Sự bất đồng quan điểm và tranh chấp chủ quyền giữa các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên có thể khiến xung đột bùng nổ và leo thanh thành chiến tranh bất cứ lúc nào ở khu vực châu Á.
Cuộc tập trận chung trên biển của quân đội Nga – Trung Quốc hồi tháng 5/2015.
Với vị trí vô cùng thuận lợi, Hàn Quốc không chỉ là một đồng minh thân thiết của Mỹ trong khu vực mà Seoul còn là điểm nóng cạnh tranh ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Washington. Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc khẳng định bất cứ cuộc gỡ nào giữa chính quyền của Tổng thống Park Geun-hye với Trung Quốc cũng không có nghĩa là Mỹ đang “tuột mất” Hàn Quốc.
Trên tạp chí National Interest, ông Alex Ward, phó chủ nhiệm Trung tâm An ninh quốc tế Brent Scowcroft nhận định tình hình an ninh tại khu vực đông bắc Á được đánh giá là khá ổn định song viễn cảnh này có thể thay đổi một cách nhanh chóng và dẫn tới cuộc chiến bất ngờ. Ngay cả chiến lược “tái cân bằng” châu Á mà Mỹ đang thi hành cũng đã phần nào cho thấy Washington lường trước được những điểm nóng có thể bùng nổ trong khu vực để từ đó đưa ra biện pháp ngăn chặn căng thẳng leo thang dẫn tới một cuộc chiến không đáng có.
Vậy đâu là những điểm nóng có thể bùng nổ thành chiến tranh?
Trung Quốc – Nhật Bản
Dù quan hệ giữa hai nước đang phần nào được cải thiện nhưng trong thời gian tới, Bắc Kinh và Tokyo sẽ chưa thể trở thành những người bạn của nhau đặc biệt trong bối cảnh, Nhật Bản thay đổi nội dung trong bản hiến pháp hòa bình hậu Thế chiến thứ Hai. Theo đó, các lực lượng quân sự Nhật Bản giờ có thể tham gia năng lực “phòng vệ tập thể” cùng với Mỹ và các đối tác cũng như đồng minh trong khu vực nhằm duy trì nền hòa bình và ổn định.
Trái lại, Trung Quốc vẫn không ngừng có những tuyên bố và hành động ngang nhiên xâm chiếm chủ quyền trên biển Hoa Đông khiến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo không ít lần dậy sóng liên quan tới tranh chấp quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Do đó, theo ông Ward, chỉ một sai sót bất đồng quan điểm giữa Bắc Kinh và Tokyo đã có thể dẫn tới xung đột bất cứ lúc nào. Quan trọng hơn xét trên phương diện ổn định toàn cầu, mối quan hệ giữa Trung – Nhật đang bị đưa lên bàn cân so sánh với quan hệ Mỹ – Trung.
Biển Đông
Biển Đông là một trong những tuyến đường biển quan trọng bậc nhất tại châu Á đồng thời là điểm nóng dễ bùng nổ xung đột giữa các quốc gia láng giềng trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Việc Trung Quốc ngang nhiên đẩy mạnh hoạt động cải tạo, bồi đắp và xây dựng trái phép các hòn đảo nhân tạo cũng như tiến hành quân sự hóa trên những thực thể này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của không chỉ các nước trong khu vực mà cả Mỹ.
Cụ thể, hồi tháng trước, Mỹ đã điều động các máy bay ném bom B-52 tới gần một vài hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông. Sự kiện này diễn ra sau khi hồi tháng 10, Mỹ lần đầu tiên đưa tàu khu trục tên lửa tới tuần tra gần hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Lâu nay, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đơn phương trên phần lớn diện tích Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên và mang lại giá trị thương mại đường biển hàng năm lên tới 5 ngàn tỷ USD. Ngoài Trung Quốc, Philippines, Brunei, Việt Nam, Malaysia và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Với tư cách là một quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn đồng thời là người đảm vệ cho nền an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ nhận thấy rằng cần có những biện pháp ngăn chặn Trung Quốc và xoa dịu cơn tức giận của các quốc gia láng giềng đang bị Bắc Kinh dùng sức mạnh quân sự uy hiếp, bắt nạt. Tuy nhiên, việc Trung Quốc sở hữu “năng lực tấn công thứ hai” sử dụng tối đa sức mạnh quân sự, có thể dẫn tới một “cuộc đua quân sự đầy nguy hiểm” trong khu vực.
Trung Quốc ngang nhiên cải tạo trái phép trên bãi Gaven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
Triều Tiên
Hàng loạt câu hỏi đặt ra về tương lai của Triều Tiên như liệu việc củng cố quyền lãnh đạo của ông Kim Jong-un có đảm bảo chính quyền của ông này gặt hái được thành công trong những thập niên tới? Liệu Bình Nhưỡng có năng lực tự sản xuất hay mua sắm những công nghệ phục vụ năng lực phòng vệ và khiêu chiến với các quốc gia khác? Liệu trong tương lai, Triều Tiên có chọn con đường hợp nhất vào Hàn Quốc? Và nếu như chính quyền Triều Tiên sụp đổ, viễn cảnh về một cuộc khủng hoảng quy mô lớn sẽ như thế nào? Trong đó, viễn cảnh cuối cùng là điều mà giới quan sát đông bắc Á và lãnh đạo Hàn Quốc lo ngại nhất.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn đóng vai trò là đồng minh hậu thuẫn cho Triều Tiên để quốc gia này không rơi vào tình cảnh sụp đổ cũng như thoát khỏi sự dòm ngó của Mỹ và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, một cuộc chiến kiểu như Syria có thể xảy ra tương tự trên bán đảo Triều Tiên một khi Mỹ và Trung Quốc cùng tham chiến. Về phần mình, Hàn Quốc đang làm mọi cách có thể để ngăn chặn viễn cảnh chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ song chỉ có người dân Triều Tiên mới là đưa ra quyết định cuối cùng cho số phận quốc gia mình.
Vai trò của Mỹ
Vậy Mỹ làm cách nào để duy trì nền hòa bình ở khu vực đông bắc Á?
Theo ông War, trước hết, Washington có thể áp dụng mô hình “trustpolitik” (chính trị niềm tin) để xây dựng sự tin tưởng giữa các nước trong khu vực. Một khi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác có thể thấu hiểu nhau rõ hơn, nguy cơ bùng nổ xung đột sẽ được giảm thiểu.
Thứ hai, Mỹ nên đưa Trung Quốc vào vòng xoáy trật tự thế giới như trao cho Bắc Kinh vị trí và tiếng nói vững mạnh hơn trong các tổ chức quốc tế để rồi sự ra đời của một số thể chế như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) không còn là điều cần thiết. Nói tóm lại, khi Trung Quốc cảm thấy rằng quốc gia này được chào đón như một cường quốc đứng đầu thế giới, những hiểu nhầm không đáng có cũng sẽ ngừng xuất hiện.
Thứ ba, Mỹ cần hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản để đảm bảo rằng việc Tokyo xây dựng năng lực quân sự mới đi theo đường hướng khôn ngoan và đúng đắn. Sự kết hợp năng lực giữa quân đội Mỹ – Nhật là việc nên làm bởi Washington có thể cố vấn cho Tokyo về phương thức triển khai lực lượng một cách phù hợp trong môi trường an ninh đầy biến động như hiện nay.
Thứ tư, Mỹ cần lập một kế hoạch trang bị những thiết bị vũ khí tối tân hơn nữa để mở rộng năng lực phòng thủ trong khu vực.
Cuối cùng, Washington nên đảm bảo chắc chắn thi hành những cam kết đã tuyên bố với các quốc gia đồng minh trong khu vực.
Bởi nhiều quan chức Hàn Quốc cho rằng “sự kiên nhẫn chiến lược’ của Mỹ dường như không giúp gì được họ. Thậm chí, không ít nhà lãnh đạo Seoul nhận định Washington vắng bóng tại nhiều sự kiện trong khu vực trong khi quân đội Mỹ vẫn đang trực tiếp phối hợp với các lực lượng quân sự Hàn Quốc cũng như duy trì hoạt động của hàng loạt cơ sở quân sự lớn ngăn tại trung tâm thủ đô Seoul.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.