Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiThực phẩm bẩn độc bủa vây: Để không "nhắm mắt, nhận tiền''

Thực phẩm bẩn độc bủa vây: Để không “nhắm mắt, nhận tiền”

Càng vào cuộc kiểm tra lại càng phát hiện vi phạm thế thì càng phải kiểm tra hơn nữa, phải kiểm tra chéo cả nhau và phạt nặng hơn nữa.

Sau khi vấn đề an toàn thực phẩm được đại biểu Quốc hội quan tâm, nhiều bộ, ngành đã vào cuộc thanh, kiểm tra ráo riết, các lực lượng công an và các chi cục thú y tại các tỉnh hàng ngày vẫn bắt được thành trăm tấn thực phẩm bẩn, thối, đang phân hủy trên đường đi tiêu thụ.

Theo nhận định của ông Nguyễn Nguyên Cương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và truyền thông môi trường, phải trao quyền cho cán bộ xã, phường, người nắm được địa bàn và hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa phương mình nhất.

“Quyền được trao phải là quyền thật, trách nhiệm thật thì mới tăng được hiệu quả của hoạt động kiểm tra, tránh việc lạm quyền, thông đồng, đút lót từ những người chăn nuôi, trồng trọt, chế biến để cho tình trạng mất an toàn xảy ra không kiểm soát”, ông Cương nói.

Đặc biệt, theo ý ông Cương, cần phải có một ban độc lập với các cơ quan khác để thực hiện việc kiểm tra trên địa bàn xã, phường. Đơn cử, việc thành lập một Ban với Trưởng ban là Chủ tịch HĐND, Phó Ban là Mặt trận Tổ Quốc, dưới đó là chủ tịch các Hội thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Y học… thường xuyên thực hiện kiểm tra thì tất yếu vấn đề an toàn thực phẩm sẽ được nắm bắt rõ hơn để tiến đến xử lý rốt ráo.

“Nếu họ chưa nắm rõ lĩnh vực này thì phải tập huấn. Các lãnh đạo HĐND hiện nay đều ở cấp độ Đại học trở lên. Vậy thì chắc chắn họ có đủ kiến thức, kinh nghiệm và trình độ quản lý để thực hiện việc kiểm tra này”.

Trong khi thực tế rõ ràng là càng vào cuộc kiểm tra chúng ta lại càng phát hiện vi phạm. Nhưng đây là lần vào cuộc của những tháng hành động, những chương trình hành động theo tháng và được công khai. Ông Cương cho rằng, điều này sẽ càng tạo điều kiện cho việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra phức tạp.

“Nếu anh chỉ thực hiện thanh, kiểm tra trong 3 tháng, 2 tháng thì những tháng còn lại anh ngồi chơi à? Hoặc lấy kết quả báo cáo rồi lại ngồi đợi để triển khai tiếp thì trong lúc anh đang ngồi nghĩ kế hoạch, họ đã có hàng loạt các chiêu thức mới để qua mặt các anh rồi. Vì vậy phải có sự kiểm tra hàng ngày, hàng tháng và phải báo cáo hàng hàng tuần, hôm nay, tuần này anh làm những việc gì?”, ông Cương nhấn mạnh. “Việc kiểm tra an toàn là việc của cả một thế hệ”.

Đồng tình với nhận định này, ông Hà Văn Đạo, Vụ Tài chính-Tổng hợp, Bộ Khoa học-Công nghệ cho rằng, công việc trước mắt hiện nay là phải đánh giá cho đúng thực trạng, rà soát các văn bản pháp luật, vấn đề cụ thể nào, do cơ quan nào quản lý.

Việc quản lý an toàn thực phẩm ở xã, phường là điều cần thiết song phải có sự phối hợp liên ngành. Một cá nhân ở xã, phường không thể làm được điều này. Đặc biệt sẽ xuất hiện việc đút lót, ăn tiền để nhắm mắt cho qua các hoạt động kinh doanh buôn bán trái phép.

Mặt khác, khi vấn đề xã hội và tình trạng bảo kê, ăn dây với nhau xuất hiện, việc kiểm tra và báo cáo các hoạt động vi phạm sẽ có thể gây ra tình trạng trả thù cá nhân.

Ông Đạo nhấn mạnh, một cơ quan chuyên trách kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm cần có cán bộ ở địa phương, xã, phường đi cùng và thực hành kiểm tra chéo nhau. Khi về triển khai phương án hoạt động ở địa phương mình cũng cần có sự phối hợp các đơn vị ngành.

“Việc kiểm tra chéo giữa các xã, các quận sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động kiểm tra trên địa bàn, tránh được tình trạng đút lót, hậu thuẫn để kiểm tra cho xong”, ông Đạo nhận định.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra này phải thực hành thường xuyên, liên tục, hàng ngày và có báo cáo hàng tháng, được quy định rõ ràng trong luật, bao gồm việc hoạt động, tổ chức, được trao quyền, trách nhiệm, chế tài xử phạt nặng, nghiêm minh nhằm đảm bảo tính răn đe.

“Lần đầu có thể là phạt cảnh cáo, lần thứ hai thì phải phạt thật nặng để răn đe, tới lần thứ ba nữa thì phải phạt sao cho họ không ngóc đầu lên được, buộc phải quay sang tìm con đường khác, trong sạch để kiếm sống”, ông Đạo nhận định.

Một vấn đề khác cũng được ông Đạo đặt ra, đó là nhận thức pháp luật và thực thi pháp luật của người dân và của cả cán bộ chức năng chưa cao.

Ông khẳng định: “Người dân không biết luật và coi nhẹ pháp luật vì pháp luật xử lý chưa nghiêm. Cán bộ không thực hiện đúng luật vì làm sai thì mới đủ tiền với lương để sống, và nếu sai cũng chỉ bị khiển trách, cảnh cáo chứ không ai bị đuổi khỏi ngành cả. Tức là vừa có lương vừa có “lộc” thì ai dại gì mà đi kiểm tra, móc máy nhà người đang cho tiền mình”.

RELATED ARTICLES

Tin mới