Wednesday, January 8, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiMỹ xuất khẩu dầu thời giảm giá: Nga đau, Mỹ cũng đau

Mỹ xuất khẩu dầu thời giảm giá: Nga đau, Mỹ cũng đau

Mỹ từng sử dụng chiêu bài dầu lửa với Liên Xô và chiến thắng, tuy nhiên ngày nay Mỹ khó thực hiện toan tính của mình.

 

Vô tư hay ẩn chứa ý đồ?

Xung quanh động thái gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô của Mỹ, TS Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mexico, Thụy Điển cho rằng, chính sách lâu dài của Mỹ là tham gia vào thị trường xuất khẩu dầu của thế giới. Đến thời điểm này, có thể tin rằng Mỹ đã tự túc được về năng lượng, dư thừa công suất khai thác dầu…, nói cách khác Mỹ đã ở trong tư thế có thể tác động đến giá dầu thế giới.

 Cuộc chiến giá dầu vẫn chưa dừng lại

“Khi nguồn cung dồi dào mà nhu cầu trong nước hạn chế, giá dầu sẽ xuống thấp và điều tất yếu xảy ra là sẽ có doanh nghiệp phải đóng cửa vì thua lỗ. Chính vì thế, các công ty dầu lửa của Mỹ gây sức ép đối với chính quyền của Tổng thống Barack Obama để được xuất khẩu nhằm duy trì hoạt động doanh nghiệp”, TS Nguyễn Ngọc Trường chỉ rõ.

Ông cũng cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn tới động thái cho phép xuất khẩu dầu thô của Mỹ. Bên cạnh đó, còn nhiều tính toán thôi thúc Mỹ tham gia vào cuộc chơi giá dầu. Giá dầu suy giảm thời gian qua chủ yếu do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), dẫn đầu bởi Saudi Arabia, không cắt giảm sản lượng để giữ thị phần trên thị trường dầu thô. Việc duy trì giá dầu thấp trong thời gian dài sẽ loại bỏ các nhà sản xuất với chi phí cao và cho phép các tập đoàn sống sót chiếm các thị phần được bỏ lại đó. Và trên thị trường, chi phí sản xuất dầu của OPEC là thấp nhất thế giới.

Trong khi đó, với công nghệ khai thác dầu đá phiến tiên tiến, chi phí khi thác thấp giúp doanh nghiệp Mỹ vẫn có lãi dù giá dầu giảm sâu. Cái bắt tay vô hình giữa Mỹ và Saudi Arabia đã tác động tiêu cực đến kinh tế Nga, quốc gia có nguồn thu ngân sách phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) nhận định, quyết định cho phép xuất khẩu dầu thô của chính quyền Mỹ nhìn bề ngoài thì vô tư nhưng đằng sau có thể ẩn chứa nhiều ý đồ, trong đó có cả những ý đồ về chính trị.

“Quyết định của Mỹ xuất phát trực tiếp từ đề xuất đã lâu của các doanh nghiệp kinh doanh dầu lửa của Mỹ. Đặc biệt, Tổng thống Obama đã bước vào năm cuối của nhiệm kỳ và chính trường Mỹ đang có cuộc chạy đua tranh cử tổng thống, chính vì thế họ muốn đưa ra những quyết sách mang tính đột phá vào lúc này nhằm tạo nên những thay đổi trong quan hệ quốc tế, kinh tế… Tuy nhiên, đây cũng có thể là chiêu bài của Mỹ muốn dùng dầu lửa như một công cụ nhằm đạt được ý đồ chính trị của mình.

Mỹ là cường quốc công nghiệp, nhu cầu về năng lượng lớn, cả một thời gian dài họ đã mua dầu để dự trữ và ngay cả bây giờ vẫn vậy. Tham gia vào thị trường xuất khẩu dầu chính là cơ hội để Mỹ tiếp tục đưa giá dầu đi xuống, mở rộng tích trữ. Ngoài ra, các đồng minh châu Âu của Mỹ đang phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga nên đây có thể là một trong những nguyên nhân thôi thúc Mỹ xuất khẩu dầu vào thời điểm này”.

Khó lặp lại bài học với Liên Xô

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, ngay từ khi giá dầu mới bắt đầu đà suy giảm, nhiều ý kiến đã nhận định rằng có nhân tố Mỹ đứng sau đó nhằm đối phó với việc Nga tăng cường vai trò trên trường quốc tế. Đặc biệt, có ý kiến cho rằng Mỹ có thể dùng chiêu bài giá dầu để ‘ép chết’ Nga. Trong lịch sử Mỹ đã sử dụng cách chơi này với Liên Xô và họ đã chiến thắng.

Theo đó, vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước, thị trường dầu thế giới cũng rơi vào tình trạng cung lớn hơn cầu. Liên Xô khi đó là quốc gia sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới và phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu dầu khí để trả tiền nhập hàng hóa từ phương Tây và có kinh phí hỗ trợ các nền kinh tế vệ tinh ở Đông Âu. Mỹ và Saudi Arabia đã có cái bắt tay gây ra “cú sốc giá dầu ngược”, đánh sụp chỗ dựa của kinh tế Liên Xô. Đi kèm đó, Mỹ phá giá đồng đô la mạnh mẽ khiến thặng dư thương mại của Liên Xô giảm mạnh. Theo các nghiên cứu, cú sốc giá dầu thập niên khiến Liên Xô thiệt hại 20 tỉ USD/năm, đẩy nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Trong vòng năm năm, Liên Xô rơi vào cảnh vỡ nợ. Bức tường Berlin sụp đổ và Liên Xô tan rã.

Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ngày nay Mỹ khó lặp lại cách làm trong quá khứ bởi thế giới đã không còn ở trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh mà là hội nhập, các quốc gia phụ thuộc vào nhau nhiều hơn. Chính vì thế, khi “một người đau kéo theo nhiều người khác đau theo”, rất nhiều quốc gia, ngay cả Mỹ cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ khi giá dầu tiếp tục giảm sâu.

“Khi giá dầu giảm, chi phí sản xuất kinh doanh sẽ thấp đi, lợi nhuận của doanh nghiệp cao hơn, khả năng mở rộng sản xuất cũng như thu ngân sách tốt hơn. Nhưng nó cũng khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh dầu phải đóng cửa giàn khoan, chỉ có những doanh nghiệp có chi phí khai thác thấp mới tồn tại được. Khi ấy nó sẽ tạo ra sự đổ vỡ lớn trong ngành khai thác, chế biến dầu, đặc biệt là khiến lao động bị mất việc. Doanh nghiệp Mỹ không nằm ngoài quy luật ấy. Giá dầu sẽ không thể xuống mãi bởi người ta không thể chấp nhận tình trạng càng khai thác, giá bán càng rẻ, càng lỗ”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Đối với nền kinh tế Nga, TS Nguyễn Ngọc Trường nhận xét, quốc gia này vẫn chưa thể thích ứng với giá dầu thấp khi ngân sách vẫn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu.

“Nga đang cố gắng xây dựng lại các ngành kinh tế, thúc đẩy sản xuất lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng để tự đứng vững như thời Chiến tranh vệ quốc, nhưng nhìn bức tranh tổng thể, Nga vẫn đang ở trong giai đoạn khó khăn chồng chất. Vì thế, họ vẫn phải tiếp tục xuất khẩu dầu dù giá dầu có như thế nào để có tiền”, ông Trường nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới