục quân Mỹ luôn yêu cầu triển khai hệ thống THAAD ở căn cứ quân Mỹ tại Hàn Quốc. Nguồn tin từ Chính phủ Hàn Quốc cho biết, về vấn đề triển khai hệ thống THAAD, Trung Quốc luôn ngầm bày tỏ lo ngại.

Radar X-band được đồng thời triển khai với THAAD cũng gây lo ngại cho Trung Quốc. Phạm vi dò tìm của loại radar này có thể đạt 1.800 km, đã triển khai ở tỉnh Aomori và Kyodo, Nhật Bản.

Trung Quốc lo ngại, nếu cũng triển khai loại radar này ở Hàn Quốc thì khả năng ngăn chặn của tên lửa đạn đạo Quân đội Trung Quốc sẽ giảm đi.

Do Bắc Kinh gây sức ép, gần đây, Chính phủ Hàn Quốc luôn tránh nói đến vấn đề triển khai hệ thống THAAD. Theo chuyên gia vấn đề quan hệ Mỹ-Hàn, kế hoạch triển khai toàn cầu của hệ thống THAAD mà Bộ Quốc phòng Mỹ vốn dự định công bố trong năm 2015 đã bị gác lại.

Theo Asahi Shimbun, khi nào bán đảo Triều Tiên còn tiếp tục sự chia cắt thành hai miền, khi đó Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục đối đầu với nhau.

RELATED ARTICLES

Tin mới