Hải quân Ấn Độ chuẩn bị tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn trên Ấn Độ Dương, trong khi quân đội Trung Quốc cũng tập trận bắn đạn thật tại vùng biển này.
Tàu INS Shakti của Ấn Độ và tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ trong cuộc tập trận Malabar hồi năm 2012.
Hải quân Ấn Độ tập trận quy mô đối phó Trung Quốc
Trong 2 tuần tiếp theo, hàng chục chiến hạm, tàu ngầm hạt nhân cùng với tàu sân bay của quân đội Ấn Độ sẽ tham gia cuộc tập trận quy mô lớn ở vùng biển phía Đông Ấn Độ, trong phạm vi từ Vịnh Bengal kéo tới biển Andaman.
Tờ The New Indian Express (Ấn Độ) hôm 24/12 phân tích, mục đích của cuộc tập trận này là nhằm đối phó với việc Hải quân Trung Quốc ngày càng gia tăng hoạt động quân sự ở vùng biển khu vực này.
Hải quân Ấn Độ cần phải dùng “trạng thái ứng chiến mức độ cao” để đối đầu mới mối đe dọa quân sự trong tương lai, bao gồm nguy cơ đến từ Trung Quốc, tờ báo cho biết.
Thông báo của Hải quân nước này hôm 24 còn tiết lộ, nhiều tàu chiến đã được điều động đặc biệt từ bờ Tây Ấn Độ để tham gia tập trận.
Theo hãng thông tấn Ấn Độ PTI, trong vài chục năm qua, các tàu ngầm Trung Quốc đã hiện diện tại Ấn Độ Dương với tần suất không ngừng gia tăng.
Bất chấp Bắc Kinh tuyên bố hành động của họ chỉ nhằm phục vụ hoạt động chống cướp biển, song cơ quan an ninh quốc gia Ấn Độ luôn giữ thái độ nghi ngờ trước chủ trương của Trung Quốc.
Theo Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), số lượng và quy mô các cuộc tập trận mà quân đội Ấn Độ tiến hành trên Ấn Độ Dương cũng gia tăng liên tục trong những năm trở lại đây.
New Delhi thường xuyên tổ chức tập trận chung với Mỹ, Nga và gần đây là cả Nhật Bản, khiến Bắc Kinh không hài lòng.
Phân tích trên tờ này cho rằng việc Ấn Độ tăng cường hiện diện quân sự ở vùng biển khu vực này là “ý đồ kiềm chế Trung Quốc một cách rõ ràng”.
Hoàn Cầu cho rằng, báo chí Ấn Độ tỏ rõ lập trường này khi thường tuyên bố “New Delhi gửi thông điệp đến Trung Quốc” trong các bản tin về hoạt động của quân đội.
Theo Hoàn Cầu, Hải quân Trung Quốc xem việc Hải quân Ấn Độ tổ chức tập luyện ở vùng biển quốc tế “là hành động bình thường”, “không mang ý nghĩa đặc biệt nhằm vào một nước nào đó”.
Cùng thời gian Ấn Độ tổ chức tập trận quy mô lớn sắp tới, một cơ quan thuộc quân đội Trung Quốc cũng đang tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Ấn Độ Dương.
Về sự hiện diện thường xuyên ở Ấn Độ Dương của tàu ngầm Trung Quốc, Hoàn Cầu cho hay, Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố đây là “nhu cầu hàng hải bình thường” và khẳng định đã thông báo đầy đủ với phía Ấn Độ khi dừng đỗ ở các cảng tiếp tế, “không xâm phạm lợi ích của nước nào”.
Tàu INS Shakti của Ấn Độ và tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ trong cuộc tập trận Malabar hồi năm 2012. Ảnh: Wikipedia
Trung Quốc cảnh cáo Ấn Độ không can thiệp vào biển Đông
Mối quan ngại của Trung Quốc về vai trò của New Delhi trong tình hình biển Đông trở nên rõ rệt hơn sau tuyên bố chung của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cùng người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi hôm 13/12 vừa qua.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định “tuyến giao thông biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh năng lượng cũng như hòa bình thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và kêu gọi “tất cả các nước tránh hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng”.
Giới quan sát đánh giá tuyên bố này là sự chỉ trích “không đích danh” đối với Trung Quốc về vấn đề biển Đông, đồng thời chứng minh sợi dây liên kết từ Ấn Độ Dương sang Tây Thái Bình Dương đang dần hiện hữu rõ rệt.
Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Nhạc Ngọc Thành hôm 19/12 đã lên tiếng cảnh cáo: “Các quốc gia ngoài khu vực không nên can thiệp vào biển Đông. Điều này chỉ làm tình hình diễn biến tồi tệ hơn.”
Tuyên bố này của ông Nhạc được đưa ra trong cuộc Đối thoại “Thế kỷ châu Á – Thái Bình Dương: Ấn Độ và sự can dự lớn hơn” do nhật báo Deccan Herald của Ấn Độ tổ chức.
Theo Deccan Herald, ông Nhạc ám chỉ Mỹ-Ấn đang “dấn thêm 1 bước” trong việc can thiệp vào biển Đông và tuyên bố Bắc Kinh “sẽ tiếp tục gìn giữ an ninh, hòa bình khu vực”.
Nhật và Ấn Độ lần đầu tiên đạt được nhận thức chung về vấn đề biển Đông. Ảnh: waltonian.com
Nhạc Ngọc Thành cảnh cáo Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ tổ chức cuộc tập trận hải quân chung thường niên mang tên Malabar “không nên phá hoại ổn định khu vực biển xung quanh Trung Quốc”.
Trước đó, ông Nhạc hôm 17 cũng đòi hỏi New Delhi “bảo đảm những hoạt động trên biển 3 bên như trên hoặc các mối quan hệ quốc phòng với quốc gia khác có lợi cho hòa bình, ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Trong các tuyên bố của mình, Nhạc Ngọc Thành cũng ngang ngược lặp lại khẳng định vô giá trị rằng “các đường biên giới mà Bắc Kinh vạch ra trên biển Đông là hợp pháp” và “tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là không thể tranh cãi”.
Phát biểu tại cuộc Đối thoại trên, Đại sứ Việt Nam Tôn Sinh Thành cho biết căng thẳng ở biển Đông nổi lên là một vấn đề an ninh chủ chốt có thể gây trở ngại cho giấc mơ về một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương.
Đại sứ bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp ở biển Đông khi Trung Quốc tiến hành hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa (trái phép-PV) ở quy mô chưa từng có.
Đại sứ Tôn Sinh Thành tuyên bố Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì nơi đây trên thực tế do Việt Nam sở hữu và quản lý một cách hòa bình và liên tục từ thế kỷ thứ 17.