Thursday, January 9, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiPhó thủ tướng: 'Tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế...

Phó thủ tướng: ‘Tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế độ’

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tham nhũng là nguy cơ chính đe dọa sự tồn vong của chế độ, xói mòn các thể chế, giá trị đạo đức…

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng sáng 24/12, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, nhiều năm qua công tác phòng chống tham nhũng có những chuyển biến tích cực và đạt một số kết quả nhưng công tác điều tra, truy tố, giám định tư pháp còn chậm, chưa đạt yêu cầu.

“Trên thực tế tham nhũng ngày càng tinh vi, được che chắn, tiềm ẩn dưới hình thức như lợi ích nhóm, vận chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài. Trong những vụ việc phát hiện có biểu hiện cấu kết chặt chẽ thành một nhóm người, có những vụ việc tạo ra lợi ích nhóm từ việc xây dựng cơ chế chính sách để làm lợi cho một số người có chức vụ, quyền hạn”, ông Phong nói.

Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, tham nhũng là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân. Do đó, từ nhiều năm nay Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn chú trọng, sớm ban hành các quy định về phòng chống tham nhũng.

Để hiệu quả hơn, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Liêm đề xuất trong Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung – sắp tới được Quốc hội thông qua – cần có quy định kiểm soát thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn từ Phó chủ tịch UBND cấp huyện trở lên; Trung ương từ Phó vụ trưởng trở lên.

Theo đó, buộc chi trả qua tài khoản ngân hàng đối với tất cả các khoản chi từ ngân sách cho người có chức vụ, quyền hạn; quy định nghĩa vụ kê khai các khoản chi đầu tư và chi tiêu dùng có giá trị lớn; quy định nghĩa vụ bắt buộc sử dụng phương thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng đối với các khoản chi đầu tư và chi tiêu dùng có giá trị lớn cho người có chức vụ, quyền hạn.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận chính quyền thành phố đã luôn quan tâm chỉ đạo, từ tuyên truyền vận động đến củng cố các cơ quan chống tham nhũng. Đặc biệt Thành ủy thành phố đã ra nhiều nghị quyết, HĐND thành phố cũng có những chất vấn chuyên đề; cơ quan chuyên trách đã xử lý một số vụ án tham nhũng trọng điểm.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, cần thẳng thắn nhìn nhận công tác phòng chống tham nhũng nhìn chung trong cả nước chưa đạt yêu cầu. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành gây bất bình trong xã hội.

“Vấn nạn này đang trở thành nguy cơ chính đe dọa sự ổn định chính trị, sự tồn vong của chế độ, trật tự và an toàn xã hội, xói mòn các thể chế, các giá trị đạo đức…”, ông Phúc nói và cho rằng tham nhũng có thể phát sinh ở hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, gây thiệt hại cho người dân, đặc biệt là những người nghèo.

Phó thủ tướng lưu ý, cùng với xu thế mở cửa và hội nhập quốc tế cũng tạo cơ hội phát sinh những vụ việc tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do có sự tham gia của các cá nhân, tổ chức nước ngoài. Và TP HCM với vị trí là một trung tâm kinh tế – chính trị – xã hội của cả nước chắc chắn sẽ phải đối mặt với thực trạng đó.

“Trong thời gian tới, thành phố cần tăng cường hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, kiên quyết khắc phục những yếu kém. Nhất là những hạn chế liên quan đến trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện của địa phương và những hạn chế có nguyên nhân từ yếu tố chủ quan của các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền”, Phó thủ tướng yêu cầu.

Trong 10 năm (2005-2015), Công an TP HCM đã thụ lý điều tra 52 vụ án tham nhũng, chức vụ với 463 bị can. Tổng giá trị tài sản thiệt hại, phạm tội trên 600 tỷ đồng và 136.000 USD. Quá trình điều tra, xét xử không có trường hợp nào bị oan sai phải bồi thường.

Riêng VKSND thành phố đã thụ lý 151 vụ với 396 bị can, truy tố 140 vụ với 323 bị can. TAND thành phố xét xử 199 vụ.

Tính từ năm 2006 đến nay, các vụ án hình sự sơ thẩm thuộc thẩm quyền thụ lý của TAND thành phố liên quan đến tham nhũng có tăng nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, số bị cáo ngày càng tăng mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới